Khen thưởng về phòng, chống bão lũ góp phần tạo động lực trong phong trào thi đua yêu nước

Khen thưởng về phòng, chống bão lũ góp phần tạo động lực trong phong trào thi đua yêu nước
3 giờ trướcBài gốc
Thời khắc hiểm nguy và gương sáng đồng hành
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê đến nay trong toàn bộ các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng đã có 329 người chết, mất tích, 1.929 người bị thương; trên 234 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; hơn 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.
Tại Lào Cai, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, để lại hậu quả chưa từng có trong lịch sử. Thống kê sơ bộ đến ngày 24/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 150 người chết và mất tích (chiếm 45,5% tổng số người chết và mất tích của các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng), 86 người bị thương; có 11.289 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó 1.234 nhà thiệt hại hoàn toàn; hơn 6.160 ha lúa, ngô, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại… Ước tổng thiệt hại hơn 6 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 2/3 tổng thu ngân sách nhà nước của Lào Cai năm 2023). Đặc biệt, mưa lũ đã khiến nhiều gia đình không còn ai sống sót, có làng bản gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Cùng với thiệt hại to lớn và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 cách đây 3 năm, thiệt hại “kép” đến từ cơn bão số 3 đã để lại những hậu quả rất nặng nề.
Các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345 giúp người dân xã A Lù, huyện Bát Xát khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.
Trước diễn biến phức tạp và hậu quả do mưa lũ gây ra, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả nhiều giải pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt, nhất là trong công tác cứu hộ, cứu nạn người chết và mất tích, thành lập sở chỉ huy tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) và tập trung lực lượng tại các địa bàn xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà), xã A Lù (huyện Bát Xát)... Quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên xả thân vì cộng đồng, vì sự an nguy của người dân như: anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) đã chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ dẫn, hỗ trợ tìm kiếm người dân thôn Làng Nủ mất tích, phân phối hàng cứu trợ; anh Châu Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát) đã chỉ đạo di chuyển khẩn cấp 130 học sinh và 11 giáo viên Trường THCS và THPT Bát Xát đến nơi an toàn trước khi khu vực này bị sập hoàn toàn; anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện vết nứt có thể gây sạt lở đất, từ đó kiên quyết vận động di dời 115 người dân trong thôn đến nơi an toàn, tránh được thảm họa có thể xảy ra. Đó còn là hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ cơ sở xả thân cứu dân trong dòng lũ dữ, giúp dân sơ tán, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà cửa trong và sau lũ. Nhiều cán bộ cơ sở băng rừng, vượt suối cứu giúp người dân bị nạn trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải tự nguyện nhận vận chuyển miễn phí người, hàng hóa của người dân vùng lũ hoặc hàng cứu trợ đến vùng lũ. Hàng trăm chuyến xe vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và hàng nghìn hội, nhóm, tổ chức, cá nhân thiện nguyện quyên góp vật chất, đồ dùng thiết yếu, tiền cho người dân vùng lũ; hàng nghìn bữa cơm/suất cơm “0 đồng” của người dân và nhiều khách sạn, nhà nghỉ bố trí nghỉ miễn phí cho các đoàn thiện nguyện…
Các đoàn thiện nguyện vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Với tinh thần và truyền thống “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, đến ngày 23/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ 275,9 tỷ đồng và hàng hóa của hơn 6.000 tập thể, cá nhân, các cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là những nguồn lực rất quan trọng và cần thiết để hỗ trợ người dân phần nào vơi đi mất mát, thiệt thòi, sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống mới.
Để khen thưởng thật sự tạo động lực trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần sớm khắc phục hậu quả mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ động viên các lực lượng tham gia tìm kiếm nạn nhân tại thôn Làng Nủ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới một cách thực chất. Ngược lại, khen thưởng không đúng, nặng hình thức, rơi vào “bình quân chủ nghĩa” hoặc cơ cấu một cách bất hợp lý sẽ triệt tiêu động lực thi đua.
Nhằm bảo đảm kịp thời trong công tác khen thưởng, ngày 13/9/2024, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 5614 đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ. Tại Lào Cai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác khen thưởng. Do đó, làm gì để khen thưởng đúng người, đúng việc trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân dấn thân, cống hiến vì lợi ích chung là vấn đề đang đặt ra với các cấp ủy, tổ chức, đoàn thể. Để giải quyết vấn đề này, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng cần phải thực tâm vì việc chung, dựa vào tiêu chuẩn cụ thể, tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.
Các chiến sĩ công an, đoàn viên, thanh niên giúp người dân "cứu" lúa bị vùi lấp dưới bùn bởi mưa, lũ.
Theo đó, để việc khen thưởng bảo đảm thực chất, hiệu quả, trước hết, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, minh bạch trong đánh giá thành tích, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định khen thưởng. Việc khen thưởng cần bảo đảm tính toàn diện, hợp lý; thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình; hướng về cơ sở, khu vực ngoài Nhà nước.
Đối tượng khen thưởng cần chú ý giới thiệu, đề xuất người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức, tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn góp phần hạn chế thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân; có hành động tiêu biểu và nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng giúp người dân và cộng đồng trong thời điểm bão, lũ đang diễn ra nguy hiểm và phức tạp; có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; tiêu biểu, điển hình trong tham gia ủng hộ, vận động, quyên góp khẩn cấp về tài chính, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng mưa bão, lũ quét, sạt lở đất đá và ngập úng; người làm công tác truyền thông, cảnh báo; người đã đưa ra các quyết định quan trọng trong thời khắc khó khăn, hiểm nguy góp phần hạn chế hậu quả thiệt hại do mưa lũ gây ra. Để tôn vinh, khen thưởng đúng người, đúng việc cần cụ thể hóa, lượng hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng, tránh cảm tính, xa rời thực tiễn; trên quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, xác định khen công việc, hành động cụ thể vì có thể cá nhân, tập thể đó chưa thật sự toàn diện trên các khía cạnh khác; khen thưởng phải kịp thời từ những việc làm tốt, hành động ý nghĩa.
Ban Vận động cứu trợ tỉnh Lào Cai tiếp nhận ủng hộ của các tập thể, cá nhân và chuyển hỗ trợ đến người dân chịu ảnh hưởng do bão số 3 gây ra.
Cùng với thực hiện khen thưởng, tôn vinh cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận, nhận thức sâu sắc việc thi đua chứ không phải ganh đua; tránh tư tưởng háo danh, thành tích ảo, thậm chí dùng mọi thủ đoạn để tranh giành, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Có như vậy, việc thi đua, khen thưởng mới thực chất và hiệu quả, công tác khen thưởng mới tạo động lực mới cho phong trào thi đua, góp phần đưa Lào Cai sớm vượt qua khó khăn, khôi phục đà tăng trưởng, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, phấn đấu cán đích mục tiêu đã đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Dương Đức Huy
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/khen-thuong-ve-phong-chong-bao-lu-gop-phan-tao-dong-luc-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-post390844.html