Khi người trẻ ngày càng hứng thú với thư pháp

Khi người trẻ ngày càng hứng thú với thư pháp
một ngày trướcBài gốc
Anh Khánh viết chữ thư pháp tặng bạn trẻ tại phố đi bộ Ngô Quyền, thị xã Quảng Trị - Ảnh: T.P
Càng gần đến tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, quán cà phê “Nguyên” của anh Hồ Lê Hiếu (sinh năm 1983) ở thị xã Quảng Trị lại càng thu hút khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ đến thưởng thức đồ uống, check - in và xin chữ thư pháp.
Tại quán, bên cạnh những decor (trang trí) mang không khí xuân tươi mới với hoa đào, hoa cúc, anh Hiếu bố trí thêm bộ bàn ghế con, bên trên bàn có đầy đủ các loại giấy đỏ, nghiên mực, bút lông để có thể thỏa mãn niềm đam mê viết chữ thư pháp bất cứ lúc nào. Dưới nét bút của anh, những câu, chữ thư pháp như “rồng bay, phượng múa” hiện lên đẹp mắt, khiến khách hàng không khỏi trầm trồ.
Gắn bó với thư pháp gần 25 năm, càng tìm hiểu, anh Hiếu càng say mê với bộ môn nghệ thuật này. Không chỉ học hỏi, anh còn tự viết ra những bộ chữ của riêng mình. Theo anh, muốn viết được thư pháp, người viết cần có hoa tay và tinh thần khổ luyện.
Bên cạnh đó cần trau dồi kiến thức văn hóa, đọc nhiều sách vở, quan niệm triết học cổ kim để mở rộng hiểu biết. “Thư pháp là nét văn hóa đẹp của người Việt, đã có từ xa xưa. Thư pháp giúp tôi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Từ bộ môn nghệ thuật này, tôi dần tìm hiểu những khía cạnh, vấn đề khác của văn hóa dân tộc.
Tôi rất vui vì nghệ thuật thư pháp đang dần hồi sinh và được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Vì vậy, khi các bạn trẻ bày tỏ mong muốn tìm hiểu về thư pháp, tôi luôn sẵn lòng chia sẻ những hiểu biết của mình”, anh Hiếu bộc bạch.
Một người trẻ khác cũng có niềm đam mê với chữ thư pháp là anh Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1990), sống tại thị xã Quảng Trị. Nhiều người đã quen với hình ảnh anh trong trang phục áo dài trông rất hoài cổ, đôi tay cầm bút thảo những câu từ ý nghĩa cho ngày xuân, dịp đặc biệt tại các đền, chùa hay tại tuyến phố đi bộ Ngô Quyền. Bén duyên với thư pháp từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, để thỏa niềm đam mê, anh không ngừng tự học qua sách vở, trên các trang mạng xã hội và trở thành người viết thư pháp thành thạo như ngày hôm nay.
“Nhắc đến thư pháp, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh ông đồ già, râu tóc bạc phơ như mô tả trong thơ ca. Tuy nhiên thư pháp không chỉ dành cho người cổ mà hiện nay trở thành bộ môn nghệ thuật được đông đảo bạn trẻ yêu thích.
Đặc biệt hơn, thông qua sự hỗ trợ của mạng xã hội, công nghệ hiện đại, chữ thư pháp ngày càng lan tỏa rộng rãi. Tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng khi thế hệ trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm đến những giá trị truyền thống. Từ đó, những cái hay, cái đẹp của cha ông để lại sẽ được lưu truyền, không bị mai một, mất đi trước cuộc sống hiện đại”, anh Khánh nói.
Yêu thích thư pháp trong những lần cùng người thân đến Chợ đình Bích La xin chữ đầu năm nhưng mãi đến thời gian gần đây, Nguyễn Ngọc Loan, sống tại huyện Triệu Phong mới có cơ hội tìm hiểu và tập tành viết loại chữ đặc biệt này.
Có dịp gặp em và 2 người bạn đang luyện viết tại quán cà phê của anh Hiếu, dù nét chữ chưa được đều và dứt khoát song chúng tôi cảm nhận được sự say mê trong đôi mắt của những bạn trẻ này. Dung cho hay: “Thư pháp đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao. Được tự tay viết chữ thư pháp, em càng thêm yêu thích bộ môn này. Em sẽ cố gắng rèn luyện để viết đẹp hơn, sau này có thể tặng chữ đầu năm cho gia đình, bạn bè”.
Có thể thấy, thư pháp không chỉ đơn thuần là một bộ môn nghệ thuật mà còn là đam mê của người trẻ như anh Hiếu, anh Khánh, Ngọc Loan và rất nhiều bạn khác. Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều câu lạc bộ, lớp học thư pháp ra đời, trở thành nơi để các bạn trẻ không chỉ rèn luyện kỹ năng viết chữ mà còn giao lưu, học hỏi, cùng nhau sáng tạo những tác phẩm độc đáo.
Thư pháp không chỉ là phương tiện thể hiện ngôn ngữ mà còn là cánh cửa giúp con người khám phá và thể hiện thế giới nội tâm phong phú. Những nét cong, tròn, uốn lượn tuy khó nhưng lại rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, giúp người viết chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống, của nghệ thuật và ngôn ngữ, làm giàu thêm vốn sống cho bản thân. Thư pháp cũng là sợi dây kết nối những người cùng sở thích, chia sẻ quan điểm, tình cảm và sáng tạo nên con chữ, đồng thời giúp người trẻ tìm hiểu thêm vốn văn hóa của dân tộc.
Giữa nhịp sống hối hả hiện nay, thật đáng trân trọng khi thế hệ trẻ sau này vẫn duy trì, gìn giữ nhữngg i átrị hoài cổ, hướng về nguồn cội cha ông.
Nam Phương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khi-nguoi-tre-ngay-cang-hung-thu-voi-thu-phap-191334.htm