Khi những công trình văn hóa thành biểu tượng nâng tầm vùng đất

Khi những công trình văn hóa thành biểu tượng nâng tầm vùng đất
4 giờ trướcBài gốc
Những biểu tượng trăm năm
Nhiều khán giả vẫn không thể nào quên sự kiện văn hóa liên lục địa diễn ra năm 2020. Các nhà hát nổi tiếng như Nhà hát Bolshoi (Nga), Nhà hát Hoàng gia Albert Hall (Anh) đã trình chiếu miễn phí những vở ballet kinh điển như Hồ thiên nga, Kẹp hạt dẻ, Bóng ma nhà hát….trên nền tảng trực tuyến. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nghệ thuật luôn giữ nhịp cho nhân loại tiếp bước, hướng thiện và cổ vũ những điều tích cực. Không chỉ góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần, những công trình như Nhà hát Hoàng gia (Anh), Nhà hát Bolshoi (Nga), Vienna Staatsoper (Áo), Nhà hát Opera Sydney (Úc), La Scala (Ý), Teatro Colón (Argentina)…đã vượt qua chức năng ban đầu là nơi biểu diễn nghệ thuật, để trở thành điểm đến du lịch, nguồn cảm hứng nghệ thuật và biểu tượng quốc gia.
Nhà hát Bolshoi: Thánh đường nghệ thuật của nước Nga với lịch sử hơn 200 năm, nơi có sự xuất hiện của những vở diễn kinh điển thế giới.
Nằm trên khu vực nổi tiếng về kiến trúc lịch sử Ringstrasse, Nhà hát Opera Vienna - biểu tượng nổi bật được mệnh danh là “công trình vĩ đại nhất nước Áo mang phong cách Tân Phục hưng tráng lệ. Những buổi công diễn của nhiều nhạc sĩ vĩ đại như Mozart, Beethoven, Straus… đã góp phần làm nên biểu tượng “thánh đường âm nhạc cổ điển” của nhà hát này.
Trong khi đó, Nhà hát La Scala tại Milan không chỉ là cái nôi opera của Ý mà còn là biểu tượng của sự tinh tế và lịch sử văn hóa châu Âu. Được thành lập từ thế kỷ 18, có kiến trúc tân cổ điển lộng lẫy và chất lượng âm thanh hoàn hảo, La Scala đã chứng kiến những buổi công diễn của các nhạc sĩ vĩ đại như Verdi, Toscanini...
Nhà hát Opera La Scala: Biểu tượng nghệ thuật và lịch sử ở Milan, Italia
Ra đời vào đầu thế kỷ 20, Teatro Colón – nhà hát với âm thanh vào loại tốt nhất thế giới, thiết kế nội thất xa hoa và khả năng biểu diễn đa dạng, đã đưa Argentina trở thành một điểm sáng trên bản đồ văn hóa Nam Mỹ. "Thánh đường" opera và ballet của nước Anh - Nhà hát opera Hoàng gia - được xây dựng tại Covent Garden, quảng trường trung tâm và là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của London. Ngay những năm đầu mở cửa, nhà hát gắn liền với tên tuổi của George Frideric Handel, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại thời Baroque.
Theo một báo cáo gần đây, Nhà hát Hoàng gia Anh tạo ra doanh thu hàng trăm triệu bảng Anh mỗi năm. Chương trình phát sóng trực tiếp mở rộng đến hàng triệu khán giả tại hơn 40 quốc gia. Nhà hát trở thành trung tâm văn hóa mở cửa cả ngày, thúc đẩy du lịch văn hóa với gần 700.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm. Không những thế, Nhà hát Opera Hoàng gia Anh còn góp phần định hình và bảo tồn nghệ thuật opera và ballet, tạo nên hệ sinh thái văn hóa phong phú.
Nhà hát Opera Sydney – Kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20: Biểu tượng đầy mạnh mẽ của thế giới hiện đại, và là niềm tự hào của người dân Australia.
