Đất lâm nghiệp ở xã Quảng Sơn (Lâm Đồng) bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Lê Phước)
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị chủ rừng triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, bài bản 75.100ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.
Trước hết, việc quản lý hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng giúp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất công đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Đây cũng là cơ sở để xây dựng các phương án phát triển nông - lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, việc đưa quỹ đất này vào sử dụng đúng mục đích còn mang ý nghĩa lớn đối với đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Khi đất được sử dụng hiệu quả, người dân có cơ hội tiếp cận đất sản xuất hợp pháp, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng chính quyền địa phương tham gia vào quá trình bảo vệ rừng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh xác định 3 nhóm phương pháp chủ lực: hoàn thiện quy hoạch và pháp lý sử dụng đất; tăng cường phân cấp, giao đất gắn với trách nhiệm sử dụng; nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân. Tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh rà soát lại toàn bộ quỹ đất chưa giao, chưa cho thuê, cập nhật vào bản đồ địa chính, lập hồ sơ quản lý theo quy định. Đây là nền tảng quan trọng để quản lý đất lâm nghiệp một cách hệ thống, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng tùy tiện, sai mục đích. Các xã, phường xây dựng phương án sử dụng đất cụ thể, giao cho tổ chức, cá nhân có năng lực quản lý và sản xuất. Việc giao đất phải bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật, đồng thời ràng buộc trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, đối với diện tích đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp nhưng sử dụng kém hiệu quả, tỉnh giao Ban Chỉ đạo rà soát ranh giới, hiện trạng, xử lý theo Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Một trong những phương pháp xuyên suốt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư. Khi người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, họ sẽ chủ động hơn trong việc tham gia giữ rừng, sử dụng đất hợp pháp và bền vững. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số... cũng giúp người dân có thêm điều kiện cải thiện sinh kế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Lê Trọng Yên, mục tiêu cốt lõi của việc tăng cường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, từ đó nâng cao năng lực sử dụng đất, khôi phục độ che phủ rừng và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tỉnh Lâm Đồng đang từng bước khép kín diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển rừng theo hướng bền vững. Không chỉ dừng ở việc quản lý đất, chiến lược này còn góp phần quan trọng vào nâng cao tỷ lệ che phủ rừng mục tiêu tỉnh hướng tới đạt trên 40% trong những năm tới.
Tính đến đầu năm 2025, khu vực Đắk Nông cũ có 257.237ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 39,51%, tăng 0,44% so với năm 2023.
HƯNG NGUYÊN