Khi tiền đạo U-23 Việt Nam không ghi bàn…

Khi tiền đạo U-23 Việt Nam không ghi bàn…
8 giờ trướcBài gốc
Trong lúc hàng công của U-23 Việt Nam sứt mẻ vì chấn thương và phong độ không ổn định, HLV Kim Sang-sik đối diện bài toán không dễ giải là làm thế nào để tối ưu hóa sức mạnh tấn công mà không thể phụ thuộc vào các tiền đạo.
Những thử nghiệm chiến thuật
Trước khi bước vào giải đấu tại Indonesia, ông thầy người Hàn Quốc đã phải đối mặt với liên tiếp những mất mát về nhân sự. Tiền đạo Bùi Vĩ Hào chấn thương dài hạn. Tiền đạo Việt kiều Alex Bùi được kỳ vọng bổ sung chất lượng ngoại lại không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và bị loại. Và ngay khi sang Indonesia, Nguyễn Thanh Nhàn, mũi công giàu tốc độ và kinh nghiệm, cũng phải chia tay vì chấn thương.
Với việc mất đi ba phương án quan trọng ở hàng công, lựa chọn còn lại của ông Kim chỉ xoay quanh Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Đình Bắc và Nguyễn Ngọc Mỹ, những cái tên ở dạng tiềm năng.
HLV Kim Sang-sik xoay sở với hàng công khi vắng các trụ cột. Ảnh: CCT.
Trong trận đấu với Lào, ông Kim luân phiên thử nghiệm cả Quốc Việt và Đình Bắc ở vai trò cao nhất trên hàng công. Nhưng dấu ấn mà hai tiền đạo này để lại không đậm nét, khi cả hai không thể tạo ra sự kết nối vững chắc với tuyến dưới, cũng như chưa mang đến những tình huống dứt điểm nguy hiểm.
Vấn đề không chỉ nằm ở cá nhân từng cầu thủ, mà còn đến từ cách mà HLV Kim Sang-sik vận hành hệ thống chiến thuật. Trong phần lớn thời gian thi đấu, U-23 Việt Nam kiểm soát thế trận, nhưng các tình huống triển khai bóng ở 1/3 sân đối phương lại thiếu tính đột phá. Quốc Việt bị hạn chế bởi thể hình nhỏ con, nên thường xuyên thất thế trong các pha tranh chấp tay đôi với hậu vệ đối phương.
Trong khi đó, Đình Bắc tuy thể hiện khả năng giữ bóng và xoay trở tốt hơn, nhưng lại thường xuyên có xu hướng dạt trái, vị trí sở trường của anh, khiến khu vực trung lộ luôn thiếu người để tạo áp lực đủ lớn. Kết quả là cả ba bàn thắng của U-23 Việt Nam trong trận ra quân đều đến từ các tình huống cố định hoặc bóng bổng, và không có bàn nào được ghi bởi tiền đạo.
Đình Bắc chưa khai hỏa dù gặp đội yếu hơn U-23 Lào. Ảnh: CCT.
Chỉnh lại thước ngắm
Nhận thấy hàng công không hoạt động hiệu quả, ông Kim đã đưa ra những điều chỉnh đáng chú ý trong hiệp hai. Ở giai đoạn cuối trận, ông đẩy Nguyễn Văn Trường, vốn là tiền vệ trung tâm lên cao hơn. Với kỹ thuật tốt, khả năng giữ bóng và dứt điểm từ xa ổn định, Văn Trường đã tạo ra không ít tình huống sóng gió trước cầu môn U-23 Lào.
Việc sử dụng tiền vệ làm trung phong không phải là mới, nhưng trong trường hợp U-23 Việt Nam, đây là giải pháp tình thế buộc phải dùng khi không có ai thực sự gánh vác vai trò trung phong cổ điển. Bên cạnh đó, Khuất Văn Khang cũng được kéo ra biên trái nhiều hơn, nơi anh có thể phát huy những đường tạt chân trái hiểm hóc.
Cánh trái của U-23 Việt Nam trở nên sinh động hơn khi có thêm sự hỗ trợ từ Lê Viktor, cầu thủ Việt kiều có thể hình lý tưởng và khả năng hoạt động rộng. Điều này giúp Đình Bắc di chuyển vào trung lộ nhiều hơn, gián tiếp giúp anh làm quen với vai trò trung phong, điều mà ban huấn luyện đang kỳ vọng.
Thầy Hàn sẽ tiếp tục thử nghiệm ở trận gặp Campuchia để tìm ra đáp án tốt nhất trên hàng công. Ảnh: CCT.
Ngoài ra, tiền đạo Nguyễn Ngọc Mỹ cũng được tung vào sân ở phút 76. Dù chưa để lại dấu ấn cụ thể, nhưng việc trao cơ hội cho cầu thủ này cho thấy ông Kim đang dần xoay tua, thử nghiệm mọi nhân tố nhằm tìm ra công thức tối ưu.
Trận gặp U-23 Campuchia lúc 20 giờ, ngày 22-7, ông Kim nhiều khả năng sẽ tiếp tục thử nghiệm đội hình U-23 Việt Nam, đặc biệt trên hàng công để tìm ra những đáp án tối ưu nhất. U-23 Campuchia được đánh giá là nhỉnh hơn Lào về tổ chức và khả năng chơi bóng, nhưng vẫn là đối thủ dưới cơ. Vì thế, ông thầy Hàn có thể tiếp tục sử dụng sơ đồ không tiền đạo cắm, hoặc bố trí sơ đồ hai tiền đạo để tận dụng khả năng lên bóng nhanh.
Trận cuối vòng bảng chỉ cần hòa là chắc chắn vào bán kết, cũng là một cơ hội quý giá để Đình Bắc, Quốc Việt hay Ngọc Mỹ ghi điểm trong mắt ban huấn luyện. Không chỉ ghi bàn, họ cần phải cho thấy khả năng liên kết với tuyến giữa, khả năng di chuyển không bóng và chịu được áp lực trong vòng cấm đối phương, những phẩm chất bắt buộc với bất kỳ trung phong hiện đại nào.
Các tiền vệ năng nổ cũng là giải pháp cho nhiệm vụ ghi bàn. Ảnh: CCT.
Giải U-23 Đông Nam Á có thể không phải là sân chơi có tính cạnh tranh khốc liệt như vòng loại châu Á hay SEA Games, nhưng đây là cơ hội quý giá để hoàn thiện đội hình và lối chơi. Khi bước vào vòng bán kết, hoặc trận chung kết, U-23 Việt Nam sẽ phải đối đầu với những đội bóng mạnh hơn như Philippines, Thái Lan, Indonesia, nơi mà sự sắc bén trong tấn công và hiệu quả của tiền đạo sẽ trở thành yếu tố quyết định thắng bại.
Hàng tiền đạo chưa hoàn chỉnh của U-23 Việt Nam cũng là nơi mở ra cơ hội cho những cá nhân biết vượt lên và tỏa sáng. Trong hành trình đi tìm một tay săn bàn đích thực, sự linh hoạt chiến thuật và tinh thần không buông xuôi là thứ giúp thầy trò HLV Kim Sang-sik vượt qua khó khăn, trước khi bước vào giai đoạn quyết định.
ANH NHẬT
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/khi-tien-dao-u-23-viet-nam-khong-ghi-ban-post861671.html