Khánh thành năm 1973, ra đời sau các nhà hát châu Âu hàng trăm năm, Nhà hát Opera Sydney không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là một động lực kinh tế quan trọng cho Australia. Nhờ giá trị kiến trúc và văn hóa đặc biệt, di sản thế giới này đã trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của xứ sở Nam bán cầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Theo một báo cáo giai đoạn 2022-2023, Nhà hát Opera Sydney đóng góp khoảng 1,2 tỷ đô la Úc cho nền kinh tế. Hình ảnh “nhà hát con sò” đã trở thành biểu tượng của sự sáng tạo và tinh thần tiên phong, giúp Australia khẳng định vị thế là một quốc gia hiện đại, năng động.
Việt Nam sắp xuất hiện “biểu tượng văn hóa” mới
Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, từ các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương đến các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế hay Ca trù. Những năm gần đây, một làn gió hiện đại đang xuất hiện trong đời sống của người dân Thủ đô, khi các tác phẩm nghệ thuật kinh điển nổi tiếng thế giới đã đến Việt Nam, hiện diện cùng những dàn nhạc đẳng cấp như Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, Dàn nhạc Thính phòng Vienna, các đoàn ballet danh tiếng…
Nhà hát Lớn Hà Nội hiện đã không còn đáp ứng được nhu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ. Các nhà hát khác chủ yếu phục vụ các chương trình trong nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hà Nội cần một không gian văn hóa hiện đại, nơi không chỉ bảo tồn và trình diễn nghệ thuật truyền thống mà còn là sân khấu cho các nền văn hóa thế giới giao lưu. Đề cập tới đóng góp của văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân bày tỏ: Việt Nam cần có những tác phẩm hoặc công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Cần ưu tiên phát triển những ngành nghệ thuật như nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet hay vốn quý của dân tộc như t sân khấu truyền thống tuồng, chèo, cải lương…
Sức nóng của vở opera Carmen, một trong 20 kiệt tác opera thế giới những ngày cuối tháng 4/2025 tại Hà Nội vừa qua cho thấy nhu cầu thưởng thức kiệt tác nghệ thuật thế giới của khán giả Việt Nam ngày càng cao. Việc Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên công diễn nguyên tác vở kịch này cho thấy mức độ sẵn sàng đón nhận của khán giả với các sản phẩm văn hóa đẳng cấp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang khát khao một biểu tượng văn hóa mới, thông tin về một nhà hát mới tại trung tâm thủ đô Hà Nội đã dấy lên kỳ vọng lớn lao. Đó là dự án Nhà hát Opera Hà Nội do Tập đoàn Sun Group đầu tư, với sự tham gia của huyền thoại kiến trúc lừng danh thế giới Renzo Piano. Ông là người đứng sau những kiệt tác như Trung tâm Pompidou ở Paris hay The Shard ở London, với phong cách thiết kế hiện đại nhưng luôn biết cách tôn vinh giá trị văn hóa và lịch sử địa phương.
Nhà hát Opera Hà Nội: Kiệt tác cuối cùng của huyền thoại thiết kế Renzo Piano. Thiết kế Nhà hát được lấy cảm hứng từ chuyển động của nước hồ, vẻ đẹp dung dị, thuần khiết của ngọc trai.
Giống như cách Nhà hát Opera Sydney đã biến Sydney thành biểu tượng toàn cầu hay La Scala đã củng cố vị thế của Milan, nhà hát Opera Hà Nội - biểu tượng của công trình kiến trúc độc đáo - cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn văn hóa cho Việt Nam. Dự kiến khi hoàn thành, nhà hát Opera Hà Nội sẽ trở thành biểu tượng văn hóa cho Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung, thu hút các nghệ sĩ lớn hàng đầu thế giới đến biểu diễn. Kiến trúc sư Renzo Piano từng chia sẻ với báo giới, “hòn đảo âm nhạc” này không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Ông mong muốn được góp phần xây dựng một nhà hát mang tính biểu tượng cho Việt Nam, và đưa nơi đây vào danh sách các nhà hát nổi tiếng nhất trên thế giới như tại Paris, Milan, Berlin, London, New York, Los Angeles…
Minh Ánh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/khi-nhung-cong-trinh-van-hoa-thanh-bieu-tuong-nang-tam-vung-dat-d205873.html