Khi MiG-29 Nga 'lên đồ' công nghệ Mỹ

Khi MiG-29 Nga 'lên đồ' công nghệ Mỹ
7 giờ trướcBài gốc
Thương vụ có tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD, không chỉ đánh dấu sự tham gia hiếm hoi của một công ty Mỹ vào việc nâng cấp khí tài có nguồn gốc từ Nga, mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong định hướng chiến lược quốc phòng của New Delhi.
Không quân Ấn Độ hiện đang vận hành khoảng 52 chiếc MiG-29UPG trên hai phi đội tiền tuyến. (Nguồn: IAF)
Thỏa thuận trên được công bố ngày 30/6 và sẽ đi vào triển khai tại thành phố Nagpur, bang Maharashtra, miền trung Ấn Độ.
Tại đây, hơn 100 tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ sẽ được đại tu toàn diện, tích hợp các công nghệ phương Tây như hệ thống radar, điện tử hàng không và có thể cả vũ khí mới, để tăng khả năng tác chiến và kéo dài thời gian phục vụ của phi đội vốn đã hoạt động gần 40 năm.
MiG-29, được NATO gọi là Fulcrum, là dòng tiêm kích do Liên Xô thiết kế, từng được Ấn Độ mua từ thập niên 1980. Với khả năng cơ động cao, hệ thống điện tử mạnh và vũ khí đa dạng, đây từng là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Ấn Độ trong nhiều thập kỷ.
Theo thời gian, những chiếc MiG-29 ngày càng bộc lộ dấu hiệu xuống cấp, nhất là trong bối cảnh phụ tùng thay thế từ Nga ngày càng khó tiếp cận do căng thẳng địa chính trị, đặc biệt sau xung đột tại Ukraine nổ ra. Nhiều máy bay cần được đại tu khung thân, thay mới linh kiện và hiện đại hóa hệ thống để tiếp tục đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời đại công nghệ cao.
Việc Coastal Mechanics, công ty quốc phòng Mỹ có trụ sở tại Texas, vốn chuyên hỗ trợ các hệ thống cũ của Lục quân và Không quân Mỹ, tham gia vào nâng cấp MiG-29 là điều chưa từng có.
Đây là lần hiếm hoi Mỹ trực tiếp hỗ trợ bảo trì một loại khí tài do Nga thiết kế tại một quốc gia thứ ba. Chuyên môn của Coastal Mechanics trong kỹ thuật đảo ngược và sản xuất linh kiện thay thế sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu phụ tùng, đồng thời mở ra khả năng tích hợp các hệ thống phương Tây vào khung máy bay MiG-29, từ đó tăng độ tin cậy và khả năng tương tác với các đối tác phương Tây của Ấn Độ.
Không chỉ MiG-29, liên doanh còn mở rộng sang việc nâng cấp hơn 100 máy bay tấn công Jaguar, loại máy bay do Anh-Pháp phát triển, đang sử dụng hệ thống điều hướng lỗi thời và cần được nâng cấp khẩn cấp để duy trì hiệu quả chiến đấu trước các hệ thống phòng không hiện đại.
Trực thăng tấn công Apache AH-64E của Lục quân Ấn Độ, dù mới được biên chế, cũng nằm trong chương trình bảo trì định kỳ để giữ vững độ sẵn sàng. Bên cạnh đó, pháo phòng không L-70, với thiết kế từ thập niên 1940, vẫn đang được sử dụng trong phòng thủ tầm thấp, cũng sẽ được hiện đại hóa, bao gồm cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực và tích hợp radar nhằm đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/khi-mig-29-nga-len-do-cong-nghe-my-169250708143017844.htm