Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài 3: Xây dựng thương hiệu cà phê của buôn làng để giữ rừng

Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài 3: Xây dựng thương hiệu cà phê của buôn làng để giữ rừng
2 giờ trướcBài gốc
Người đàn ông K’Ho say mê chia sẻ về khát khao phát triển cà phê quê hương.
Phát triển cà phê gắn với giữ rừng
Sinh ra lớn lên ở vùng núi rừng xã Lát, huyện Lạc Dương, tuổi thơ Ha Hoang gắn liền với không gian núi non trùng điệp, xanh ngát, líu lo chim hót. Cùng với sự phát triển du lịch, thôn Đạ Nghịt nơi Ha Hoang sinh sống ngày càng có nhiều người đến đầu tư, phát triển du lịch nhờ vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. Nhất là từ những năm 2015 đến 2020, rất nhiều người từ nơi khác đổ xô về xã Lát mua đất đầu cơ đã thổi giá đất lên cao, khiến nhiều người địa phương bán rẫy, nhiều diện tích cà phê bị chặt bỏ.
Anh Ha Hoang từng là công an viên của xã, làm trưởng thôn Đạ Nghịt từ năm 2019 đến nay nên luôn đau đáu trước thực trạng này. Hơn ai hết, Ha Hoang nhận thức được rằng muốn để người dân giữ rừng, giữ rẫy thì phải thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm để nương rẫy mang lại giá trị cho người dân.
Trong bối cảnh đó, năm 2019, dự án SNV – một dự án phát triển cà phê sạch, cà phê bền vững về triển khai trên địa bàn xã Lát như "cứu tinh" giải tỏa những trăn trở của Ha Hoang. Anh háo hức đăng ký tham gia, quyết tâm lấy bản thân làm ví dụ để vận động dân bản làm theo. Làm thì nhiều nhưng Ha Hoang chỉ vắn tắt lại rằng, trồng cà phê theo cách có trách nhiệm, phát triển bền vững là không chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng cây cà phê, không sử dụng thuốc diệt cỏ, các hóa chất bị cấm; chủ yếu bón cây bằng phân chuồng, trồng xen cây trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế…
Cà phê Chư Mui hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị cho người nông dân để họ giữ rừng tốt hơn.
Chỉ sau thời gian ngắn, hơn 2ha rẫy cà phê của gia đình Ha Hoang xanh mướt, cho trái chín mọng, chín đều, sản lượng cũng cao hơn so với chăm sóc theo cách truyền thống. Đặc biệt, trái cà phê sạch 100%, có thể hái ăn tươi tại vườn mà không lo sợ ngộ độc. Chưa dừng lại, Ha Hoang tự nhủ, vùng đất Đạ Nghịt hữu tình, núi non trùng điệp khiến bao người mê mẩn, ở đây lại có cà phê ngon, sạch, vậy tại sao không làm riêng một sản phẩm cà phê gắn với quê hương?.
Được dự án phát triển cà phê bền vững hỗ trợ, Ha Hoang tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, sơ chế cà phê rồi mua sắm máy rang xay để pha chế cà phê thành phẩm. Anh mày mò điều chỉnh công thức theo khẩu vị từng lần uống thử. Bởi thế nên từ trước đến nay, Ha Hoang luôn giữ thói quen uống cà phê đen nguyên chất, không pha đường để cảm nhận hương vị cà phê chuẩn nhất. Sau nhiều tháng thử nghiệm, anh cho ra lò sản phẩm cà phê Chư Mui được chế biến từ hạt cà phê sạch trồng tại thôn Đạ Nghịt và các thôn lân cận xã Lát, huyện Lạc Dương.
Giá trị cốt lõi của cà phê Chư Mui như lời Ha Hoang đó là cà phê sạch theo nhiều nghĩa. Đây là cà phê sạch bởi không sử dụng các chất hóa học cấm, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ nên rất an toàn cho người sử dụng, an toàn cho đất. Ở nghĩa rộng hơn, cà phê Chư Mui không phải do người dân canh tác trên đất lấn chiếm rừng, phá rừng lấy đất trồng cà phê. Còn về chất lượng, Ha Hoang khẳng định cà phê Chư Mui mang đến cho người uống hương vị thật, hoang sơ nhất của cà phê Tây Nguyên.
