Tránh một cuộc chiến tổng lực, Israel và Iran đều tính toán kỹ lưỡng. Thiếu hụt vũ khí, áp lực kinh tế và can thiệp của Mỹ là những yếu tố quyết định. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bình luận trên trang web của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI.org) có trụ sở tại Anh mới đây, Tiến sĩ Ehud Eilam cho rằng cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran vào tháng 6/2025, kéo dài 12 ngày, đã đẩy khu vực Trung Đông đến bờ vực của một cuộc xung đột kéo dài. Tuy nhiên, bất chấp mức độ căng thẳng cao, cả hai bên đều nhanh chóng đi đến một thỏa thuận ngừng bắn. Quyết định này bắt nguồn từ những lo ngại chiến lược và hạn chế nội tại của mỗi quốc gia, buộc họ phải tránh một cuộc chiến tranh tổng lực kéo dài.
Xung đột giữa Israel và Iran đã tồn tại âm ỉ kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi Iran từ bỏ mối quan hệ trước đây để coi Israel là đối thủ không đội trời chung. Mối lo ngại lớn nhất của Israel là chương trình hạt nhân của Iran, được cho là đã tiến gần hơn bao giờ hết đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Israel đã sử dụng nhiều chiến thuật, từ tấn công mạng đến ám sát các nhà khoa học, để làm chậm tiến trình này. Cuộc chiến tháng 6/2025 là đỉnh điểm của những nỗ lực đó, một chiến dịch lớn hơn nhiều so với các cuộc tấn công có giới hạn trước đây vào năm 2024 nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Iran.
Hạn chế chiến lược của Israel
Theo Tiến sĩ Eilam, quyết định rút lui khỏi một cuộc chiến kéo dài của Israel xuất phát từ nhiều yếu tố mang tính sống còn:
Thứ nhất, sự ủng hộ của Mỹ: Mặc dù Israel nhận được sự hỗ trợ quân sự và chính trị quý giá từ Mỹ, nhưng mối lo ngại lớn là Washington có thể rút lui khỏi cuộc chiến. Israel không muốn đơn độc đối phó với Iran, đòi hỏi phải chấm dứt xung đột nhanh chóng để không bị bỏ lại một mình.
Thứ hai, áp lực kinh tế: Nền kinh tế Israel đang gặp khó khăn sau gần hai năm chiến tranh ở Gaza, tiêu tốn hơn 67 tỷ USD. Cuộc đối đầu với Iran đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD mỗi ngày, với thiệt hại tài sản ước tính khoảng 1,5 tỷ USD. Một cuộc chiến kéo dài có thể đẩy nền kinh tế Israel vào một cuộc khủng hoảng lớn.
Thứ ba, sức chịu đựng của công chúng: Công chúng Israel đã kiệt sức sau gần hai năm liên tiếp đối mặt với các xung đột, bắt đầu từ cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023. Họ sẽ chỉ tiếp tục chịu đựng nếu tin rằng những hy sinh là xứng đáng. Việc đặt mục tiêu "lật đổ chế độ Iran" sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và có thể dẫn đến việc công chúng cảm thấy nản lòng.
Thứ tư, an toàn cộng đồng Do Thái: Có tới 15.000 người Do Thái sống ở Iran. Một cuộc chiến tranh kéo dài, đặc biệt nếu leo thang, có thể đe dọa sự an toàn của họ ở Iran và các cộng đồng Do Thái trên toàn cầu.
Thứ năm, khả năng quân sự hạn chế: Mặc dù Không quân Israel (IAF) đã thể hiện sức mạnh đáng kể, nhưng việc tiến hành một cuộc chiến kéo dài cách xa 1.500 km là một thách thức lớn. IAF phụ thuộc vào máy bay tiếp dầu, vốn đang trong tình trạng hạn chế về số lượng và tuổi đời. Hơn nữa, sau gần hai năm chiến đấu liên tục, các máy bay chiến đấu F-15, F-16, F-35 đã hoạt động ở cường độ cao, cần được bảo dưỡng. Việc mất đi một máy bay hoặc phi hành đoàn có thể giáng một đòn mạnh vào tinh thần Israel.
Thứ sáu, thiếu hụt đạn dược: Israel có giới hạn về số lượng bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa cho hệ thống phòng không Arrow. Mặc dù nhận được viện trợ từ Mỹ, nhưng việc phải tiết kiệm dự trữ cho các mặt trận khác là một cân nhắc quan trọng, đặc biệt sau cú sốc ngày 7/10/2023.
Tính toán của Iran
Bất chấp lợi thế về diện tích, dân số và tài nguyên thiên nhiên, Iran cũng có những lý do thuyết phục để tránh một cuộc chiến kéo dài:
Một là, sự can thiệp của Mỹ: Mối đe dọa lớn nhất đối với Iran là sự can thiệp liên tục và quy mô lớn của Mỹ. Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục ném bom và gây áp lực nếu Iran không ngừng cuộc đối đầu. Một cuộc tấn công tổng lực từ Mỹ sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng.
Hai là, nguy cơ phong tỏa eo biển Hormuz: Iran có thể cân nhắc đóng cửa eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, bao gồm cả việc tấn công các cơ sở hạ tầng của Iran.
Ba là, giới hạn về không quân và phòng không: Không quân Iran chưa được hiện đại hóa và không thể so sánh với IAF. Hơn nữa, phần lớn hệ thống phòng không của Iran đã bị vô hiệu hóa. Iran không thể chịu đựng một cuộc chiến kéo dài khi Israel có thể ném bom bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, đe dọa cả các quan chức cấp cao của chính quyền.
Bốn là, khủng hoảng kinh tế: Nền kinh tế Iran đang gặp khó khăn nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt và vấn đề quản lý. Đồng tiền Rial đang ở mức thấp nhất mới. Nếu Israel làm tê liệt sản lượng dầu của Iran, nguồn thu nhập chính, khả năng xảy ra bất ổn trong nước sẽ tăng lên. Iran đã chứng kiến nhiều làn sóng biểu tình trong những năm gần đây, và một đợt bùng phát mới có thể làm suy yếu chính quyền.
Năm là, nguy cơ khôi phục lệnh trừng phạt quốc tế: Nếu cuộc đối đầu kéo dài, các cường quốc châu Âu ký kết JCPOA có thể nghi ngờ Iran đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn đến việc khôi phục các lệnh trừng phạt. Điều này sẽ gây thêm áp lực kinh tế đáng kể lên Iran.
Sáu là, hiệu quả của tên lửa Iran giảm sút: Mặc dù tên lửa đất đối đất của Iran đã gây ra một số thiệt hại, nhưng IAF đã bắt đầu phá hủy các bệ phóng một cách hiệu quả. Với việc IAF kiểm soát bầu trời Iran, khả năng tấn công của Iran đã giảm vào cuối cuộc đối đầu.
Tóm lại, quyết định tránh một cuộc chiến tranh kéo dài của cả Israel và Iran đều là kết quả của những tính toán chiến lược cẩn trọng. Israel không muốn đơn độc đối mặt với Iran trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nguồn lực quân sự hạn chế, trong khi Iran hiểu rằng sự can thiệp của Mỹ và những thách thức nội bộ có thể đe dọa sự ổn định trong nước. Cuộc chiến 12 ngày là một "thỏa hiệp" lớn của cả hai bên nhằm tránh một kịch bản tàn khốc hơn cho toàn bộ khu vực.
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc