Khi nước mắt rơi giữa cuộc cưỡng chế

Khi nước mắt rơi giữa cuộc cưỡng chế
11 giờ trướcBài gốc
Đến với nghề bằng hành trình vượt qua định kiến
Anh Hoa Văn Xuân đến với nghề thi hành án dân sự bằng một cơ duyên tình cờ, khi bản thân và gia đình còn chưa hình dung rõ ràng về con đường sự nghiệp phía trước.
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Luật Hà Nội, niềm vui nhanh chóng xen lẫn những lời dèm pha, hoài nghi: “Bao nhiêu người học xong rồi cũng thất nghiệp, lấy đâu ra tiền mà học tiếp?”.
Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, chàng thanh niên trẻ gói ghém hành lý, một mình xuống Thủ đô, bắt đầu hành trình vừa học vừa làm để nuôi dưỡng ước mơ.
Sau bốn năm đèn sách, cuối cùng, tấm bằng cử nhân luật trong tay cũng mở ra cánh cửa sự nghiệp. Anh Hoa Văn Xuân thi tuyển đậu vào ngạch công chức, chính thức công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc.
Hơn 10 năm trôi qua, từ một chuyên viên pháp lý nay trở thành Thư ký thi hành án dân sự, anh Hoa Văn Xuân đã đi qua không ít buồn, vui. Có những lần bị đương sự chửi bới, đe dọa, những giọt mồ hôi trong các vụ cưỡng chế, nhưng cũng có những lời cảm ơn, sự ghi nhận từ ngành cấp trên và nhân dân.
Với anh, những danh hiệu Lao động tiên tiến, giấy khen từ Tổng cục, từ Chủ tịch UBND huyện... chính là phần thưởng cho sự kiên trì, tâm huyết trong công việc tưởng chừng khô khan mà cũng đầy tình người này.
Nước mắt nơi hiện trường cưỡng chế
Một trong những ký ức sâu sắc nhất đối với anh Xuân là vụ cưỡng chế giao nhà gần đây tại thị trấn Bảo Lạc.
Gia đình người phải thi hành án gồm sáu thành viên, nhưng đến giờ cưỡng chế chỉ còn lại ba mẹ con nhỏ trong căn nhà. Dù đã được thông báo trước, người mẹ kiên quyết không chịu dọn đồ đạc, hai đứa trẻ ngây thơ bám lấy mẹ khóc nức nở.
Dù đau lòng, anh và các đồng nghiệp buộc phải thực thi đúng quy định pháp luật. Khi nhân công bắt đầu di dời tài sản, trong đó có cả sách vở và quần áo của đứa bé học lớp bốn, đứa trẻ òa khóc, van xin: “Chú ơi, sách vở của cháu, chiều nay cháu còn phải đi học!”.
Trước hoàn cảnh ấy, anh Xuân không kìm được nước mắt. Ông thấu cảm nỗi bất lực của gia đình người phải thi hành án – những con người đã từng hy vọng đổi đời nhờ làm ăn, nhưng thất bại, vướng vòng nợ nần. Anh cũng xót xa cho đứa trẻ, còn quá nhỏ để hiểu hết sự nghiệt ngã của cuộc đời, nhưng lại buộc phải chứng kiến cảnh tan nát của gia đình.
Ông Xuân không kìm được nước mắt khi chứng kiến sự bất lực của gia đình phải thi hành án (Ảnh: Lê Hanh)
Không đành lòng, ông đến bên cháu bé, nhẹ nhàng trò chuyện, vỗ về. Sau phút trò chuyện ngắn ngủi, đứa bé dần tin tưởng, ngưng khóc: “Mấy chú chỉ giúp dọn đồ thôi, sách vở, quần áo của cháu sẽ được giữ lại, chiều nay cháu vẫn đi học bình thường”.
Ánh mắt lo âu của cháu bé dần sáng lên niềm tin, như một vết nứt hy vọng giữa những đổ vỡ.
Giữ vững nguyên tắc, nhưng luôn đặt tình người lên trên hết
Sau khi trấn an được cháu nhỏ, anh Xuân lại đối mặt với thử thách khác: làm sao thuyết phục người bà, người mẹ của cháu nhận lại tài sản? Nếu không nhận, toàn bộ tài sản sẽ buộc phải niêm phong, đưa về kho cơ quan để bảo quản, kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý.
Bằng sự kiên trì, khéo léo, anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm, những người thân thiết với gia đình người phải thi hành án. Những lời động viên, những lời phân tích đầy chân thành đã phát huy hiệu quả. Cuối cùng, người mẹ cũng đồng ý nhận lại toàn bộ tài sản, giữ lại sách vở, quần áo cho các cháu, và nhận thêm một khoản tiền đủ để thuê nhà tạm thời trong một năm.
Cuộc cưỡng chế kết thúc trong trật tự, với sự đồng tình của nhân dân địa phương. Không có xô xát, không có cảnh vật dụng gia đình bị vứt bỏ phũ phàng – chỉ có những ánh mắt sẻ chia, những cái nắm tay động viên.
Từ vụ việc này, anh Hoa Văn Xuân càng khẳng định một chân lý trong nghề thi hành án dân sự: làm việc gì cũng phải đặt cái tâm lên hàng đầu. Phải tuân thủ pháp luật nghiêm minh, nhưng cũng phải biết lắng nghe, đồng cảm, tìm ra những giải pháp nhân văn để giảm thiểu tổn thương cho các bên liên quan.
Một nghề vất vả nhưng đầy ý nghĩa
Trải qua hơn một thập kỷ gắn bó với nghề, anh Hoa Văn Xuân hiểu rằng, làm thi hành án dân sự không đơn thuần là "cưỡng chế", là "xử lý tài sản" như người ngoài hình dung. Mỗi vụ việc là một câu chuyện đời, mỗi bản án cần thi hành là một phận người đang vật lộn với khó khăn, thất bại.
Thi hành án dân sự là công việc khó khăn, vất vả, nhiều rủi ro. Người cán bộ thi hành án phải chịu áp lực từ đương sự, từ xã hội, thậm chí cả từ những tình huống ngặt nghèo phát sinh tại hiện trường. Nhưng chính trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, khi người cán bộ giữ vững nguyên tắc, đồng thời giữ được tình người, thì nghề thi hành án mới thật sự có ý nghĩa.
Anh Xuân chia sẻ: “Dù công việc có khô khan, áp lực đến đâu, nếu mỗi người cán bộ thi hành án làm việc bằng cái tâm trong sáng, bằng sự kiên trì và lòng nhân ái, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân”.
Chuyện nghề thi hành án dân sự nghe tưởng cứng nhắc, nhưng đằng sau đó là cả những câu chuyện đời thường đầy tình người, như chính hành trình mà anh Hoa Văn Xuân đã và đang lặng lẽ viết nên trên quê hương Cao Bằng.
Lê Hanh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khi-nuoc-mat-roi-giua-cuoc-cuong-che-post548208.html