Năm ngoái, Ninh Bình đá ở giải hạng Nhất lại sở hữu đến 4 tuyển thủ quốc gia, gồm Đặng Văn Lâm, Hoàng Đức, Quốc Việt và Đinh Thanh Bình. Thậm chí, có thời điểm đội bóng này còn góp quân nhiều hơn cả CLB Nam Định, đội vô địch V.League.
Không phải vì họ đào tạo tốt. Không phải vì truyền thống mạnh. Mà bởi họ chi tiền nhiều. Rất nhiều.
Hoàng Đức, Văn Lâm có mức phí cao ngất ngưởng. Ảnh: Đặng Văn Lâm
Cần nhắc lại, chỉ mới năm 2022, đội bóng tiền thân của Ninh Bình FC, CLB Phù Đổng từng lâm vào cảnh nợ lương, nợ thưởng. Nhưng họ “lột xác” nhờ nhà tài trợ mới. Từ đó, họ sắm vai “ông lớn” ở thị trường chuyển nhượng, sẵn sàng chi tiền tỷ để có được những cái tên mà nhiều đội V.League phải… lắc đầu.
Câu chuyện của Hoàng Đức là ví dụ điển hình. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công Viettel, được xem là biểu tượng của CLB. Nhưng Viettel bất lực giữ quân, vì đội bóng hạng Nhất Ninh Bình trả rất nhiều tiền. Và Đức Chiến cũng nối gót đến CLB Ninh Bình. Thể Công Viettel đã mất hai ngôi sao trong hai mùa.
CLB Bình Phước của Công Phượng là một ví dụ tương tự. Họ không nằm ở V.League nhưng lại chiêu mộ hàng loạt bản hợp đồng tiền tỷ, tạo nên đội hình mà nhiều CLB hạng cao hơn cũng thèm muốn. Phía sau câu chuyện này là nguồn lực tài chính từ nhà tài trợ, không bị ràng buộc bởi hệ thống đào tạo trẻ, cũng không bị giới hạn bởi mô hình cân bằng thu - chi như các CLB châu Âu.
Nói cách khác, các CLB được quyền phát triển phần ngọn bằng cách chi tiền mua ngôi sao, mà không cần tốn thời gian và tiền bạc gây dựng nền móng. Khi có tiền, mọi thứ đều có thể mua được, từ cầu thủ đến niềm tin vô địch.
Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những “giấc mơ tiêu tiền” như thế. CLB Sài Gòn Xuân Thành từng mua sắm rầm rộ rồi bỏ giải. CLB Bình Dương đã thống trị V.League nhờ chi tiền mạnh tay. CLB Nam Định bây giờ cũng thế. CLB Bình Định là ví dụ hai mặt. Họ đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua rất nhiều ngôi sao, rồi rớt hạng, bây giờ phải dựa vào quân HAGL đá hạng Nhất.
Nghịch lý ở đây là các CLB đầu tư đào tạo bài bản như CLB HAGL, Thể Công Viettel gần như không thể giữ quân, vì không đua nổi về giá. Trong khi các đội bóng “nhà giàu mới nổi” làm chủ thị trường, và giá cầu thủ được tăng cao ngất ngưởng.
Trong bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt là châu Âu, các CLB phải tuân thủ luật công bằng tài chính. Chi tiêu phải đi kèm với nguồn thu ổn định và minh bạch. Nhưng ở bóng đá Việt Nam, khái niệm này gần như không tồn tại. Chỉ cần một nhà tài trợ chịu chơi, một đội bóng có thể đổi đời sau một đêm. Và nếu họ rút lui, mọi thứ sụp đổ.
Câu hỏi đặt ra: Liệu bóng đá Việt Nam có nên tiếp tục để những CLB tiêu tiền thống trị thị trường? Hay cần một chiến lược kiểm soát tài chính để bảo vệ tính bền vững của giải đấu?