Thể thao: Tư duy của nhà vô địch
Có môn thể thao nào mà bạn luôn cho rằng mình chơi kém không? Chà, có thể đúng là vậy, nhưng cũng có thể không phải vậy. Bạn không thể biết rõ năng lực của mình nếu chưa nỗ lực. Một số vận động viên xuất sắc trên thế giới khi bắt đầu sự nghiệp cũng chưa thể nổi tiếng ngay. Nếu bạn có niềm đam mê đối với môn thể thao nào đó, hãy đầu tư công sức và rồi bạn sẽ thấy kết quả.
Đôi khi tài năng đặc biệt lại là một lời nguyền tai hại. Những vận động viên tài năng có thể bị vướng trong tư duy cố định và không xử lý hiệu quả tình huống khó khăn. Có môn thể thao nào mà bạn có thể chơi một cách dễ dàng trước đó nhưng rồi gặp phải cản trở không? Hãy thử nhìn nhận sự việc theo tư duy phát triển và quay trở lại thử sức với môn đó một lần nữa.
“Tính kỷ luật” là một khái niệm quan trọng trong thể thao, và nó xuất phát từ tư duy phát triển. Hãy nghĩ về những khi bạn cần phải kiên trì nỗ lực trong những trận đấu khó khăn. Hãy nghĩ về những nhà vô địch có tư duy phát triển được đề cập tới và cách xử lý của họ. Bạn có thể làm gì trong các trường hợp về sau để bảo đảm rằng bạn vẫn duy trì tư duy phát triển trong hoàn cảnh khó khăn?
Chinh phục một môn thể thao là vượt qua giới hạn của bản thẩn. Ảnh: The Time.
Các vận động viên có tư duy phát triển tìm thấy thành công trong quá trình học hỏi và tiến bộ chứ không chỉ ở những khoảnh khắc chiến thắng. Bạn càng làm như thế, thể thao sẽ càng có lợi cho bạn - và cho những người chơi cùng bạn!
Kinh doanh, tư duy và lãnh đạo
Bạn làm việc ở một nơi có tư duy cố định hay tư duy phát triển? Bạn cảm thấy mọi người chỉ phán xét bạn hay giúp bạn tiến bộ? Có thể bạn nên thử biến nơi đó thành một nơi có tư duy phát triển hơn, bắt đầu từ chính bạn. Bạn có thể dùng các biện pháp nào để khiến mình bớt bảo thủ với những sai sót của bản thân? Bạn có thể hưởng lợi hơn từ những thông tin phản hồi bạn nhận được hay không? Bạn có thể dùng những cách nào để tạo ra thêm nhiều cơ hội học hỏi cho mình?
Bạn cư xử với người khác ra sao ở nơi làm việc? Bạn có phải là một ông chủ có tư duy cố định, tập trung vào quyền lực cá nhân hơn là vào sự phát triển của nhân viên? Bạn có bao giờ tái khẳng định vị thế của mình bằng cách hạ thấp người khác? Bạn có bao giờ tìm cách kiềm chế những nhân viên giỏi vì họ đe dọa tới bạn?
Bạn hãy suy nghĩ về những cách giúp nhân viên tiến bộ hơn trong công việc: Tổ chức học việc? Hội thảo? Các buổi hướng dẫn? Hãy tìm cách nhìn nhận và đối xử với nhân viên như những đồng nghiệp, như một nhóm của bạn. Hãy liệt kê một danh sách các chiến lược thực hiện và thử áp dụng chúng. Bạn hãy làm việc này ngay cả khi cho rằng mình là một ông chủ có tư duy phát triển. Sự hỗ trợ được đặt đúng chỗ và những thông tin phản hồi giúp ích cho sự tiến bộ không bao giờ là thừa.
Nếu bạn điều hành một công ty, hãy nhìn nhận nó từ khía cạnh tư duy. Bạn có cần phải làm như Lou Gerstner không? Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về những biện pháp giúp loại bỏ tận gốc cơ chế đặc quyền đặc lợi và xây dựng nên một nền văn hóa tự đánh giá bản thân, giao tiếp cởi mở, và có tinh thần hợp tác. Hãy đọc cuốn sách tuyệt vời của Gerstner: Who says Elephants Can’t Dance (Ai nói voi không thể khiêu vũ?) để biết nền văn hóa đó đã được tạo ra như thế nào.
Nơi làm việc của bạn có khuyến khích tư duy nhóm không? Nếu có thì toàn bộ quá trình ra quyết định của công ty bạn đang gặp rắc rối đấy. Hãy tìm ra các cách khuyến khích các quan điểm khác nhau và các phê bình mang tính xây dựng. Hãy cử người đóng vai trò phản biện, tiếp nhận những quan điểm trái chiều để có thể nhận ra những lỗ hổng trong lập trường của mình. Hãy đưa mọi người tham gia vào các cuộc tranh luận về các khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Hãy lập ra một hòm thư góp ý ẩn danh và yêu cầu mọi nhân viên phải tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình ra quyết định. Nên nhớ, mọi người vừa có thể suy nghĩ độc lập lại vừa tham gia làm việc nhóm cùng một lúc. Hãy giúp họ hoàn thành cả hai vai trò trên.
Carol S. Dweck/Alpha Books-NXB Lao động - Xã hội