Khi cả thế giới quay lưng, chỉ có gia đình là nơi giang tay đón bạn

Khi cả thế giới quay lưng, chỉ có gia đình là nơi giang tay đón bạn
4 giờ trướcBài gốc
Chuyên gia tâm lý Dương Thu Hà tư vấn cho một trường hợp
Mai Thảo (28 tuổi, nhân viên marketing) từng có thời gian gần 2 năm sống xa gia đình vì giận mẹ. Cô kể: "Mẹ tôi rất nghiêm khắc, nhiều khi tôi thấy bà chỉ biết mắng mỏ, kiểm soát, chẳng bao giờ nói chuyện một cách nhẹ nhàng. Sau lần mẹ con cãi nhau, tôi dọn đồ ra ngoài thuê trọ, sống tự lập. Tôi nghĩ rằng không có mẹ, cuộc sống sẽ dễ thở hơn. Nhưng vài tháng sau, tôi bắt đầu thấy nhớ những món mẹ nấu, nhớ tiếng mẹ gọi từ gian bếp… Tôi hiểu, mẹ không biết nói lời yêu thương như tôi mong muốn, nhưng bà vẫn luôn thương tôi".
Sau gần 2 năm, Thảo mới có đủ dũng cảm để trở về nhà, mang theo bó hoa và lời xin lỗi. Mẹ cô không nói gì, chỉ đưa cho cô bát chè đậu xanh ấm nóng như đã luôn chờ đợi cô quay lại. "Cả tuổi thơ tôi nằm trong bát chè ấy…", Thảo xúc động chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Dương Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện tâm lý đời sống, khẳng định, gia đình là nơi hình thành những cảm xúc đầu đời, cũng là nơi dạy ta cách yêu thương, cách tin tưởng, cách giao tiếp và vượt qua khó khăn. Những gì ta tiếp nhận từ gia đình sẽ là hành trang cảm xúc theo ta đến suốt cuộc đời. Với nhiều người, gia đình không phải lúc nào cũng là chốn yên ấm. Có thể đó là nơi có sự khác biệt, xung đột, thậm chí là tổn thương. Nhưng cũng chính từ những va chạm ấy, ta học cách nhẫn nhịn, tha thứ, học cách điều chỉnh bản thân. Có một nghịch lý mà tâm lý học gọi là "nghịch lý cảm xúc trong mối quan hệ thân thiết", để chỉ tình trạng càng thân thiết, càng gần gũi thì mức độ tổn thương khi bị hiểu sai hay bị bỏ rơi càng sâu sắc. Vì thế, nhiều người rơi vào trạng thái "nghẹt thở" khi cha mẹ không hiểu con, con cái không lắng nghe cha mẹ, vợ chồng trách móc nhau vì những điều nhỏ nhặt.
Giải pháp, theo chuyên gia Dương Thu Hà, không nằm ở việc "ai đúng, ai sai" mà nằm ở việc mỗi người hạ cái tôi của mình, học lại cách giao tiếp yêu thương. Đôi khi chỉ cần một câu nói nhẹ nhàng, một cử chỉ chăm sóc đơn giản cũng đủ để hóa giải căng thẳng. Dưới đây là 5 điều mà chuyên gia Dương Thu Hà gợi ý để mỗi người "tưới mát" mái ấm của mình hằng ngày:
1. Chào hỏi nhau mỗi sáng và tối: Đừng đánh mất thói quen nhỏ này, nó là cầu nối cảm xúc quan trọng giữa các thành viên trong gia đình.
2. Lắng nghe, không ngắt lời: Hãy để người thân được nói trọn vẹn suy nghĩ của họ, kể cả khi bạn chưa đồng ý.
3. Ghi nhớ những điều họ thích: Từ món ăn cha yêu thích đến chiếc khăn mẹ hay dùng, là sự quan tâm sâu sắc không cần lời nói.
4. Thể hiện tình cảm thường xuyên: Một cái ôm, một lời cảm ơn hay ánh mắt ấm áp là cách nuôi dưỡng kết nối giữa các thành viên trong gia đình một cách hiệu quả.
5. Học cách xin lỗi và tha thứ: Không ai hoàn hảo nhưng tình yêu thương thật sự giúp ta trưởng thành. Đừng vì đó là những người thân yêu của mình mà quên nói lời cảm ơn, xin lỗi. Và cần lắm sự vị tha, kể cả tha thứ cho chính mình.
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người bận rộn với công việc, với những mối quan hệ bên ngoài. Đừng để những điều ấy khiến bạn quên mất rằng: Gia đình không chỉ là nơi bạn sinh ra, mà là nơi bạn được là chính mình. Như chuyên gia tâm lý Dương Thu Hà chia sẻ: "Khi thế giới quay lưng, gia đình là nơi giang tay đón bạn. Khi bạn vụng về, yếu đuối hay sai lầm, gia đình vẫn là nơi chấp nhận và trao cho bạn cơ hội làm lại từ đầu".
Nếu bạn đang giận một ai đó trong gia đình, hãy thử làm hòa trước. Gửi một tin nhắn. Gọi một cuộc điện thoại. Mua một bó hoa, hay chỉ đơn giản là một nồi canh nóng. Đó có thể là bước đầu tiên để hành trình "cùng chung sống - cùng hoàn thiện" được bắt đầu.
Thảo Chi
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/khi-ca-the-gioi-quay-lung-chi-co-gia-dinh-la-noi-giang-tay-don-ban-20250418142159231.htm