Khi mạng xã hội trở thành hướng dẫn viên du lịch thế hệ mới

Khi mạng xã hội trở thành hướng dẫn viên du lịch thế hệ mới
5 giờ trướcBài gốc
Trong thời đại mà một bức ảnh có thể đi xa hơn cả ngàn lời quảng bá, mỗi người dùng mạng xã hội vô tình trở thành chiếc gương phản chiếu hình ảnh của một vùng đất
Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội không chỉ là nơi con người kết nối, chia sẻ suy nghĩ, mà còn là một trong những động lực mạnh mẽ nhất định hình xu hướng tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Từ một tấm ảnh check in, một video ngắn ghi lại khoảnh khắc “xê dịch” cho đến những bài review chi tiết đang góp phần định hướng lựa chọn điểm đến và trải nghiệm cho khách du lịch.
TỪ MẠNG XÃ HỘI ĐẾN HÀNH TRÌNH XÊ DỊCH
Trước đây, việc lên kế hoạch cho một chuyến đi thường dựa trên sách hướng dẫn, bản đồ, hoặc lời khuyên từ người thân, bạn bè. Nhưng ngày nay, chỉ cần vài cú chạm màn hình trên TikTok, Facebook, Instagram hay YouTube, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng ngàn hình ảnh, video và trải nghiệm thực tế của người khác tại bất kỳ điểm đến nào trên thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Klook, 79% du khách đặt tour, khách sạn và trải nghiệm dựa trên các gợi ý từ mạng xã hội. Trong đó có 27% sẵn sàng trả thêm đến 20% để ghé thăm những địa điểm đang "hot" trên mạng.
Hơn 90% du khách Việt Nam chọn điểm đến vì chúng đang được viral trên mạng xã hội hoặc có khung cảnh đẹp để check-in.
Vẻ đẹp thơ mộng của Cù Lao Câu (Bình Thuận) được bạn Mỹ Linh chia sẻ trên group Checkin Việt Nam
Sự nổi lên của các travel blogger, vlogger hay travel influencer đã tạo nên một thế hệ “hướng dẫn viên số” có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Những cá nhân này không chỉ chia sẻ hành trình của riêng, mà còn định hình nhận thức, kỳ vọng và lựa chọn của hàng triệu người theo dõi.
Điều đặc biệt là các nội dung này thường mang tính cá nhân cao, không chỉ là cảnh đẹp, mà còn là cách những người có sức ảnh hưởng cảm nhận, tương tác với nơi chốn, con người, văn hóa. Chính sự chân thực và gần gũi ấy khiến người xem dễ dàng đồng cảm, bị cuốn hút và nảy sinh mong muốn trải nghiệm tương tự.
Minh Khuê (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Chuyến đi gần nhất của mình đến Huế hoàn toàn bắt nguồn từ một video TikTok 15 giây. Mình vô tình xem trước khi ngủ và sáng hôm sau lên kế hoạch luôn".
Câu chuyện du lịch ngày nay không còn bắt đầu bằng việc mua sách hướng dẫn hay tra cứu trên Google quá nhiều như trước. Đối với cô gái trẻ thuộc thế hệ Gen Z này, mỗi chuyến đi lại bắt đầu bằng một lần lướt TikTok xem Instagram Reels hay đọc vài dòng review trên Facebook.
“Mình có hẳn một album lưu lại những địa điểm du lịch chỉ từ các clip ngắn. Mỗi lần xem xong là muốn xách ba lô lên đi ngay,” Khuê cho biết thêm.
Cùng quan điểm, Trần Dũng (28 tuổi) cho rằng mạng xã hội giống như một bản đồ sống. Không chỉ là nơi ngắm cảnh đẹp qua màn hình, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để bắt đầu một hành trình thực sự.
“Trước đây mình rất hay xem các blog du lịch trên YouTube, nhưng gần đây thì mình thích đọc các bài review trên Facebook hay video TikTok hơn. Nhanh, gọn, hấp dẫn chỉ một đoạn video 30 giây thôi mà có thể thấy được toàn bộ vibe của địa điểm đó, từ cảnh vật, âm thanh, thời tiết đến cả tâm trạng người quay”, Dũng nói.
KHI NGƯỜI DÙNG TRỞ THÀNH "HƯỚNG DẪN VIÊN SỐ"
Không chỉ là người tìm cảm hứng từ mạng xã hội, Dũng cũng thường xuyên chia sẻ lại những trải nghiệm du lịch của mình lên các nền tảng. Anh không nhận là travel blogger chuyên nghiệp nhưng mỗi bức ảnh, đoạn video đều được chăm chút tỉ mỉ.
Dũng chia sẻ: “Thật ra mình chia sẻ là để lưu giữ kỷ niệm là chính. Nhưng mình cũng hiểu là mình đang truyền cảm hứng cho người khác giống như mình từng bị truyền cảm hứng vậy. Có nhiều bạn nhắn tin hỏi địa điểm, lịch trình, rồi nhờ gợi ý nữa.”
Việc check in không còn chỉ đơn thuần là “khoe” mà với nhiều người trẻ như Khuê hay Dũng đó là một phần không thể thiếu của hành trình vừa để ghi dấu, vừa để lan tỏa.
