Khánh Hòa phấn đấu mỗi hộ dân tộc thiểu số có ít nhất 1 người làm công ăn lương

Khánh Hòa phấn đấu mỗi hộ dân tộc thiểu số có ít nhất 1 người làm công ăn lương
4 giờ trướcBài gốc
Thừa tiền tỷ vì khó vận động bà con đi xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động được xem như một giải pháp hữu hiệu giúp thoát nghèo, chống tái nghèo.
Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động đã được triển khai. Thế nhưng không ít bà con ở tỉnh Khánh Hòa lại chẳng mặn mà khi được hỗ trợ.
Bà Trần Thị Việt, người có uy tín ở thôn Hòn Dù kể câu chuyện thực tế tại địa phương. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Một số hộ chưa nhận thức được vấn đề. Mình đến tận nhà vận động, phân tích hiệu quả của việc đi lao động xuất khẩu, nhưng người ta nói không đi vì cha mẹ già, con nhỏ, vợ cần có người ở bên. Mình không thể vận động được”, bà Trần Thị Việt, người có uy tín ở thôn Hòn Dù kể.
Lý giải hiện tượng bà con không muốn đi lao động nước ngoài, ông Cao Điệp Phới, xã Cam Phúc Nam cho rằng: “Người dân tộc thiểu số có tính cộng đồng rất cao, không muốn sống riêng lẻ; vợ chồng không muốn rời nhau, bố mẹ không muốn con cái đi làm xa”.
Chia sẻ thêm thông tin về câu chuyện này, ông Phạm Duy Khánh, Phó giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa cho hay: Dù được tài trợ kha khá kinh phí, bà con vẫn không thích đi nước ngoài làm việc. Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành về lao động - việc làm, địa phương thừa mấy tỷ đồng tiền hỗ trợ bà con đi xuất khẩu lao động vì khó giải ngân.
Tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có khoảng 2,4 triệu dân, trong đó khoảng 295 nghìn người dân tộc thiểu số. Ảnh: Xuân Ngọc
Nguy cơ tái nghèo khi bà con chỉ thích đi làm thuê nhận tiền công theo ngày
Nhiều năm trước, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa thường xuyên vượt trên 30%.
Với nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện giờ, tỷ lệ này đã giảm xuống 16,6% (tính riêng tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 9,8%), tỷ lệ cận nghèo hơn 10%.
Trong số hộ dân đã thoát nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo rất cao. Cái khó nhất không nằm trong chính sách mà do thói quen của đồng bào.
“Chúng tôi từng vận động một số thanh niên trong độ tuổi 25-45 đi làm ở công ty. Tuy nhiên, chỉ được mấy tháng, nhiều thanh niên bỏ công ty để đi lột keo hoặc làm những công việc khác. Họ cho biết lý do là cả tháng mới được nhận lương, vợ con không có gì ăn. Với cách làm ăn này thì không thể phát triển được kinh tế, khó thoát nghèo bền vững”, bà Việt dẫn chứng.
Được biết, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều biện pháp khá quyết liệt nhằm tạo công ăn việc làm ổn định hơn cho bà con địa phương. Chẳng hạn, khi giao công trình cho đơn vị thầu sẽ yêu cầu phải sử dụng một tỷ lệ nhất định người lao động bản địa; doanh nghiệp muốn thành lập phải đáp ứng tiêu chí tuyển lao động địa phương...
Ông Phạm Duy Khánh, Phó giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Các doanh nghiệp cũng mời gọi, tạo điều kiện cho bà con làm, nhưng do thói quen của bà con nên chỉ được một thời gian lại rơi rụng dần. Bao đời nay Khánh Hòa thời tiết vốn dĩ an hòa, không phải lo lắng về nhà ở, tích lũy, bà con thấy cuộc sống an nhàn, không ham giàu có, chỉ thích làm những công việc 'sáng làm chiều trả công' rồi tiêu luôn, hôm sau lại kiếm thu nhập khác. Bà con không tích lũy tiền bạc nên khó tái sản xuất, tái nghèo vẫn là nguy cơ hiện hữu”, ông Khánh phân tích.
Vận động bà con dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề là chuyện không dễ.
“Đi điều tra thì tất cả người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động đều có việc làm, nhưng chủ yếu chỉ là đi làm tự do, thu nhập không cao, việc không đều. Bà con thích làm theo kiểu muốn có lương nhanh nên không làm công ty”, ông Khánh chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Khánh, lãnh đạo tỉnh đang đặt tiêu chí các địa phương phải vận động sao cho mỗi hộ gia đình dân tộc thiểu số phải có ít nhất 1 người làm công ăn lương để đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định.
Bình Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khanh-hoa-phan-dau-moi-ho-dtts-co-it-nhat-mot-nguoi-lam-cong-an-luong-2419442.html