Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước

Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước
11 giờ trướcBài gốc
Mảnh ghép then chốt
Tỉnh Khánh Hòa mới sau hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận (cũ) không chỉ gia tăng không gian phát triển mà còn nắm giữ lợi thế hiếm có về tài nguyên năng lượng tái tạo và truyền thống. Chính bước ngoặt địa giới này đã mở ra thời cơ vàng để Khánh Hòa chuyển mình thành trung tâm năng lượng quốc gia - mục tiêu từng được xác định trong các nghị quyết phát triển vùng Nam Trung Bộ và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Khu vực triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Phùng Quang.
Trước đó, ngày 4/3/2025, UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) thông tin: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15, quyết nghị khôi phục chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện quốc gia tiếp tục tăng mạnh, việc đa dạng hóa nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu.
Chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Trung ương Đảng thống nhất cao, trở thành một trong những dấu mốc quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược ngành năng lượng Việt Nam. Ngay sau khi chủ trương được thông qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã có chuyến làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận (cũ) nhằm thúc đẩy tiến trình tái khởi động dự án.
Tổng Bí thư Tô Lâm (bên phải) nghe báo cáo tình hình quy hoạch khu vực dự kiến thực hiện Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: Lữ Hồ.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu".
Đứng trước thời cơ, vận mệnh lớn và hoàn thành mục tiêu trở thành thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh Khánh Hòa đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển chất lượng và trung tâm năng lượng sạch là trụ cột phát triển.
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh tư liệu.
"Tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn. Phát triển Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia, đi đầu trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu từ các nguồn điện gió ven biển và ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí LNG, năng lượng Hydrogen xanh, điện hạt nhân", một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Niềm hy vọng lớn từ vùng đất đầy nắng gió
Xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa chính thức hoạt động sau khi sáp nhập 3 xã vùng biển (xã Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải) có tổng diện tích tự nhiên hơn 16.143ha, dân số 9.582 hộ/36.034 khẩu. Đây là trong hai địa điểm chiến lược dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo ghi nhận, đa phần người dân tại xã Vĩnh Hải sống bằng nông nghiệp, trồng hành, tỏi, nho và làm du lịch cộng đồng. Trong đó, thôn Thái An nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã từng trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị di dời, giải phóng mặt bằng.
Vườn nho xanh biếc của người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải.
Ông Nguyễn Hàn (sinh sống ở thôn Thái An) chia sẻ: “Người dân vừa mừng vừa lo. Vui vì chủ trương lớn của Đảng được khơi lại, lo vì dự án từng ‘ngủ yên’ suốt gần một thập kỷ. Nhưng người dân đồng thuận vì đây là công trình trọng điểm quốc gia. Chỉ mong Nhà nước có chính sách đặc thù hợp lý, lo cho cuộc sống, tái định cư, việc làm cho bà con".
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Thanh Vũ (hộ dân có 6 sào nho nằm trong vùng quy hoạch ở thôn Thái An) đề nghị: “Cần có phương án đền bù thỏa đáng và triển khai nhanh để người dân sớm ổn định cuộc sống".
Ông Nguyễn Hàn (người đeo kính, ở thôn Thái An) kỳ vọng sớm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại địa phương.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Em (ở thôn Thái An) khi được hỏi về dự án điện hạt nhân, cho biết trước kia còn nhiều e ngại do thiếu thông tin. Nhưng nay, sau khi hiểu rõ hơn, bà tin rằng đây là nguồn điện sạch, có thể ứng dụng cả trong y học. “Chúng tôi chỉ mong có việc làm tại chỗ, để con em địa phương có thể làm kỹ thuật, công nhân tại nhà máy”, bà Em nói.
Còn ông Nguyễn Sinh Quyên (ở cùng thôn Thái An) tin rằng: Khi được triển khai bài bản, công trình sẽ tạo cú hích phát triển vùng đất này, từ hạ tầng, giáo dục đến kinh tế - xã hội. “Chúng tôi tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ. Nhưng mong rằng, lần này làm phải quyết tâm, làm đến nơi đến chốn, đừng để bà con lại chờ đợi mỏi mòn”, ông Quyên đề xuất.
Tại Kỳ họp thứ 27 ngày 26/6 vừa qua, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI (cũ) đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có việc điều chỉnh 8 nội dung liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo nghị quyết này, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được quy hoạch trên tổng diện tích khoảng 883,68ha (443,11ha trên đất liền và 440,57ha mặt biển) và Nhà máy Ninh Thuận 2 được quy hoạch trên tổng diện tích 758,54 ha (380,91ha đất liền và 377,63ha biển).
Thái Lâm
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khanh-hoa-dat-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-sach-cua-ca-nuoc-post1762128.tpo