Khi người lính trở về

Khi người lính trở về
8 giờ trướcBài gốc
Ông Trần Xuân Trường (bên phải) cùng đồng đội trong buổi gặp mặt truyền thống 60 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình (1964 - 2024) - Ảnh: H.Tr
Đi qua những trận chiến
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình cũ, chuẩn bị vào lớp 10, tháng 8/1965, như bao bạn bè đồng trang lứa, chàng trai trẻ Trần Xuân Trường gác bút nghiên lên đường theo lệnh tổng động viên; được biên chế vào lực lượng của Tỉnh đội Quảng Bình, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực phía Bắc tỉnh nhằm phòng thủ, chủ yếu tại khu vực đèo Lý Hòa, Thanh Khê.
Năm 1969, khi vừa bước qua tuổi 20, Trần Xuân Trường được điều động vào chiến trường ác liệt tại Bắc Quảng Trị; đảm nhiệm vị trí chiến đấu với vai trò Trung đội phó Trung đội bộ binh, rồi tiếp tục làm Trung đội trưởng Trung đội cối 82. Địa bàn chiến đấu của ông và đồng đội chủ yếu ở Gio Linh, Cam Lộ, đây là những vùng đất từng hứng chịu bom đạn khốc liệt nhất thời bấy giờ.
“Chiến tranh vô cùng ác liệt. Đơn vị thường phải hành quân, chiến đấu từ sáng sớm 5 giờ đến 5 - 6 giờ tối trong khi liên tục bị kẻ địch oanh kích bằng pháo, máy bay... Vì vậy, chỉ huy thường phải cho anh em “tùy nghi di tản” để giảm thiểu thương vong. Trong bom rơi đạn lạc, đôi khi linh cảm của người lính chiến như một “giác quan thứ sáu” giúp tôi đưa ra quyết định kịp thời, cứu mạng chính mình và đồng đội”, CCB Trần Xuân Trường mở đầu câu chuyện.
Ông kể, kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên với ông là trận chiến đấu ở Gio Linh. Lúc đó, chỉ huy cho phép anh em di tản để bảo vệ lực lượng. Là trung đội trưởng, ông Trường dẫn 8 đồng chí của mình tìm chỗ trú ẩn và nhanh chóng phát hiện một căn hầm cũ của dân, khá kiên cố và yên tĩnh.
Trong lúc cả trung đội đang ngồi nghỉ ngơi, bất chợt “linh tính” khiến ông cảm thấy không yên tâm, rồi cho cả nhóm cùng rời căn hầm, đi tìm nơi trú ẩn khác trước sự ngạc nhiên của đồng đội. Sau khi trú ẩn tại một căn hầm khác nhỏ hơn ở quả đồi bên cạnh, pháo của địch từ Cồn Tiên, Dốc Miếu nã đến liên tục... Căn hầm mà ông cùng đồng đội rời đi đã trở thành một hố sâu đầy nước.
Một lần khác, sau trận đánh, trung đội của ông trở về khi trời chưa kịp tối. Ông quyết định dừng lại, chờ tối hẳn rồi mới di chuyển tiếp vì phía trước là một bãi trắng, rất dễ bị địch phát hiện. Trong lúc tạm nghỉ, ông lại linh cảm có điều gì đó không may, liền cho cả trung đội sang quả đồi khác, lấy cây lá làm ngụy trang trú ẩn. May mắn lúc đó, một trung đội đại liên cũng đi theo. Chưa đầy 30 phút sau, khu vực cũ hứng một trận mưa bom, san phẳng cả vùng đất. Gần 100 chiến sĩ, trong đó có ông thoát chết trong gang tấc.
Lần giở ký ức, ông Trường bảo kỷ niệm làm ông nhớ nhất là trận đánh ở Cam Lộ năm 1969. “Lúc đó, tôi bị nhiễm trùng, sốt cao, hôn mê suốt ba ngày đêm. Quân y nghĩ tôi đã hi sinh, bọc trong tấm vải và đặt lên băng ca để chuẩn bị đưa về nhà xác. Một đồng đội đề nghị giữ lại, đợi những chiến sĩ bị thương khác đến làm lễ tiễn biệt. Bất ngờ, một người phát hiện ngón tay út của tôi động đậy cùng tiếng hô: “Đồng chí Trường còn sống!”. Tôi được cấp cứu kịp thời ngay sau đó và tỉnh lại đúng vào ngày 27/7/1969”, CCB Trần Xuân Trường xúc động.
Ông kể thêm, cách đó 10 ngày, ông cũng trải qua một đêm ngủ cùng với 4 đồng đội đã hi sinh. Sau trận đánh, để trú ẩn trong đêm tối mịt ở Trường Sơn, ông tìm thấy một căn hầm có 4 thi thể đã được bọc trong nilon, nhưng ông vẫn vào nằm kề bên để ngủ...
Ông Trần Xuân Trường là CCB duy nhất của phường Đồng Hới có mặt trong 8 đại biểu của tỉnh Quảng Trị, được lựa chọn tham dự cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử, diễn ra từ ngày 23 - 24/7/2025 tại thành phố Hà Nội.
Sống cho đồng đội đã hi sinh
Năm 1971, vì sức khỏe yếu, ông Trần Xuân Trường được xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường mang trong mình nhiều vết thương, mất sức lao động 41%, bệnh binh 3⁄4, bị nhiễm chất độc da cam, ông Trường vẫn canh cánh trong lòng trách nhiệm “sống thay cho đồng đội đã hi sinh”. Ông được chuyển ngành và tiếp nhận vào công tác trong ngành Ngân hàng. Trong suốt 37 năm công tác với tinh thần cầu tiến và tận tụy, ông Trường vừa làm vừa theo học, từ sơ cấp và không ngừng nỗ lực để tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành.
Năm 2010, sau 2 năm nghỉ hưu, ông lại tích cực tham gia công tác xã hội; được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP, rồi đảm nhận các vị trí Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới cũ).
Ông Trần Xuân Trường an yên cùng vợ con ở tuổi gần 80 - Ảnh: H.Tr
“Quá trình tham gia “việc làng, việc nước”, bản thân từng đặt ra mục tiêu và hoàn thành kế hoạch 6 việc, như: Xây dựng nhà văn hóa; vận động kinh phí để đầu tư thiết chế văn hóa; xây dựng đường giao thông quy mô nhỏ; xây dựng công trình thoát nước R3; chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn...”, CCB Trần Xuân Trường chia sẻ.
Khi nhắc đến cán bộ cơ sở Trần Xuân Trường, Bí thư Chi bộ TDP 11 Đồng Phú, phường Đồng Hới Võ Thị Thu dành những tình cảm thân thiết, trân trọng: “CCB Trần Xuân Trường là tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với cộng đồng. Trên các cương vị công tác, ông đã tích cực đóng góp và vận động Nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống tinh thần của bà con. Ông cũng luôn luôn gần gũi, lắng nghe Nhân dân, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo... góp phần giữ vững danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh, TDP văn hóa”.
Gần bước sang tuổi 80, CCB Trần Xuân Trường an yên cùng người vợ tào khang, các con đều đã trưởng thành, yên bề gia thất và các cháu, chắt chăm ngoan. Ngoảnh lại khoảng thời gian ý nghĩa về trước, người cựu binh ấy luôn đau đáu nhớ về đồng đội, những người hi sinh và cả những người còn sống. Ông rất mừng vì chiến trường năm xưa có đồng đội nằm lại nay lại cùng chung địa giới hành chính, tên gọi thân thương và cùng hướng tới tương lai tươi đẹp.
Hương Trà
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khi-nguoi-linh-tro-ve-196058.htm