Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài cuối: Nỗ lực khai phóng nguồn lực cà phê

Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài cuối: Nỗ lực khai phóng nguồn lực cà phê
3 giờ trướcBài gốc
Bạt ngàn cà phê Tây Nguyên.
Cà phê là nguồn lực lớn để Tây Nguyên bứt phá.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:
Lâm Đồng có hơn 170.000 ha cà phê, diện tích đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk với sản lượng bình quân đạt 600.000 tấn/năm. Giá trị ngành hàng cà phê đang chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Hiện nay, Lâm Đồng đang phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C, Rainforest đạt 50-60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các cơ sở chế biến sâu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê hiện có, để đảm bảo năng lực chế biến được 90-95% sản lượng cà phê nhân của tỉnh và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để tiếp tục nâng cao giá trị cà phê địa phương, thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế đối với ngành hàng này, nhất là đảm bảo phát triển cà phê sạch, bền vững, gắn với bảo vệ rừng. Qua đó nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất cà phê, từ khâu sơ chế đến rang xay để đảm bảo chất lượng cà phê ngon nhất.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức chăm sóc, sơ chế cà phê cho người nông dân để họ làm chủ được những kỹ thuật này, đáp ứng yêu cầu của các nhà thu mua ngày càng khắt khe về tiêu chí.
Nông dân Lâm Đồng thu hoạch cà phê.
“Việc đẩy mạnh tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá sản phẩm cà phê, kết nối với các nhà thu mua là không thể thiếu. Đặc biệt, tỉnh sẽ khuyến khích các mô hình phát triển thương hiệu cà phê gắn với du lịch, văn hóa để cà phê Lâm Đồng không chỉ ngon về chất lượng mà còn thú vị bởi những câu chuyện lịch sử, văn hóa và con người bản địa”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk:
Đắk Lắk được mệnh danh thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích cà phê hơn 210.000 ha, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong định hướng phát triển các dòng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, Đắk Lắk đang hiện thực hóa lộ trình đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm, trở thành điểm đến của cà phê thế giới…
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Để phát triển bền vững ngành hàng cà phê, tỉnh Đắk Lắk đang hướng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chú ý những quy định ngặt nghèo liên quan đến bảo vệ rừng tự nhiên, dây chuyền sản xuất đạt chuẩn được cấp có thẩm quyền chứng nhận... để đưa nông sản của địa phương tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Về những giải pháp, định hướng phát triển ngành hàng cà phê sắp tới của tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, trước tiên cần tập trung sản xuất cà phê có chứng nhận theo các bộ tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới như cà phê hữu cơ, tiêu chuẩn 4C, tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RFA)… bởi có như thế thì sản xuất, phát triển cà phê mới bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
Cùng với đó, Đắk Lắk tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển cà phê bền vững gắn với chống suy thoái rừng, mất rừng. Công tác này gắn liền với việc xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê bền vững, không tác động tới rừng, đồng thời tăng hấp thụ carbon.
Hướng đi này sẽ gia tăng các giá trị trên vườn cà phê, cây trồng chính là cà phê nhưng trồng xen các cây lâu năm với mật độ thích hợp sẽ vừa góp phần chống biến đổi khí hậu, vừa tăng độ ẩm cho đất, tăng độ che tán, che chắn cho cây cà phê, đặc biệt trong mùa khô hạn.
Hiện nay Đắk Lắk đang triển khai bản đồ đánh giá điều kiện thích nghi thổ nhưỡng mang lại hiệu quả rất cao. Bản đồ này sẽ quan trọng rất quan trọng, nó sẽ đưa ra khuyến cáo khu vực nào phù hợp với loại cây gì, đồng thời khuyến cáo khu vực đất rửa trôi nhiều, độ màu mỡ ít thì không phù hợp canh tác cà phê.
Giá cà phê ngày càng tăng mang đến cuộc sống ấm no cho người nông dân Tây Nguyên.
Mặt khác, để nâng cao giá trị cà phê, đem lại lợi ích cho người nông dân, Đắk Lắk đang nỗ lực kiểm soát các chi phí đầu vào trong sản xuất cà phê, đó là bón phân đúng, đủ, tiết kiệm, tránh lãng phí, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ; quy trình chăm sóc cần sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được cho phép; ngay từ công đoạn thu hái phải đảm bảo hạt cà phê đủ độ chín, ứng dụng công nghệ vào sơ chế để gia tăng lợi ích, lợi nhuận, chất lượng sản phẩm cà phê.
Giải pháp quan trọng nữa là phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân bởi chỉ có doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn mới tiếp cận thị trường xuất khẩu và chính họ quay lại quy hoạch vùng sản xuất cà phê theo xu hướng thị trường, từ đó hỗ trợ người nông dân phát triển vùng nguyên liệu ổn định.
Vấn đề cần lưu ý nữa là các nước nhập khẩu cà phê đang quan tâm tới việc san sẻ lợi ích của người tiêu dùng với người sản xuất sản phẩm, họ muốn tới thăm các vườn cà phê bền vững và san sẻ phúc lợi với người nông dân. Khi đã xây dựng được mối liên kết từ khâu đầu vào tới đầu ra trong sản xuất cà phê, các giá trị sẽ tăng lên.
Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:
Trước tiên cần nhấn mạnh rằng, cà phê Đắk Nông có lịch sử phát triển từ lâu, từ năm 1958, người Pháp đã trồng cà phê ở huyện Đắk Mil tại đồn điền cà phê Đức Lập. Cà phê Đức Lập từ thời đó đã có mặt ở nhiều nước, được ưa chuộng vì chất lượng cao. Theo tôi, để phát triển cà phê Tây Nguyên, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng mấu chốt phải trả lời được câu hỏi làm sao nâng giá trị cà phê Tây Nguyên, người nông dân được hưởng lợi gì?
Phó Chủ tịch Đắk Nông Lê Trọng Yên.
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, cà phê nói riêng. Trong đó chú trọng phát triển những vùng nguyên liệu lớn, giảm dần việc trồng cà phê tự phát, manh mún, nhỏ lẻ.
Đặc biệt cần chú trọng xây dựng khung tiêu chuẩn cà phê sạch, cà phê chất lượng cao một cách cụ thể để áp dụng rộng rãi nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu; chẳng hạn khi thu hái phải kiên quyết tuyển chọn cà phê chín đều, chắc hạt đưa vào sơ chế, sản xuất.
Chúng ta không nên đổ đồng, cào bằng cà phê mà nên có sự phân loại để gia tăng giá trị, khuyến khích sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng. Từ đó chất lượng cà phê nói chung mới được duy trì ổn định, tạo được lòng tin với các nhà thu mua, người tiêu dùng.
Cà phê Tây Nguyên tiếp tục được mùa, được giá.
Thứ hai, nghiên cứu chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, sơ chế cà phê, tái canh vườn cà phê.
Đồng thời hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; hạn chế tối đa tiến tới không trồng cà phê trên đất lấn chiếm đất rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp nhằm đảm bảo phát triển cà phê bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là những tiêu chí để sản phẩm cà phê Việt Nam có thể tiến sâu vào thị trường quốc tế.
Thứ ba, khuyến khích thu hút đầu tư vào phát triển cà phê, phát triển thành các chuỗi liên kết mới có thể đẩy mạnh chế biến sâu, từ đó đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế xuất khẩu cà phê thô. Đặc biệt, cần xây dựng được những thương hiệu cà phê mang tính “sếu đầu đàn” để dẫn dắt thị trường cà phê tại địa phương. Đây là nền tảng để gia tăng giá trị cà phê, đem lại lợi ích cho người nông dân, đồng thời giảm phụ thuộc vào thị trường cà phê thế giới.
Thứ tư, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp địa phương cần thường xuyên khảo sát, đánh giá, kiểm tra thị trường cũng như việc trồng cà phê để phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, cũng như kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển cà phê.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập kiến thức chăm sóc, sơ chế cà phê sạch, cà phê bền vững tới các hộ nông dân, nhất là các chương trình phát triển cà phê bền vững mà các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam.
Tóm lại, để nâng tầm cà phê Tây Nguyên nói chung, cà phê Đắk Nông nói riêng thì vấn đề cốt lõi là phải nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cà phê, đem lại lợi ích cao hơn cho người nông dân. Đó cũng là hướng đi mà tỉnh Đắk Nông đã và đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum:
Mục tiêu của Kon Tum là xây dựng mỗi huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei có ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn với "hạt nhân" là các hợp tác xã (trong đó thành viên các hợp tác xã bao gồm người đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp là "trụ cột”);
Đồng thời, triển khai hoàn thành việc cải tạo, khôi phục diện tích cà phê già cỗi, thiếu chăm sóc bằng các phương pháp, biện pháp kỹ thuật và tái canh; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và Viet GAP;... theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình canh tác, cải tạo, phục hồi và phát triển diện tích vườn cây cà phê.
Ông Nguyễn Hữu Tháp (thứ 3 từ phải qua) - Phó Chủ tịch Kon Tum.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh; phát triển diện tích vườn cây đạt 7.000 ha.
Trong đó, khoảng 2.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn (UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian và VietGAP...); thu hút đầu tư xây dựng ít nhất 1 nhà máy chế biến sâu; nâng năng suất cà phê nhân đạt 20 tạ/ha; giá trị sản lượng bình quân 100 triệu/ha; phấn đấu 100% các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã…
Xuất khẩu cà phê lập kỳ tích - Tín hiệu mừng cho Tây Nguyên
Tinh hoa của cà phê Arabica, Robusta đến từ 5 địa phương Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. 2024 là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý, được kỳ vọng vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên – “Thủ phủ” cà phê cả nước đang bước vào vụ thu hoạch cà phê 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025). Trên khắp các nẻo đường, buôn, làng của vùng đất đại ngàn, không khí thu hoạch khá tấp nập, tiếng cười nói giòn tan, nhất là khi cà phê năm nay được mùa, được giá.
Những năm qua, giá cà phê tăng cao không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người trồng mà còn tạo thêm nguồn lực để nông dân đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, phát triển bền vững ngành hàng nông nghiệp chủ lực này. Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp vượt mốc 4 tỷ USD và đạt mức kỷ lục 4,24 tỷ USD. Niên vụ 2023-2024, diện tích trồng cà phê cả nước là 709.041 ha. 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục vượt mốc 4 tỷ USD và phá kỷ lục của năm 2023, với kim ngạch đạt 4,37 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý.
Với kết quả xuất khẩu đã đạt được trong 9 tháng, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong cả năm nay đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên chạm mốc 5 tỷ USD. Bộ NN&PTNT dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.
Mai Long –Tự Lập-Trọng Triển
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khat-vong-ca-phe-tay-nguyen-bai-cuoi-no-luc-khai-phong-nguon-luc-ca-phe-post529527.html