Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 35km. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện 1.167km2, dân số toàn huyện có trên 45.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%.
Một góc huyện Khánh Vĩnh.
Năm 2024, toàn huyện thực hiện vượt kế hoạch 11chỉ tiêu giao. Trong đó, tổng thu ngân sách đạt 120 tỷ đồng, vượt 10,09% kế hoạch giao; tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 74 tỷ đồng, vượt 23,5% kế hoạch; tổng diện tích gieo trồng thực hiện 8.108ha, vượt 6,14%... Trong năm, toàn huyện có 173 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn hơn 372 tỷ đồng, góp phần tích cực vào phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Các nghệ nhân người Ê-Đê của xã Khánh Hiệp biểu diễn nhạc cụ.
Kết quả nổi bật, đến cuối năm 2024, toàn huyện còn khoảng 1.367 hộ nghèo (đầu năm số hộ nghèo là 2.785 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 12,4%; số hộ nghèo giảm là 1.418 hộ, đạt 166,82% kế hoạch giao; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 13,11%, đạt 168,29% kế hoạch giao, cơ bản đạt các tiêu chí thoát nghèo. UBND huyện đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện thoát nghèo năm 2024.
Hoạt động phục dựng nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.
Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, huyện Khánh Vĩnh còn là nơi có nhiều cảnh quan phong phú, đa dạng, có nhiều vùng núi cao với đặc trưng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ nhưng không có các hiện tượng thời tiết như gió nóng, sương muối... Ở những vùng cao, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm, mức độ không dày, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch núi và trồng các loại cây ăn quả. Về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Vĩnh có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, môi trường sinh thái, đa dạng.
Thanh niên huyện Khánh Vĩnh thi giã gạo, nấu lúa rẫy.
Các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Vĩnh mở rộng và phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng và gắn kết tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng đã hoạt động như: Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú); suối Lách (xã Giang Ly); khu suối khoáng nóng Nhân Tâm 2 (xã Khánh Hiệp)..., các địa điểm như: Suối Mấu (xã Khánh Thượng), suối nước nóng (xã Khánh Thành), thác Ziông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)... cũng có tiềm năng phát triển du lịch. Vì vậy, địa phương định hướng du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, tham quan vườn cây ăn trái là loại hình du lịch chủ yếu của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương về mọi mặt; đồng thời, thực hiện đúng theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị là phát triển huyện Khánh Vĩnh thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.