Con Suối Damri (Lâm Đồng) nhận được nhiều sự quan tâm qua những hình ảnh đẹp được chia sẻ trên mạng xã hội của một tài khoản có tên "Bích Bộp"
Còn theo Hiền Như (23 tuổi), khi được hỏi có từng đến nơi nào chỉ vì nó “hot” trên mạng, Như cho biết: “Rất nhiều! Đồi cỏ hồng ở Đà Lạt, cầu Kính ở Mộc Châu hay gần đây là "sống lưng khủng long" ở Y Tý, toàn là nhờ mạng xã hội mà mình biết tới.”
Tuy nhiên, cô cũng không ngần ngại chia sẻ góc nhìn thực tế sau các chuyến đi: “Không phải chỗ nào lên hình đẹp thì ở ngoài cũng đẹp như vậy đâu. Có nơi rất đông, rác thải nhiều, thậm chí là bị thương mại hóa quá mức. Mình nghĩ mạng xã hội mạnh thật, nhưng nếu không chọn lọc thông tin, dễ bị vỡ mộng.”
Với những trải nghiệm đó, Như học cách kiểm tra nhiều nguồn, xem đánh giá thật, hỏi thăm bạn bè đã từng đi và… chuẩn bị tâm lý trước.
Theo Như, điều quan trọng nhất với cô là trải nghiệm không phải chỉ để chụp một tấm ảnh đẹp. Dù đến đâu, cũng nên tận hưởng bằng cả năm giác quan, không phải chỉ qua camera.
CHIA SẺ ĐỂ "KẾT NỐI", KHÔNG CHỈ ĐỂ "SỐNG ẢO"
Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội đã góp phần làm hồi sinh nhiều điểm đến ít được biết đến. Từ những nơi như Hang Múa (Ninh Bình), Mũi Điện (Phú Yên), đến các bản làng vùng cao Tây Bắc, nhiều địa phương nhờ vào những video “triệu view” đã thu hút lượng khách tăng đột biến. Chưa kể, các chiến dịch quảng bá du lịch trên nền tảng số cũng đang được nhiều tỉnh, thành đầu tư mạnh mẽ từ các hội thi video TikTok cho đến việc hợp tác cùng các KOLs.
Tuy nhiên, không phải điểm sáng nào cũng không có bóng tối. Một địa điểm có thể trở nên quá tải chỉ trong thời gian ngắn vì lượng du khách tăng đột biến sau một “trend” trên mạng xã hội.
Vẻ đẹp hùng vĩ của một làng quê ở Hà Giang
Một số địa phương như Đà Lạt, Hội An, Tam Đảo… đã từng lên tiếng kêu gọi du khách “du lịch có ý thức” sau khi đối mặt với tình trạng quá tải, rác thải và mất trật tự do “check in vô tội vạ”.
Cũng theo Hiền Như, mạng xã hội giống như một người bạn đồng hành đáng tin cậy nếu biết sử dụng đúng cách. Từ việc tìm điểm đến, đặt phòng, xem review món ăn cho đến học hỏi các tips du lịch thông minh đều được bắt đầu từ Facebook, TikTok hay Instagram.
Tuy nhiên, cô gái này cũng bày tỏ lo ngại về một số hệ quả tiêu cực như: địa điểm quá tải, ảnh hưởng đến môi trường, mất đi sự nguyên bản của văn hóa địa phương.
Cô cũng cho biết rằng bản thân đang cố gắng hướng đến “du lịch chậm” đi ít hơn, lâu hơn và sống thật hơn ở từng điểm đến. Đồng thời, cô cũng ưu tiên chọn những homestay bản địa, tour cộng đồng và hạn chế tham gia các “trend” thiếu ý thức.
“Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có thể khiến bạn thấy thế giới này tuyệt đẹp, đầy màu sắc nhưng cũng có thể khiến bạn quên mất phải sống thật với chuyến đi của mình. Du lịch không phải là một màn biểu diễn mà là một hành trình để hiểu mình và hiểu thế giới”, Như chia sẻ.
Có thể thấy, mạng xã hội là một công cụ chiến lược của ngành du lịch. Việc thiết kế nội dung hấp dẫn, kể chuyện bằng hình ảnh, hợp tác với người ảnh hưởng và đặc biệt là theo dõi phản hồi từ cộng đồng mạng sẽ giúp các đơn vị lữ hành, điểm đến nắm bắt nhanh xu hướng và điều chỉnh dịch vụ phù hợp.
Thậm chí, nhiều đơn vị đã phát triển các chiến dịch “du lịch số” chẳng hạn như tour ảo 360 độ, minigame tương tác hay livestream trải nghiệm để thu hút người dùng từ thế giới ảo đến trải nghiệm thật. Điều này không chỉ giúp quảng bá hiệu quả mà còn mở rộng tệp khách hàng vượt khỏi biên giới.
Hiện nay, ai cũng có thể trở thành một nhà truyền cảm hứng trong lĩnh vực du lịch. Một video đơn giản được quay bằng điện thoại nếu chân thực và truyền cảm hứng có thể lan tỏa rất mạnh mẽ. Điều này thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trong ngành du lịch, không còn chỉ là những doanh nghiệp, cơ quan quản lý quyết định hình ảnh điểm đến, mà chính du khách cũng có thể tham gia kiến tạo hình ảnh ấy.
Chính vì vậy, việc xây dựng ý thức trách nhiệm khi chia sẻ nội dung du lịch là điều cấp thiết. Mỗi bài viết, mỗi bức ảnh không chỉ mang theo cảm xúc cá nhân, mà còn góp phần định hình cái nhìn của cộng đồng về một địa phương, một nền văn hóa.
Yên Đan
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/khi-mang-xa-hoi-tro-thanh-huong-dan-vien-du-lich-the-he-moi-post560041.html