Khi người mẹ không còn nhận biết được thời gian

Khi người mẹ không còn nhận biết được thời gian
4 giờ trướcBài gốc
Bạn nên bắt đầu học cách chơi thật hay một nốt nhạc rồi hẵng nghĩ đến nốt nhạc thứ hai - và đừng chỉ chơi một nốt trừ khi bạn thật sự có lý do để làm điều đó.
- MARK HOLLIS
Nếu cách đây vài năm bạn nói với tôi rằng sau này tôi sẽ viết một cuốn sách về tối ưu hóa não bộ, thì tôi chắc chắn sẽ nói lại với bạn rằng bạn đã nhầm tôi với ai đó mất rồi.
Sau khi tôi chuyển chuyên ngành đại học từ chương trình dự bị y khoa sang điện ảnh và tâm lý học thì ý tưởng về các công việc liên quan đến khoa học sức khỏe càng khó thành hiện thực. Điều này càng xa vời hơn bởi thực tế là ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã quyết tâm làm công việc mà tôi hằng mơ ước: nhà báo và người dẫn chương trình trên TV và Web.
Tôi thường tập trung vào những tin tức chưa được báo cáo đầy đủ và có thể tạo ra các tác động tích cực đến thế giới. Tôi đang sống ở Los Angeles - thành phố mà tôi hằng ao ước khi còn là một cậu thiếu niên lớn lên ở New York và đam mê xem MTV - và vừa kết thúc công việc mà tôi đã làm trong suốt năm năm, đó là dẫn chương trình và sản xuất nội dung cho một mạng truyền hình hướng đến ý thức xã hội có tên là Current. Cuộc sống thật tuyệt vời biết bao nhưng tôi không hề hay biết rằng bánh xe cuộc đời mình đang từ từ chuyển hướng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Los Angeles Times.
Dù rất thích cuộc sống ở Hollywood, tôi vẫn thường trở lại New York để thăm mẹ và hai em trai. Vào năm 2010, trong một chuyến về thăm nhà, tôi và các em nhận thấy một sự thay đổi nhỏ trong cách đi đứng của mẹ, Kathy. Lúc đó bà năm mươi tám tuổi và luôn tràn đầy sức sống.
Nhưng đột nhiên, bà như thể đang mặc một bộ đồ du hành vũ trụ và đi bộ dưới nước - mỗi bước đi và cử chỉ của bà trông cứng nhắc và không được tự nhiên. Mặc dù bây giờ tôi biết rõ hơn, nhưng hồi đó tôi thậm chí không thể tìm ra mối liên hệ giữa cách bà di chuyển và sức khỏe não bộ của bà.
Bà cũng bắt đầu thẳng thắn phàn nàn về tình trạng tinh thần “mơ hồ” như bị phủ một lớp sương mù của mình. Tôi không để tâm lắm đến vấn đề này. Không ai trong gia đình tôi từng gặp vấn đề về trí nhớ. Trên thực tế, bà ngoại tôi sống đến chín mươi sáu tuổi và trí nhớ vẫn minh mẫn đến tận cuối đời. Nhưng trong trường hợp mẹ tôi, có vẻ như tốc độ xử lý mọi việc của bà bị chậm lại, giống như trình duyệt Web có quá nhiều tab đang mở vậy.
Chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng khi yêu cầu bà đưa giúp lọ muối khi đang ăn bữa tối, bà như hẫng đi vài nhịp mới hiểu được. Trong khi tôi coi những gì mình đang thấy là “quá trình lão hóa bình thường”, thì trong sâu thẳm tôi vẫn có cảm giác ớn lạnh rằng có điều gì đó không ổn đang xảy ra.
Phải đến mùa hè năm 2011, trong chuyến du lịch cùng gia đình tới Miami, những nghi ngờ đó mới được xác nhận. Bố mẹ tôi đã ly hôn khi tôi mười tám tuổi, và đây là một trong số ít lần kể từ đó mà cả gia đình chúng tôi quây quần bên nhau - trong căn hộ của bố để tránh cái nắng gay gắt. Một buổi sáng, mẹ tôi đang đứng ở quầy ăn sáng. Trước sự có mặt của cả gia đình, bà ngập ngừng, rồi nói rằng mình đang gặp vấn đề về trí nhớ và gần đây đã tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ thần kinh.
Với giọng hoài nghi nhưng pha chút vui đùa, bố tôi hỏi mẹ, “Vậy à? Vậy thì, năm nay là năm bao nhiêu?”
Bà ngây người nhìn chúng tôi một lúc, rồi nhìn sang nơi khác.
Tôi cùng các em cười khúc khích và lên tiếng, phá vỡ sự im lặng không mấy dễ chịu. “Thôi nào, sao mẹ lại không biết được chứ?”
Bà trả lời, “Mẹ không biết,” và bắt đầu khóc.
Ký ức trước đó như vỡ vụn trong tâm trí tôi. Mẹ đã phải chịu đựng sự tổn thương sâu sắc, cố gắng nói về nỗi đau trong thâm tâm của mình, tự nhận thức vấn đề, thất vọng và sợ hãi, còn chúng tôi thì hoàn toàn không biết gì. Đó là khoảnh khắc tôi học được một trong những bài học khó khăn nhất của đời mình: mọi thứ dường như đều vô nghĩa khi phải chứng kiến người thân yêu bị bệnh tật dày vò.
Một loạt các chuyến thăm khám y tế, tìm kiếm tư vấn từ chuyên gia và các chẩn đoán thăm dò đã diễn ra sau đó và cuối cùng là chuyến đi đến Phòng khám Cleveland. Mẹ và tôi vừa bước ra khỏi văn phòng của một nhà thần kinh học nổi tiếng và tôi thì đang cố gắng giải mã những dòng trông như chữ tượng hình trên nhãn của những lọ thuốc mình cầm trên tay.
Nhìn chằm chằm vào nhãn thuốc, tôi lặng lẽ lẩm nhẩm tên thuốc ở bãi đậu xe của bệnh viện. Ar-i-cept. Sin-e-met. Chúng có tác dụng gì chứ? Một tay tôi cầm lọ thuốc, tay kia cầm điện thoại, tôi nắm lấy chiếc phao cứu nạn kỹ thuật số: Google. Trong 0,42 giây, công cụ tìm kiếm trả về kết quả sẽ thay đổi cuộc đời tôi.
Thông tin về biệt dược Aricept cho bệnh Alzheimer.
Max Lugavere, Paul Grewal, MD/NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/khi-nguoi-me-khong-con-nhan-biet-duoc-thoi-gian-post1519191.html