Nông hộ cà-phê gặp khó trong đáp ứng quy định EUDR

Nông hộ cà-phê gặp khó trong đáp ứng quy định EUDR
7 giờ trướcBài gốc
Thu hoạch cà-phê tại Lâm Đồng.
Theo Quy định EUDR sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2025, các xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, trong đó có cà-phê, phải bảo đảm hợp pháp, không gây mất rừng và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là yêu cầu mang tính sống còn, bởi hiện có tới 90% sản lượng cafe của Việt Nam được xuất khẩu, trong đó khoảng 40% vào thị trường EU.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát do Forest Trends phối hợp tổ chức TAVINA thực hiện trên 95 hộ trồng cà-phê tại Tây Nguyên và Sơn La, việc đáp ứng quy định EUDR đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nông hộ.
Nông hộ: “Xương sống” nhưng còn nhiều yếu điểm
Nông hộ hiện chiếm hơn 95% tổng nguồn cung cà-phê của Việt Nam. Cà-phê cũng là sinh kế chính của hàng trăm nghìn hộ gia đình, đóng góp tới gần 80% thu nhập hộ mỗi năm, tương đương khoảng 590 triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà-phê của hộ sản xuất hiện nay đều nhỏ lẻ, phân tán và thiếu tính pháp lý rõ ràng.
Khảo sát cho thấy, mỗi hộ trung bình canh tác 1,3ha cà-phê, thường chia thành nhiều lô nhỏ; 61% số hộ có diện tích dưới 2ha, trong đó 34% có dưới 1ha. Khoảng 96% số lô cà-phê được hộ trồng trước năm 2020, thậm chí có tới 26% được trồng từ trước năm 2000.
Người dân tại vùng dự án Café-REDD ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: SNV)
Việc thiếu giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất là một trong những trở ngại lớn nhất. Dù phần lớn lô đất được coi là rủi ro cao do gần rừng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn còn không ít hộ chưa có đủ hồ sơ chứng minh quyền sở hữu, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chênh lệch giữa các nhóm dân cư cũng khá rõ nét. Có tới 82% lô đất của hộ người Kinh có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi con số này ở hộ đồng bào chỉ đạt 55%. Đồng thời, khoảng cách từ đất canh tác tới rừng của hộ người Kinh là 9,9km, trong khi của hộ đồng bào là 4,6km, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định EUDR cao hơn.
Về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phần lớn các hộ chưa thực hiện đầy đủ việc ghi chép quá trình sản xuất. Khoảng 54% số hộ không ghi chép bất kỳ thông tin nào về thu hái, lưu trữ và tiêu thụ sản phẩm; số còn lại cũng chưa ghi chép theo từng lô đất hoặc từng đợt thu hoạch, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, truy xuất theo yêu cầu EUDR.
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Forest Trends, nhận định: “Thực trạng sản xuất cà-phê hiện nay cho thấy cần giải quyết nhiều vấn đề ở cấp hộ. Trong đó, lớn nhất là ở khâu sử dụng đất và truy xuất nguồn gốc. Hộ thiếu các bằng chứng chứng minh là chủ thể hợp pháp, thiếu dữ liệu địa lý cụ thể và chưa xây dựng được hệ thống quản lý truy xuất hiệu quả”.
Doanh nghiệp và chính quyền cần đồng hành
Để nâng cao năng lực đáp ứng EUDR, các chuyên gia cho rằng cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Về phía chính quyền, cần hỗ trợ nông hộ trong xác minh quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin nền về hiện trạng rừng và hướng dẫn thủ tục pháp lý. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn tại chỗ, phù hợp với trình độ và điều kiện cụ thể của từng nhóm hộ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ khuyến nông tỉnh Đắk Nông trao đổi với người dân về canh tác cà-phê bền vững. (Ảnh: nhandan.vn)
Đối với doanh nghiệp, cần coi nông hộ là một phần không thể tách rời trong chuỗi cung ứng, từ đó có trách nhiệm hỗ trợ hộ trong xây dựng hệ thống truy xuất, thực hiện ghi chép và bảo đảm tuân thủ pháp luật.
“Không thể đòi hỏi hộ tự thân vận động trong một cuộc chuyển đổi lớn như thế này. Doanh nghiệp cần vào cuộc thực chất hơn, không chỉ dừng lại ở khâu bao tiêu hay thu mua sản phẩm”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dù không phải toàn bộ nông hộ đều bắt buộc tuân thủ EUDR ngay từ đầu, nhưng xu hướng minh bạch và truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành yêu cầu bắt buộc ở nhiều thị trường. Việc thích ứng với EUDR không chỉ là yêu cầu mang tính ngắn hạn để duy trì xuất khẩu vào EU, mà còn là hướng đi lâu dài để nâng cao tính bền vững và giá trị gia tăng cho ngành cà-phê Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến nghị, cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các nhóm hộ và địa phương có nguy cơ cao, vừa giúp giảm rủi ro bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa góp phần nâng cao chất lượng ngành hàng cà-phê trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Việc tuân thủ EUDR không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành cafe Việt Nam tái cấu trúc theo hướng minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
PHÚC HUY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nong-ho-ca-phe-gap-kho-trong-dap-ung-quy-dinh-eudr-post894397.html