Khi sông còn chảy, lửa còn ấm

Khi sông còn chảy, lửa còn ấm
11 giờ trướcBài gốc
Thắp nến tri ân liệt sĩ.
Ngày bé, tôi thường hỏi cha: “Sông chảy mãi thế này thì nước từ đâu ra hả cha?”. Cha tôi chỉ cười: “Từ những mạch nguồn xa lắm, con ạ. Mạch nước chảy như ký ức, nếu người ta còn nhớ, nó sẽ không bao giờ cạn”.
Mãi đến sau này lớn lên, tôi mới hiểu, cha không chỉ nói về sông.
Nhà tôi nằm ở cuối làng, gần con đường đất đỏ dẫn ra cánh đồng rồi vòng lên đồi nghĩa trang liệt sĩ. Cứ đến những ngày cuối tháng Bảy, con đường ấy đông hơn thường lệ. Người già, trẻ nhỏ, những người con xa xứ trở về - tất cả rủ nhau lên đồi thắp nhang cho những người đã ngã xuống. Mỗi năm, mùa tri ân trở về như một vòng tròn khép kín - chẳng cần ai nhắc ai, chẳng cần kèn trống ồn ào, chỉ có bước chân lặng lẽ in trên nền đất đỏ đã mòn dấu giày của biết bao thế hệ.
Tôi nhớ những năm còn bé, cha thường dắt tôi đi bộ lên nghĩa trang. Tay cha nắm tay tôi, tay kia cầm bó hoa cúc vừa hái sau vườn. Cha chẳng bao giờ mua hoa ngoài chợ. Ông bảo: “Hoa vườn nhà mới thơm mùi đất mình”. Tôi bé, chẳng hiểu vì sao cha lại quý mấy bó hoa cúc trắng đến vậy, chỉ thấy con đường đất đỏ dẫn lên đồi sao mà xa xôi, nắng tháng Bảy gắt như thiêu.
Đến nghĩa trang, cha dắt tôi đi giữa hàng bia thẳng tắp. Ông dừng lại trước một tấm bia khắc tên ông nội tôi - người tôi chưa từng gặp, chỉ thấy trong tấm ảnh cũ cha vẫn giữ trong ngăn tủ gỗ. Cha tôi không nói nhiều, chỉ châm nhang, cắm hoa, rồi ngồi xuống vuốt nhẹ bờ cỏ quanh mộ. Có năm trời đổ mưa, cha vẫn ngồi, lưng áo ướt sũng. Tôi ngồi cạnh, nghe cha lẩm bẩm gọi: “Cha ơi...”. Giọng ông trầm, như sợ người dưới mộ không nghe được.
Lớn lên thêm chút nữa, tôi bắt đầu hiểu vì sao cha tôi lặng lẽ như vậy mỗi dịp 27/7. Tôi hiểu vì sao dù nhà nghèo, cơm còn bữa no bữa đói, nhưng cha vẫn cắt góc vườn giữ mấy luống cúc trắng, để đến ngày tri ân có hoa dâng người đã khuất. Cha bảo: “Người ta nằm dưới mộ rồi, nhưng hương hoa là để người sống còn nhớ”.
Có lẽ vì thế mà tôi không thể quên mùi khói nhang quyện trong gió chiều tháng Bảy. Cái mùi ấy len lỏi trong từng nếp áo cũ, dính trên mái tóc thơm mùi nắng, bám vào ký ức tuổi thơ tôi như một dấu chỉ lặng lẽ rằng: ta còn mắc nợ quá khứ.
Rồi tôi đi học xa, xa quê, xa con sông, xa cả con đường đất đỏ dẫn lên đồi nghĩa trang. Giữa phố thị sáng đèn, tôi bận rộn với những buổi họp nhóm, những đêm thức trắng ôn bài, rồi lo toan cơm áo gạo tiền. Có năm, mãi bận, tôi quên mất 27/7. Chỉ đến khi cha gọi điện hỏi: “Con đã thắp nhang cho ông chưa?”, tôi mới sực nhớ. Tôi lặng người, chạy ra hiên ký túc xá, cúi đầu nhìn màn đêm phố thị, nghe lòng trống hoác. Ở quê, chắc cha lại lủi thủi một mình lên đồi, tay run run cắm bó cúc trắng.
