Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) Nguyễn Hữu Quang chăm sóc vườn ổi.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch có khoảng 40ha cây ăn quả các loại. Trong đó, có tới 25ha trồng ổi lê theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cho biết, để có được sản phẩm chất lượng, từ lúc quả ổi còn nhỏ, có đường kính từ 2-3cm, bà con đã lựa chọn những quả đủ tiêu chuẩn và bọc quả lại bằng túi ni-lông. Việc làm này giúp hạn chế sâu bệnh gây hại cho quả cũng như giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây.
"Trong quá trình chăm sóc cây, bà con chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ. Nếu cây bị sâu bệnh, chúng tôi thường sử dụng các biện pháp thủ công. Trường hợp phải sử dụng thuốc chúng tôi luôn ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Vì vậy, ổi Di Trạch luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng cao", ông Nguyễn Hữu Quang nói.
Trước đây, mỗi năm cây ổi chỉ cho thu hoạch một lứa quả. Thời điểm thu hoạch chính vụ là vào tháng 5-6 âm lịch, trùng với thời điểm vào vụ thu hoạch chính vụ của nhiều loại hoa quả khác nên giá bán không cao, tiêu thụ chậm. Sau một thời gian tìm tòi, đúc kết kinh nghiệm, người trồng ổi ở Di Trạch đã áp dụng kỹ thuật bón phân, tỉa cành phù hợp theo từng giai đoạn của cây.
Nhờ vào những đôi bàn tay khéo léo và sự nhạy bén, linh hoạt của người trồng ổi, hiện nay mỗi năm cây ổi lê ở Di Trạch cho thu hoạch từ 2-3 lứa quả. Mùa ổi chính vụ đã lùi về tháng 9 âm lịch, lúc này trời có gió heo may, cây ổi hợp lạnh, ưa gió nên càng thêm giòn ngọt.
Với 7 hội viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch đã có 30 hội viên. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 1 nghìn tấn ổi. Với giá bán tại vườn ở mức trên dưới 20 nghìn đồng/kg, nghề trồng ổi mang lại nguồn thu ổn định cho bà con. Ước tính thu nhập bình quân của mỗi hội viên khoảng 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều bà con ở địa phương.
Năm 2021, sản phẩm ổi Di Trạch được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cho biết, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, ổi Di Trạch càng được người tiêu dùng tin tưởng.
Từ năm 2021 đến nay, cơ quan chức năng tạo điều kiện, tích cực hỗ trợ quảng bá giúp người trồng ổi có cơ hội mở rộng thị trường. Ổi Di Trạch hiện nay có mặt ở nhiều siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Bên cạnh những kết quả khả quan, người trồng ổi ở Di Trạch hiện nay còn gặp phải một số khó khăn. Theo chia sẻ của bà con, khi cây ổi trồng được khoảng 2 năm tuổi thì xảy ra hiện tượng một số cây mắc bệnh và chết. Đến nay, nhà nông vẫn chưa có cách chữa trị hiệu quả. Cùng với đó, vào chính vụ thu hoạch, có nhiều thời điểm việc tiêu thụ ổi gặp khó khăn cho nên vẫn còn xảy ra tình trạng ùn ứ sản phẩm.
Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch đã xây dựng được thương hiệu ổi Di Trạch, khẳng định được vị thế của sản phẩm. Tuy nhiên, khi đưa sản phẩm ra thị trường vẫn bị các sản phẩm của chủ thể khác trà trộn, mạo danh thương hiệu ổi Di Trạch của hợp tác xã.
Ông Nguyễn Hữu Quang kiến nghị, để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như xây dựng ổi Di Trạch thành thương hiệu mạnh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ giải pháp kỹ thuật giúp xử lý diện tích ổi mắc bệnh. Đồng thời, cung cấp nguồn giống sạch bệnh cho bà con canh tác. Bên cạnh đó, có các giải pháp bảo vệ thương hiệu ổi Di Trạch của hợp tác xã; tiếp tục có các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm để hoạt động tiêu thụ ngày càng tốt hơn.
Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, ổi Di Trạch được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đã góp phần giúp sản phẩm khẳng định chất lượng, thương hiệu ổi của địa phương. Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP chiếm 21,3% tổng số sản phẩm OCOP trên cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, cùng 1.571 sản phẩm 4 sao, 1.718 sản phẩm 3 sao.
Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi để triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố hiện có gần 1.600 trang trại, cùng 172 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hơn 1.300 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 1.350 làng nghề truyền thống, chiếm 40% tổng số làng nghề cả nước. Đáng chú ý, hiện nay hơn 14.000 sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội đã được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thành phố còn có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng tầm chất lượng, độ an toàn và tính minh bạch của sản phẩm nông sản Thủ đô.
Mạnh Hà