Với khả năng tự bảo vệ tốt, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, đột kích nhanh, lực lượng tăng thiết giáp đã dẫn dắt hoặc cùng bộ binh thọc sâu vào nơi hiểm yếu của địch, làm cho chúng khiếp sợ, chỉ huy rối loạn, tạo điều kiện để các lực lượng tiêu diệt gọn quân địch, dứt điểm trận đánh nhanh, thắng lợi giòn giã. Nghệ thuật tác chiến của lực lượng TTG trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trưa 30-4-1975, xe tăng Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu
Cuối tháng 1-1968, lực lượng TTG Quân đội nhân dân Việt Nam tham chiến lần đầu tiên tại trận Tà Mây (Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh), với trang bị là xe tăng hạng nhẹ PT-76 đã chở bộ binh đánh thẳng vào bên trong cứ điểm Tà Mây, dùng hỏa lực đánh sập lô cốt, ụ súng, khiến địch khiếp sợ và tháo chạy. Đặc biệt, trận Làng Vây (tháng 2-1968)-trận đầu đánh thắng của bộ đội xe tăng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh vào tuyến phòng thủ rắn nhất của Mỹ-ngụy tại đây, mở ra trang sử mới “đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội TTG. Từ năm 1971, lực lượng TTG hình thành các đơn vị thuộc Binh chủng TTG và trực thuộc các quân khu, quân đoàn.
Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, Bộ đội TTG với trang bị 88 xe tăng đã cùng các đơn vị bạn đập tan cuộc tấn công của địch, góp phần bảo vệ tuyến Đường Hồ Chí Minh chiến lược. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với lực lượng khoảng 10 tiểu đoàn, trang bị hơn 300 xe tăng, xe thiết giáp các loại, lực lượng TTG đã tham gia nhiều chiến dịch, đánh 82 trận, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, phương pháp tác chiến và giành nhiều thành tích, tiêu diệt được hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và hàng nghìn bộ binh địch. Năm 1973-1974, trên chiến trường Nam Bộ, Bộ đội TTG đã tham gia 26 trận chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng và tuyến vận tải chiến lược Đường Hồ Chí Minh.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng TTG tham gia lớn nhất so với các giai đoạn trước đây, bao gồm 19 tiểu đoàn, trang bị khoảng 500 xe TTG các loại, đánh 66 trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng trên tất cả các hướng chiến lược, chiến dịch quan trọng. Mở đầu trong Chiến dịch Tây Nguyên, bằng các trận đánh “điểm huyệt” tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột; chặn đánh địch rút chạy trên Đường 7, Đường 21; đánh địch tăng viện ứng cứu giải tỏa bằng đổ bộ đường không ở Nông Trại, Phước An...
Lữ đoàn Xe tăng 273 trong đội hình binh chủng hợp thành đã phát huy khả năng đột kích và sức cơ động cao, chi viện đắc lực, hiệu quả cho các lực lượng nhanh chóng giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, mở toang cánh cửa cùng các lực lượng binh chủng hợp thành tiến vào giải phóng các tỉnh miền Trung, hỗ trợ cho các chiến dịch trên các hướng phát triển chiến đấu.
Trong chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng, Lữ đoàn Xe tăng 203 dẫn đầu đội hình Quân đoàn 2 cùng các lực lượng thần tốc tiến công tiêu diệt Sư đoàn 1 ngụy, đập tan tuyến phòng thủ Quân khu 1 ngụy, giải phóng TP Huế (26-3-1975); đồng thời lực lượng thiết giáp của Trung đoàn 574 (Quân khu 5) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công tiêu diệt địch ở Tây Nam Đà Nẵng, khép chặt vòng vây cùng các lực lượng tiến công giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975).
Phát huy thắng lợi của Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, từ ngày 14-4-1975, trên hướng Quốc lộ 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 được tăng cường Đại đội 5 (Lữ đoàn Xe tăng 273, Quân đoàn 3) phối thuộc cho bộ binh tiến công giải phóng thị xã Phan Rang (16-4); giải phóng thị xã Phan Thiết (ngày 18-4). Cũng trong tháng 4-1975, Quân đoàn 4 sử dụng Tiểu đoàn Xe tăng 21 cùng Đoàn Thiết giáp 26... phối hợp với bộ binh tổ chức tiến công, kìm chân địch ở thị xã Xuân Lộc, khống chế sân bay Biên Hòa, buộc chúng rút chạy về Biên Hòa, Trảng Bom, tạo thế cho các cánh quân áp sát Sài Gòn.
Lực lượng TTG đã phối hợp với quân và dân miền Đông Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động chiến đấu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng và nối liền hành lang với vùng đồng bằng, áp sát Sài Gòn tạo thế chiến lược.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30-4-1975), lực lượng TTG sử dụng trên 5 hướng trong đội hình binh chủng hợp thành đánh vào TP Sài Gòn-Gia Định. Trên các hướng được sử dụng tập trung từng tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn làm lực lượng đột kích mạnh cùng bộ binh và các binh chủng tiến công đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu là các cơ quan đầu não của ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Trưa 30-4-1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trong chiến dịch này, Bộ đội TTG đã được sử dụng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiếm gần 80% tổng số xe TTG trên toàn chiến trường miền Nam. Ta đã tập trung lực lượng để tiến hành các trận then chốt của chiến dịch, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thế phòng ngự lực lượng lớn của địch, tạo ra được những diễn biến thuận lợi trong chiến dịch, chiến thuật. Đồng thời, trên từng hướng, ta sử dụng một bộ phận TTG đủ sức để đột phá mở cửa chiến dịch (thường từ đại đội đến tiểu đoàn tăng cường), còn đại bộ phận được sử dụng làm nhiệm vụ thọc sâu, chia cắt, vu hồi chiến dịch.
Nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng và vận dụng linh hoạt cách đánh của TTG trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện trên từng hướng của chiến dịch. Ta đã sử dụng xe TTG làm nòng cốt, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, pháo binh, phòng không, công binh... và lực lượng nổi dậy tiến công với tốc độ cao, vận dụng linh hoạt thủ đoạn đột phá kết hợp với thọc sâu, chia cắt, bỏ qua hoặc vòng tránh các cứ điểm địch, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu. Khi không thể vòng tránh được, sử dụng sức mạnh hỏa lực với sức đột kích đè bẹp quân địch, mở đường cho lực lượng chủ lực tiến công.
Bộ đội TTG trong đội hình thọc sâu chiến dịch do bảo đảm tốt, cách đánh thích hợp, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và sự chi viện của các lực lượng quân, binh chủng đã góp phần quan trọng cho sự thành công của chiến dịch trong việc nâng cao nhịp độ tiến công, đột phá chọc thủng các tuyến ngăn chặn của địch, thường là một trong những lực lượng đầu tiên đánh chiếm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.
Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cùng một số cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay, lực lượng TTG rút ra một số bài học kinh nghiệm chiến đấu phòng thủ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).
Một là, luôn nhận thức đúng về vị trí, vai trò của TTG, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng TTG toàn quân nói chung, Binh chủng TTG nói riêng vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu chiến đấu phòng thủ BVTQ trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm "người trước, súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, tập trung xây dựng cho Bộ đội TTG có năng lực toàn diện, trước hết là có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có ý chí quyết tâm, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược; có trình độ, kỹ năng tác chiến cao trên cơ sở làm chủ và khai thác hiệu quả các loại vũ khí, trang bị hiện có, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, luôn quán triệt và thực hiện nghiêm những nguyên tắc cơ bản trong sử dụng TTG, có cách đánh mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với địa hình và đối tượng tác chiến. Đồng thời nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng phương án tác chiến, xây dựng thế trận và tổ chức tốt công tác bảo đảm cho TTG trong tác chiến phòng thủ BVTQ.
Bốn là, tích cực tham gia nghiên cứu lý luận, nhất là lý luận về nghệ thuật quân sự, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về khai thác, sử dụng TTG trong chiến tranh BVTQ; về mua sắm vũ khí, trang bị mới; về đổi mới công tác huấn luyện-đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và tổ chức xây dựng lực lượng...
Thiếu tướng ĐỖ ĐÌNH THANH, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp