“Đầu tàu” kinh tế hướng ra biển
Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế biển của mình, Hội nghị lần thứ 39 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chính thức trình dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Hội nghị nhằm thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó thống nhất sáp nhập TPHCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vùng Tàu.
Một góc siêu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TPHCM) đang được triển khai xây dựng từ tháng 4/2025. Ảnh: Hồng Phúc
TPHCM mới sau sắp xếp, hợp nhất, dự kiến có quy mô diện tích lên đến hơn 6.772km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người cùng 168 đơn vị hành chính trực thuộc, đã giúp hình thành một siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Vào năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước của 3 tỉnh, thành phố (hợp thành TPHCM mới) đã lên đến gần 678.000 tỷ đồng, vượt rất xa so với các tỉnh, thành mới (sau sắp xếp). Trong bối cảnh, tình hình mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo TPHCM đều kỳ vọng TPHCM mới sẽ tiếp tục ở vị trí “đầu tàu” kinh tế, với vai trò dẫn dắt các nền kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp tục là “cái nôi” về đổi với, phát triển, tăng trưởng bền vững của cả nước. Hơn thế nữa, không gian phát triển mới cho phép TPHCM mới thực hiện khát vọng trở thành siêu đô thị biển lớn nhất cả nước.
Trước đây, TPHCM có khu vực Cần Giờ (huyện Cần Giờ) là vùng đất duy nhất giáp biển, nhưng nay đã mở rộng không gian biển thêm hướng Bà Rịa – Vũng Tàu, với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một cực phát triển mới, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ, logistics và kinh tế biển.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chủ trương mở rộng không gian về hướng biển không chỉ là khát vọng của TPHCM, còn được Trung ương rất quan tâm, thông qua nhiều chủ trương, nghị quyết, quy hoạch đã được ban hành trong nhiều năm qua. Đây là bước then chốt để TPHCM trở thành siêu đô thị biển đúng nghĩa, vừa là trung tâm sản xuất, trung tâm trung chuyển..., vừa là trung tâm dịch vụ biển Đông Nam Á. Hơn nữa, giúp kinh tế TPHCM phát triển bền vững, khẳng định vị trí “đầu tàu” kinh tế cả nước.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, tham vọng này của TPHCM càng có cơ sở khẳng định, khi Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất sáp nhập TPHCM với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa -Vùng Tàu. Cụ thể, việc hợp nhất TPHCM với Bình Dương (có thế mạnh về công nghiệp - đô thị - logistics) và Bà Rịa -Vũng Tàu (cảng biển nước sâu - du lịch biển) càng tạo thế đứng vững chắc cho TPHCM vươn tầm kinh tế biển. Sau khi sáp nhập, sắp xếp, TPHCM mới có đủ tâm thể để có thể vươn ra biển một cách thực chất. Lúc này, “đầu tàu” kinh tế cả nước sẽ cơ bản có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế biển, logistics, không gian biển, cảng biển, cảng sông (cận biển) và chuỗi kinh tế hậu cần tương đối đầy đủ. Đây là hệ thống để tạo nên chuỗi đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ liên hoàn, tương tự như các quốc gia biển giàu có hiện nay, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…
Hình thành siêu đô thị du lịch lấn biển
Về chiến lược kinh tế hướng biển của TPHCM, ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM nhấn mạnh: “Thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những yêu cầu mang tính chiến lược về không gian đô thị, mô hình kinh tế và chất lượng sống. Trong đó, việc phát triển đô thị sinh thái ven biển được xác định là một trong những hướng đi đột phá, phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Trong bối cảnh để phát triển khu vực kinh tế biển đầy tiềm năng mới, ông Dương Ngọc Hải cho rằng, cần có những mô hình đô thị mới, cách tiếp cận mới, và sự đầu tư bài bản và có trách nhiệm. Cụ thể, đại diện lãnh đạo UBND TPHCM dẫn chứng, hiện nay riêng huyện Cần Giờ đang triển khai siêu đô thị du lịch lấn biển với quy mô 2.870ha, dân số dự kiến khoảng 230.000 người. Siêu dự án này không chỉ là khu đô thị đơn thuần mà được định vị là một thành phố sinh thái – thông minh – nghỉ dưỡng – dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Đây là mô hình tiên phong trong việc kết hợp giữa công nghệ – năng lượng tái tạo – bảo tồn hệ sinh thái và phát triển con người.
