Khi nào có nguy cơ vi phạm đạo đức, khi đó cần bản lĩnh kinh doanh

Khi nào có nguy cơ vi phạm đạo đức, khi đó cần bản lĩnh kinh doanh
12 giờ trướcBài gốc
Thông điệp trên do doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT chia sẻ cùng Top 20 thí sinh vào vòng chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (TNLVC) ngày 21/2, trong khuôn khổ buổi bồi dưỡng đầu tiên về Thương đức, thuộc chương trình Bồi dưỡng “Tài năng kinh doanh”.
Ông Ngô Vi Đồng là một trong hai Thành viên Hội đồng Giải thưởng TNLVC tham gia dẫn dắt buổi bồi dưỡng tài năng kinh doanh ngày 21/2, cùng với bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM.
Đạo đức kinh doanh bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Lèo lái “con thuyền” HPT vượt qua nhiều thăng trầm 30 năm qua, ông Ngô Vi Đồng rút ra bài học đơn giản nhưng có thể áp dụng với mọi cá nhân trong doanh nghiệp: bất cứ ai, bất cứ việc gì, dù nhỏ, khi đã nhận trách nhiệm thì phải làm thật tận tâm.
Đặc biệt đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đằng sau mỗi hành động đều là ý thức về trách nhiệm với tổ chức và xã hội. “Suy cho cùng thì một công ty không hoạt động hiệu quả, làm ăn thua lỗ sẽ không thể đóng góp gì cho cộng đồng, và càng không thể duy trì chuẩn mực đạo đức”, ông Ngô Vi Đồng khẳng định.
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT
Từ những bài học đầu đời trong gia đình, trên ghế nhà trường đến môi trường đại học, nền tảng đạo đức của một cá nhân được hình thành. Nhưng khi bước chân vào thương trường, mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Đây là lúc thử thách đạo đức bộc lộ rõ nhất.
“Khó khăn lớn không nằm ở việc nói về đạo đức mà là cách hành xử ra sao khi đối mặt với nguy cơ vi phạm. Ví dụ có một dự án rất tốt nhưng có nguy cơ vi phạm đạo đức, doanh nhân sẽ xử lý thế nào để đạt được mục tiêu theo cách hướng thiện?”, ông Ngô Vi Đồng đặt vấn đề và chia sẻ thêm, bản lĩnh của người lãnh đạo sẽ được thể hiện qua cách họ kiên định với các giá trị đúng đắn.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ những nền móng vững chắc
Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM nhìn lại hành trình 36 năm phát triển kinh doanh và nhấn mạnh: khởi nghiệp không chỉ là việc tạo dựng một sản phẩm hay dịch vụ mà là xây dựng nền tảng vững chắc ngay từ đầu. Đó chính là lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM
Theo bà, có năm yếu tố quan trọng để phát triển một doanh nghiệp bền vững:
Xác định giá trị cốt lõi: Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và bộ quy tắc ứng xử cụ thể.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp: Lãnh đạo phải là tấm gương, tạo môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và khuyến khích sự phát triển của nhân viên.
Xây dựng mối quan hệ bền vững: Duy trì sự tin tưởng giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác/nhà cung cấp và nhân viên.
Tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội: Không chỉ đóng thuế đầy đủ mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tham gia vào các hoạt động cộng đồng như hỗ trợ giáo dục, y tế hoặc bảo vệ môi trường.
Giám sát và phản hồi: Mỗi cá nhân và tập thể trong doanh nghiệp cần cam kết thực hiện các nguyên tắc đạo đức, đồng thời thường xuyên rà soát, cải tiến quy trình vận hành để đảm bảo sự minh bạch và công bằng.
Thách thức lớn là vượt qua lòng tham, sự lười biếng và kém cỏi
Theo ông Ngô Vi Đồng, ba yếu tố dễ dẫn đến vi phạm đạo đức trong kinh doanh là sự tham lam, lười biếng và kém cỏi. Tham vọng phát triển là điều chính đáng, nhưng phải đi đôi với cách hành xử đúng đắn.
Đối mặt với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, làm thế nào để giữ vững đạo đức? Câu trả lời nằm ở năng lực và bản lĩnh của doanh nghiệp. Người giỏi nghề thì không sợ cạnh tranh, và giữ vững giá trị đạo đức chính là chìa khóa thành công lâu dài.
Ông Ngô Vi Đồng và bà Phan Thị Tuyết Mai là hai Thành viên Hội đồng Giải thưởng TNLVC
Ông Ngô Vi Đồng trích dẫn lời dạy của cổ nhân "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" để khẳng định quan điểm: bất kỳ ai muốn giỏi đều phải không ngừng học hỏi, làm việc chăm chỉ và dành thời gian cho những việc hữu ích.
Quan trọng hơn, để vượt qua chính mình, doanh nhân cần xác định rõ mục tiêu dài hạn, giữ vững lý tưởng và không để bản thân bị cuốn theo những thành công ngắn hạn. Đó chính là nền tảng để xây dựng một sự nghiệp bền vững.
"Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” - bài học về sự khiêm tốn
Một câu chuyện đáng suy ngẫm được kể trong buổi bồi dưỡng tài năng kinh doanh là hành trình bà Phan Thị Tuyết Mai dẫn đoàn trí thức người Việt đến Học viện Matsushita - nơi đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo cho Nhật Bản. Chuyến đi nhằm hoàn thành khóa học kéo dài 10 ngày.
Theo đó, mỗi năm học viện chỉ chọn ra tám người trong số vài ngàn hồ sơ để đào tạo. Tại đây, học viên không chỉ học về lịch sử và văn hóa của đất nước Nhật Bản mà còn phải thực hành, áp dụng kiến thức vào cộng đồng.
Mỗi ngày, từng học viên đều có buổi chia sẻ về đề tài nghiên cứu của mình để tất cả mọi người cùng trao đổi về ý tưởng. Không giáo án, không tài liệu, chỉ là những câu chuyện từ sự hiểu biết và niềm đam mê. Điều này giúp họ trau dồi kỹ năng giao tiếp, khả năng thuyết trình và truyền cảm hứng cho người khác. Học viện còn có một hoạt động đặc biệt là cuộc "hành quân 24 giờ", thử thách khả năng lãnh đạo và tinh thần đồng đội.
Những tựa sách bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM gợi ý các doanh nhân trẻ nên đọc để tránh bỡ ngỡ trên những bước đầu làm kinh doanh:
- "Dốc hết trái tim - cách Starbucks xây dựng công ty bằng từng tách cà phê" của Howard Schultz
- "Uniqlo: 1 Thắng 9 Bại - câu chuyện khởi nghiệp và gây dựng thương hiệu của ông chủ Uniqlo - tỷ phú giàu nhất Nhật Bản" của Tadashi Yanai
- Bộ sách cẩm nang của Harvard Business Review bao gồm các kiến thức “bỏ túi” về truyền thông, marketing, tài chính…
Ngoài ra, mỗi học viên còn được học viện tạo điều kiện tối đa để nghiên cứu và áp dụng đề tài vào thực tế. Những dự án này không chỉ mang lại giá trị thực tiễn mà còn thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội trong mỗi nhà lãnh đạo tương lai.
“Kết thúc khóa học, đoàn chúng tôi mỗi người được tặng một bông lúa. Đây là thông điệp đắt giá từ học viện: Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu. Nghĩa là người càng thành công thì càng ít phô trương”, bà Mai nhớ lại, đồng thời nhắc nhở các bạn trẻ: Thành công thực sự đến từ việc giữ vững đạo đức và không ngừng hoàn thiện bản thân.
Tương lai của doanh nghiệp nằm ở sự chuẩn bị hôm nay
Trong thời đại VUCA đầy biến động, khi công nghệ và AI trở thành xu hướng, việc duy trì đạo đức trong kinh doanh không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành hành động thực tế. “Doanh nghiệp giờ đây không thể từ chối chuyển đổi số, điều quan trọng là doanh nghiệp phải xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp, gắn liền với các nguyên tắc đạo đức”, theo bà Phan Thị Tuyết Mai.
Câu chuyện kinh doanh luôn đầy thử thách, nhưng những nguyên tắc đạo đức rõ ràng ngay từ đầu sẽ là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng gió. “Đừng để ước mơ tràn đầy mà hiện thực lại gầy gò”, Tổng giám đốc Công ty TMTM khuyên các thí sinh Giải thưởng TNLVC.
Bà Phan Thị Tuyết Mai cũng nhắc các doanh nhân tương lai nên thuộc lòng 10 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại Việt Nam không phát triển đã được danh nhân Lương Văn Can lưu ý. Đó chính là: không thương phẩm, không thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không tiết kiệm, khinh hàng nội hóa.
“10 điều trên cũng chính là nguyên tắc đạo đức mà danh nhân Lương Văn Can gợi ý để các doanh nhân tránh mắc lỗi trong quá trình kinh doanh. Cụ Lương Văn Can còn nhấn mạnh hai mệnh đề "Trung thực" và "Hiếu nghĩa" trong tư tưởng của mình, đây cũng chính là điều kiện nền tảng để một doanh nghiệp thành công”, bà Phan Thị Tuyết Mai đúc kết với các thí sinh Giải thưởng TNLVC.
Trâm Bi
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/khi-nao-co-nguy-co-vi-pham-dao-duc-khi-do-can-ban-linh-kinh-doanh-316206.html