Khi người trẻ mơ những giấc mơ khác (kỳ 3): Mong muốn được góp sức nhiều hơn

Khi người trẻ mơ những giấc mơ khác (kỳ 3): Mong muốn được góp sức nhiều hơn
5 giờ trướcBài gốc
“Tuổi trẻ không hoang phí” là câu nói được nhiều bạn trẻ Thái Nguyên tâm niệm trong hành trình tuổi trẻ của bản thân. Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi may mắn được gặp họ - những công dân bình dị, nhỏ bé nhưng trong tim ấp ủ đầy tình yêu thương, lòng phụng sự và khát vọng cống hiến cho đất nước, quê hương.
“Tên của em là Nguyễn Phúc Đức - đó vừa là mong ước cũng vừa là lời răn dạy của bố mẹ dành cho em muốn có Phúc thì phải sống có Đức.” Chàng trai khuyết tật ấy chào đón chúng tôi bằng một nụ cười rạng ngời và mở đầu câu chuyện về hành trình đáng sống của mình một cách thật đặc biệt.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại vùng quê thuần nông xã Kha Sơn (Phú Bình), Nguyễn Phúc Đức hiện là sinh viên năm cuối ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Chào đời, Đức lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng biến cố ập đến khi chuẩn bị lên lớp 6, một tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi cánh tay phải của em.
Từ đó, Đức trở nên rụt rè, tự ti và sống khép kín trước mọi người. Mãi đến khi học lên đại học, được theo các anh chị tham gia các CLB tình nguyện, hoạt động đoàn, hội, được kết giao với nhiều người bạn mới, Đức nhận ra mình còn may mắn hơn nhiều người và em dần bước ra khỏi “chiếc bóng” của chính mình.
Với những đóng góp của mình, chàng sinh viên Thái Nguyên Nguyễn Phúc Đức vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023, được Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt động viên, tuyên dương.
Cũng với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, mỗi cuối tuần, chị Nguyễn Thị Vân (phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) đều đến thăm Nghĩa trang Tịnh Nhi - nơi Vân và các thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống Thái Nguyên phát tâm xây dựng. Tịnh Nhi nằm trong khuôn viên nghĩa trang của TP. Thái Nguyên, là nơi tiếp nhận, chở che hàng nghìn thai nhi xấu số được các thiện nguyện viên của Nhóm gom nhặt từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, nhóm Bảo vệ sự sống Thái Nguyên đã có hàng trăm thành viên và tình nguyện viên ở trong và ngoài tỉnh. Vừa làm thiện nguyện, vừa tuyên truyền, dần dần, việc làm nhân văn của Nhóm đã thuyết phục được không ít cơ sở y tế tư nhân thay đổi nhận thức, không vứt bỏ các thai nhi như một loại rác thải y tế.
Ngoài ra, chị Vân cùng các cộng sự của mình còn chung tay xây dựng Nhà tạm lánh Tâm An để trợ giúp khẩn cấp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn; tham gia vận động cộng đồng xây dựng Quỹ Hạc trợ giúp các hoàn cảnh yếu thế…
Không chỉ là những hoạt động thường xuyên, đầu tháng 9 vừa qua, khi Thái Nguyên vừa trải qua trận lũ lịch sử, hàng nghìn bạn trẻ đã lên đường tham gia các nhóm cứu trợ, tình nguyện cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men cho người dân và giúp đỡ dọn dẹp môi trường sau lũ.
Có thể kể đến như hoạt động của nhóm Cứu hộ tự nguyện hồ Ghềnh Chè. Sáng 9-9, khi mực nước sông Cầu dâng cao, 23 xã, phường của TP. Thái Nguyên bị ngập úng, anh Lê Văn Hiệp đã huy động thêm 9 anh em, bạn bè mang 2 chiếc cano, 1 thuyền sup, 1 thuyền chèo tay, 1 thuyền đánh cá chuyên dụng cùng nhiều áo phao từ hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công) lên TP. Thái Nguyên tham gia cứu hộ.
“Nếu không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”, đó là câu châm ngôn mà anh Lê Tuấn Anh - người đi đầu trong xây dựng thành công chuỗi thương hiệu F&B (Food and Beverage Service) tại Thái Nguyên, luôn tâm niệm và lấy làm kim chỉ nam cho hành trình khởi nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, năm 2014, anh Lê Tuấn Anh bắt đầu dấn thân thử sức gây dựng thương hiệu đầu tiên là Nhà hàng lẩu nướng Lazo. Với lợi thế đi đầu, sau khi đưa vào hoạt động, có những thời điểm Nhà hàng đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng, với mức lợi nhuận trung bình khoảng 20%.
Sau 6 năm, khi F&B thực sự trở thành khối ngành hút khách, anh lại tiếp tục xây dựng thương hiệu Trà chanh Chill từ nguyên liệu trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên với 200 cơ sở nhượng quyền trên cả nước. Tiếp đó, lần lượt các thương hiệu Bún Cố đô đặc sản Huế; trà, cà phê Starbeans lần lượt ra đời. Chuỗi cửa hàng của anh Lê Tuấn Anh không chỉ phát triển trong nước mà còn mở rộng đến Thủ đô Manila (Philippines).
Còn với anh Nguyễn Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại điện tử Quân đoàn mua sắm, con đường khởi nghiệp mà anh lựa chọn cũng không kém phần táo bạo: xây dựng website, kênh bán hàng, tạo ra một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi, đa dạng cho người dân không chỉ ở Thái Nguyên mà trên toàn cầu.
Với định hướng đó, từ khi thành lập vào tháng 7-2023, đến nay Công ty đã phân phối chính hãng hàng chục dòng xe đạp từ bình dân đến cao cấp ở nhiều phân khúc, đồng thời nghiên cứu, sáng tạo và cho ra mắt 5 dòng đạp thể thao: DT Z2000, DT Z3000, DT Z5000, DT Z6000, DT Z8000…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hằng năm đều có thêm hàng chục mô hình khởi nghiệp của những người trẻ. Và điểm chung ở họ là lối suy nghĩ mới mẻ, không ngừng học hỏi để tìm hướng đi phù hợp với thị trường hiện đại. Cùng với đó là tinh thần dám thử thách, dũng cảm theo đuổi những định hướng lớn lao để không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ cộng đồng cùng phát triển.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, chỉ cần gõ cụm từ “Thái Nguyên” trên các nền tảng Facebook, TikTok, Youtube… chúng ta dễ dàng tìm kiếm được rất nhiều video giới thiệu các địa điểm du lịch, phong tục tập quán, món ăn ngon, làng nghề truyền thống của tỉnh.
Một trong những người tiên phong trong việc giới thiệu hình ảnh Thái Nguyên trên các trang mạng xã hội là chàng trai trẻ Lục Văn Toàn – Toàn Tít (quê ở huyện Đại Từ). Nhờ những video sáng tạo và đầy tâm huyết của anh, ngày càng có nhiều người đã biết đến và có mong muốn được khám phá vẻ đẹp của Thái Nguyên.
Có cùng mong ước thúc đẩy du lịch Thái Nguyên, từ khi còn theo học tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Trần Đại Cương (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) đã cùng người thân bắt tay khởi nghiệp, thành lập HTX du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè.
Đến nay, hồ Ghềnh Chè đã trở thành một trong những điểm đến “xu hướng” tại Thái Nguyên. Mỗi năm, điểm du lịch này thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, mang về nguồn doanh thu tương đối ổn định.
Ngay ở thời điểm hiện tại, bằng cách này hay cách khác, nhiều người trẻ Thái Nguyên đang dần định hình hướng đi cho tương lai của chính mình. Họ đồng thời cũng mang trong mình khát vọng được cống hiến cho cộng đồng, góp sức cho xã hội...
TNĐT
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202410/khi-nguoi-tre-mo-nhung-giac-mo-khac-ky-3-mong-muon-duoc-gop-suc-nhieu-hon-3892287/