Sau này, khi đã có công việc ổn định, tôi về quê thường xuyên hơn. Mỗi lần về, cha vẫn giữ thói quen cũ: ra vườn cắt hoa cúc, sửa lại mấy bậc đá dẫn lên đồi. Tóc cha bạc dần, lưng cha còng hơn, nhưng đôi tay vuốt cỏ quanh mộ ông nội vẫn cẩn thận như năm nào. Có lần tôi bảo: “Cha để con làm cho”. Cha chỉ lắc đầu: “Con cứ nhìn cha làm, mai mốt cha không còn, con sẽ biết làm sao”.
Hàng xóm nhà tôi cũng vậy. Trong xóm có cụ Mão, năm nay gần 80 tuổi, vẫn đạp xe đi thăm mộ chồng mỗi dịp tháng Bảy. Con cái cụ đều đi làm xa, cụ ở một mình, bữa rau cháo, bữa cơm nguội. Nhưng mỗi khi ai hỏi: “Cụ có cô quạnh không?”, cụ chỉ cười: “Ông ấy vẫn còn đây mà”. Rồi cụ vuốt cái áo bông đã sờn, chỉ tấm giấy báo tử dán cẩn thận trên vách gỗ mục: “Đây là ông ấy, vẫn ở với tôi”.
Thế đấy, tri ân là cách người ta kiên nhẫn gìn giữ một kỷ vật, một tấm ảnh ố vàng, một tấm bia không tên... Tri ân là khi đứa cháu nội, cháu ngoại lẽo đẽo theo sau, lắng nghe chuyện cũ được kể đi kể lại đến thuộc lòng, để rồi sau này chính chúng sẽ kể lại cho con cháu mình.
Giờ đây, tôi cũng đã làm cha. Tôi cũng có con trai bé bỏng. Năm ngoái, tôi dắt nó về quê, đi đúng con đường đất đỏ mà cha tôi từng dắt tôi năm nào. Con trai tôi ríu rít hỏi: “Sao cha phải mang hoa lên đồi?”. Tôi ngồi xuống, vuốt mái tóc thơm mùi nắng của con, chậm rãi nói: “Để con biết có những người ra đi để mình được ở lại. Để con biết mình phải sống cho đàng hoàng”.
Nó chưa hiểu đâu. Nhưng tôi tin, vài năm nữa, khi lớn hơn, nó sẽ hiểu. Nó sẽ giữ thói quen như tôi, như ông nội nó. Nó sẽ biết: Có một con đường không ai buộc ta phải đi, nhưng chỉ khi ta còn đi, ký ức mới còn sống.
27/7 mỗi năm vẫn trở lại, lặng lẽ như dòng sông chảy miết qua làng tôi. Con sông ấy mang phù sa bồi đắp ruộng vườn, nuôi những bông cúc trắng ngoài vườn, nuôi ký ức về một thời lửa đạn đã lùi xa. Mưa tháng Bảy vẫn rơi trên mái ngói cũ, ướt bậc đá nghĩa trang, gột rửa rêu phong trên bia mộ, nhưng không bao giờ rửa trôi được lời hứa của người còn sống.
Mai này, cha tôi rồi cũng sẽ nằm xuống, bên cạnh mộ ông nội. Tôi sẽ lại đi trên con đường đất đỏ, tay cầm bó hoa cúc trắng, dắt con trai tôi đi cạnh bên. Rồi nó cũng sẽ dắt cháu tôi đi tiếp con đường ấy. Để khi sông còn chảy, lửa tri ân còn ấm, người nằm xuống sẽ không bao giờ cô quạnh trong lòng đất.
Đức Anh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/khi-song-con-chay-lua-con-am-383891.html