Chính quyền TPHCM đánh giá cao và kỳ vọng vào tầm nhìn quy hoạch mới của Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ khi được ưu tiên phát triển các yếu tố xanh và bền vững, sẽ giúp kinh tế biển TPHCM khẳng định vị trí “đầu tàu” kinh tế đã duy trì bền vững nhiều năm qua. Đó là các tầm nhìn về xây dựng hệ thống điện gió ngoài khơi, giao thông không phát thải, vật liệu thân thiện môi trường, và xây dựng sự hài hòa với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
“Siêu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TPHCM được tích hợp các tổ hợp tiện ích mang tính biểu tượng như tòa tháp 108 tầng, tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á, hay bệnh viện quốc tế đẳng cấp hàng đầu thế giới hợp tác với hệ thống y tế số 1 của Hoa Kỳ… Tất cả tạo nên một siêu đô thị “tất cả trong 1” đẳng cấp, thu hút chuyên gia, doanh nhân, du khách trong và ngoài nước” - ông Dương Ngọc Hải cho biết.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, siêu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ tạo ra hàng chục ngàn việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ – thương mại, tăng thu ngân sách và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, khi đi vào vận hành, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch quốc tế, theo đúng định hướng của thành phố.
Hơn thế nữa, việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính không chỉ là sắp xếp địa giới mà còn là bước đi quyết đoán để TPHCM vươn mình trở thành siêu đô thị biển của cả nước- nơi hội tụ biển cả, công nghiệp, logistics, tài chính và con người sáng tạo. Một trung tâm mới của khu vực Đông Nam Á đang hình thành, từ chính khát vọng cải cách, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ của TPHCM.
Mạnh giàu từ biển, vươn mình vào kỷ nguyên mới
Đánh giá về tầm nhìn dài hạn của chiến lược quy hoạch kinh tế biển Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nước ta có bờ biển trải dài, trong đó cứ khoảng 1km2 đất liền thì có gần 3km2 vùng biển đặc quyền kinh tế; hơn 114 cửa sông đổ ra biển từ lãnh thổ đất liền và cứ 20km đường bờ biển bắt gặp một cửa sông lớn. Đó là chưa kể, nước ta còn có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ phân bố tập trung thành các cụm, tuyến đảo ở vùng biển ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa.
Lợi thế địa kinh tế này có ý nghĩa rất lớn, nhất là khi nước ta đang quy hoạch không gian biển quốc gia tầm nhìn đến năm 2050. Nếu quy hoạch tốt, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có biển phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái kinh tế biển, bao gồm cả du lịch biển, kinh tế hậu cần, logistics, cảng biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, sản xuất điện gió, điện mặt trời… Ngoài ra, khi xác định kinh tế biển là yếu tố quan trọng, sẽ giúp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, gắn bó chặt chẽ với bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Đối với siêu đô thị du lịch lấn biển lớn nhất nước tại huyện Cần Giờ (TPHCM), PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có tiềm năng trở thành một cực phát triển mới của TPHCM. Cụ thể, đô thị lấn biển sẽ đóng vai trò như một trung tâm mới để thu hút các nguồn lực, bao gồm cả lực lượng lao động chất lượng cao, phát triển hạ tầng kinh tế, đồng thời sẽ giúp tạo ra động lực tăng trưởng mới cho “đầu tàu” cả nước. PGS.TS Chu Hồi cho rằng, cả nước hình thành hơn 40 đô thị biển và đây là kinh nghiệm để thành phố xây dựng Cần Giờ theo mô hình một đô thị thông minh, xanh, sạch và bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Rõ ràng, đây là cơ hội để “đi tắt, đón đầu” và rút ngắn khoảng cách phát triển đô thị.
Thành Luân