Khát khao xây dựng thương hiệu cà phê của buôn làng
Ngọn núi Chư Mui gắn liền với tuổi thơ Ha Hoang nên anh khát khao phát triển thương hiệu cà phê của buôn làng
Về tên thương hiệu cà phê, anh Ha Hoang kể, Chư Mui là tên ngọn đồi cao nhất có thể nhìn thấy từ buôn làng. Trước đây người dân Đạ Nghịt sống ở giữa rừng, cách làng hiện nay hơn 20km đường rừng. Sau này, người dân các nơi hay tập kết hàng hóa, dừng chân tại khu vực núi Chư Mui, từ đó nơi đây đông dân lên, mọi người cũng di chuyển từ núi sâu ra dựng nhà, lập nên thôn Đạ Nghịt bây giờ: “Núi Chư Mui xưa kia luôn bao phủ bởi sương muối, là ngọn núi cao, có ý nghĩa với người dân nơi đây. Vì thế, mình quyết định lấy tên thương hiệu cà phê Chư Mui với mong muốn tạo ra sản phẩm cà phê của địa phương”, Ha Hoang kể.
Anh Ha Hoang bên cạnh sản phẩm cà phê Chư Mui.
Để lan tỏa thương hiệu cà phê Chư Mui, năm 2022, anh Ha Hoang chính thức đăng ký thương hiệu cà phê Chư Mui và mở quán cà phê cùng tên ngay tại sân nhà để vừa thưởng thức vừa giới thiệu sản phẩm. Tới đây, mọi người được chứng kiến tất cả các công đoạn rang xay để cho ra ly cà phê nguyên chất.
Chia sẻ bí quyết thành công, Ha Hoang bộc trực nói, chính việc tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững đã giúp anh có được những buổi tập huấn bổ ích về kỹ thuật chăm sóc cà phê. Đặc biệt anh nhận thức ra rằng chỉ có phát triển cà phê bền vững thì người dân mới có thu nhập cao, từ đó không bán nương rẫy nữa: “Bán rẫy rồi tiền tiêu cũng hết, sau này con cái lớn lên không có đất để trồng cây lấy gì mà sống”, Ha Hoang phân tích, vận động những người trong thôn cùng chuyển hướng sang trồng cà phê bền vững, trồng cà phê có trách nhiệm.
Cà phê Chư Mui được sản xuất từ những hạt cà phê chín canh tác theo mô hình bền vững.
Cà phê của anh Ha Hoang được sơ chế, rang xay hoàn toàn thủ công: “Mình chỉ thu hoạch quả chín, 100% hạt hái về đều chín tới, sau đó được xát vỏ, ủ lên men rồi phơi khô sau đó mới đem rang tách vỏ. Quá trình rang mình nhặt bỏ những quả nhỏ, lép rồi mới đem xay hoặc đóng túi bảo quản. Ở đây mình không có khái niệm cà phê loại 1, loại 2 mà tất cả đều chất lượng như nhau”.
Ly cà phê thương hiệu Chư Mui đậm đặc, có vị chua nhẹ, ngọt hậu, đặc biệt hương thơm đặc trưng. Để giữ được hương vị đặc trưng của cà phê Chư Mui, mỗi lần rang cà phê, anh Ha Hoàng đều đứng cạnh để đảo đều, điều chỉnh nhiệt độ vừa đủ tránh làm cháy hạt cà phê. Sau mỗi mẻ rang thử, người đàn ông đồng bào K’Ho đều xay cà phê pha uống thử, mời khách uống rồi điều chỉnh tiếp: “Ngày trước mình rang bằng lửa củi, mới đây mình được dự án sản xuất cà phê bền vững hỗ trợ mua máy rang nên hạt thành phẩm càng thơm ngon, chất lượng đồng đều hơn. Đặc biệt máy rang có hệ thống thổi vỏ sẽ tránh làm cháy khét”, Ha Hoang vui mừng kể.
Quán cà phê Chư Mui là nơi chế biến, quảng bá cà phê của anh Ha Hoang.
Hiện nay, ngoài 1ha cà phê của gia đình, để mở rộng vùng nguyên liệu cà phê sạch, anh Ha Hoang đã liên kết với 7 hộ dân khác trong thôn (mỗi hộ hơn 1ha trồng cà phê) để trồng cà phê theo chuẩn sạch, bền vững: “Trên sản phẩm cà phê Chư Mui có mã truy xuất nguồn gốc, đồng bào K’Ho mình cam kết trồng cà phê sạch hoàn toàn. Các hộ dân đã chuyển sang sử dụng phân gia súc thay thế phân hóa học, vừa giảm chi phí vừa tăng độ tơi xốp cho đất, kéo dài tuổi thọ cây cà phê. Tất cả những hiệu quả này người dân đã thử nghiệm, đo đếm được”, chủ thương hiệu cà phê Chư Mui trải lòng.
Nhờ vậy, mặc dù mới ra mắt năm 2022, nhưng thương hiệu cà phê Chư Mui đã nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Anh Ha Hoang dẫn chứng, riêng năm 2023, cà phê Chư Mui đã tiêu thụ hơn 1 tấn cà phê bột, lượng cà phê nhân gấp 4-5 lần. Tin vui nữa là chỉ sau một năm ra mắt thị trường, năm 2023, cà phê Chư Mui được UBND huyện Lạc Dương công nhận sản phẩm OCOP, được nhiều nhà thu mua ở các tỉnh, khác liên hệ đặt hàng.
Dẫn dắt buôn làng sản xuất cà phê bền vững
Niềm vui lớn nhất đối với anh Ha Hoang đó là từ một mình anh trồng cà phê sạch, cà phê bền vững thì đến nay cả thôn Đạ Nghịt với gần 230 hộ dân, canh tác tổng cộng 125ha cà phê đã chuyển hướng trồng cà phê sạch. Từ một tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch do anh Ha Hoang khởi xướng thành lập, đến nay thôn Đạ Nghịt đã có 3 tổ hợp tác, mỗi tổ 25 hộ dân. Nói một cách nôm na, các tổ hợp tác liên kết, hỗ trợ nhau trong chăm sóc, khai thác, sơ chế cà phê rồi nhập bán cho các đơn vị thu mua, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật.
Các sản phẩm cà phê Chư Mui trên kệ hàng sản phẩm OCOP.
Từ chỗ cung ứng 7 tấn cà phê nhân năm 2022, năm 2023 người dân thôn Đạ Nghịt đã cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu hơn 30 tấn cà phê nhân chất lượng cao: “Cà phê sạch có giá bán cao, được nhiều nhà thu mua đặt hàng nên nông dân không lo bị thương lái ép giá. Cũng từ đó, người dân bớt bán đất, bán rẫy, quyết tâm bảo vệ rừng bởi còn rừng thì cây cà phê mới đủ độ ẩm, phát triển tốt, cho nhiều trái, chất lượng cà phê ngon”, Ha Hoang mộc mạc nói. Đặc biệt, khi người dân nắm được kỹ thuật sơ chế, bảo quản rồi thì họ không nhất thiết phải bán cà phê tươi ngay sau khi thu hoạch mà có thể tích trữ nguyên liệu chờ giá cao hoặc bán cho nhà thu mua chào giá tốt nhất.
Sau khi thu hoạch, anh Ha Hoang hướng dẫn người dân trong thôn cách phơi sấy cà phê để đảm bảo chất lượng.
Về dự định sắp tới, Ha Hoang cho biết sẽ đẩy mạnh khâu quảng bá, bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử như livestream trên facebook, tiktok… Đặc biệt, người đàn ông K’Ho ấp ủ mở một quán cà phê chill, xây dựng căn nhà rông trưng bày, giới thiệu giá trị văn hóa người K’Ho như cồng chiêng, rượu cần, thổ cẩm kết hợp với bán cà phê để thu hút du khách thập phương nhờ có thêm trải nghiệm, biết nhiều hơn đến thương hiệu cà phê ở xã Lát, huyện Lạc Dương.
Đồng thời Ha Hoang sẽ tiếp tục cải tiến mẫu mã để tăng sức hấp dẫn, cạnh tranh trên thị trường. Chàng trai đồng bào K’Ho chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, nếu cứ trồng cà phê sạch, chế biến cà phê chất lượng thì dần dần nhiều người sẽ biết tới cà phê Chư Mui, chất lượng là mấu chốt để thương hiệu tồn tại: “Sau mình, hy vọng con cháu tiếp tục phát triển hơn nữa để cà phê Chư Mui ngày càng nổi tiếng, làm sao để nhiều người biết tới cà phê xã Lát”, Ha Hoang nói.
Dạ Lan
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khat-vong-ca-phe-tay-nguyen-bai-3-xay-dung-thuong-hieu-ca-phe-cua-buon-lang-de-giu-rung-post528759.html