Từ câu chuyện tử tế trở thành thước phim
Khởi đầu từ đề tài học kỳ của nhóm sinh viên năm thứ ba, ngành Báo chí (trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), tác phẩm Tạm lánh đã vượt khỏi khuôn khổ của một môn học để chạm đến những tầng cảm xúc mới. Với mong muốn kể lại một câu chuyện tử tế, nhóm đã tìm hướng khai thác không đi quá sâu vào yếu tố tôn giáo hay pháp lý, mà vẫn giữ được tính gợi mở và sự đồng cảm từ người xem.
Tác phẩm Tạm lánh của đoàn phim Biên Hòa đoạt giải Nhất hạng mục Phóng sự tại Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn, năm 2025.
Tại mái ấm tạm lánh Mai Tiến (Đồng Nai), nhân vật được lựa chọn là Linh mục Nguyễn Văn Tịch - người đã dành 15 năm chôn cất hàng nghìn thai nhi và chăm sóc các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn. Đại diện nhóm chia sẻ, họ không đơn thuần ghi lại những gì diễn ra tại mái ấm mà còn khắc họa lòng bao dung về một hành trình “không kết tội, không xét đoán, không lên án”, chỉ có tình thương lặng lẽ dành cho những phận người bị bỏ lại.
Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch ân cần bên các em nhỏ tại mái ấm tạm lánh Mai Tiến (Đồng Nai).
Diệu Quyên cho biết, trong quá trình quay, nhóm gặp thêm hai người mẹ trẻ mang thai ngoài ý muốn khi còn đi học. Câu chuyện của họ khiến nhóm mở rộng thêm góc nhìn, chạm tới một vấn đề khác: giáo dục giới tính và quan hệ trước hôn nhân.
Phóng sự Tạm lánh vì thế không chỉ là câu chuyện về một mái ấm, mà còn là tiếng nói của người trẻ trước những vấn đề xã hội đang diễn ra âm thầm nhưng nhức nhối.
Món quà từ việc làm tử tế
Diệu Quyên chia sẻ: “Khi thực hiện phóng sự, tụi mình không có ý lên án hay khai thác cảm xúc bằng hình ảnh thương tâm. Nhóm muốn nói lên tiếng nói của người trẻ, rằng không ai thực sự thờ ơ trước những điều tưởng như đã trở nên bình thường. Nhất là, không người mẹ nào muốn từ bỏ con mình. Chúng mình chỉ mong xã hội nhìn nhận tích cực hơn để những người mẹ ấy có cơ hội được sinh và nuôi con của chính mình”.
Chính cách tiếp cận đó đã tạo chiều sâu cho Tạm lánh. Tác phẩm không chỉ kể lại một câu chuyện nhân văn mà còn góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về những người mẹ đơn thân, những đứa trẻ bị bỏ rơi và các phận người bên lề.
Tác phẩm Tạm lánh chạm đến trái tim khán giả tại đêm Chung kết – Trao giải Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn, năm 2025.
Ngay sau khi đoạt giải tại Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn, các thành viên trong đoàn phim đã trở lại mái ấm tạm lánh Mai Tiến để gửi những phần quà nhỏ đến Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch và các em nhỏ như lời tri ân và tiếp nối hành trình lan tỏa yêu thương.
Đêm Chung kết – Trao giải Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn, năm 2025.
Diệu Quyên cùng đoàn phim Biên Hòa vỡ òa khi Tạm lánh đoạt giải Nhất hạng mục Phóng sự truyền hình tại Liên hoan phim sinh viên Nhân Văn, năm 2025. “Chúng mình đã đem được tiếng nói của Cha Tịch, tiếng nói của các bà mẹ thậm chí là các thai nhi đến gần hơn với mọi người. Mình rất tự hào vì đã làm được điều đó”, Diệu Quyên bày tỏ.
Ở mùa trước, Liên hoan phim sinh viên Nhân văn được biết đến với tên gọi Liên hoan phim tài liệu sinh viên lần thứ nhất (năm 2024) - một sự kiện công chiếu các tác phẩm của sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông trong khuôn khổ môn học Phim tài liệu.
Sự kiện đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo sinh viên, các đơn vị báo chí, truyền thông trên địa bàn TP. HCM. Đặc biệt, hai trong số các tác phẩm tham dự Liên hoan phim tài liệu sinh viên lần thứ nhất, năm 2024 đã xuất sắc đoạt giải Bạc (tác phẩm Cuộc gọi 911 - hạng mục Phóng sự) và giải Khuyến khích (tác phẩm Nội Mai - hạng mục Phim tài liệu) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42.
Thái Nguyên – Mỹ Đình