Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Porto Alegre, Rio Grande do Sul, Brazil, ngày 3/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Từ những ngôi nhà ven biển bị nhấn chìm vì nước biển dâng cao và bão tố dữ dội, đến những trận mưa xối xả trút xuống các đô thị bê tông hóa, và cả hiện tượng băng tan nhanh chóng khiến các dòng sông vỡ bờ, lũ lụt đã gây ra những hậu quả tàn khốc trên toàn cầu.
Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi hàng nghìn tài sản như ô tô, nhà cửa và đồ dùng cá nhân bị hư hỏng nặng nề, gây thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD. Những hình ảnh về cuộc sống bị đảo lộn bởi lũ lụt đã trở nên quen thuộc: người dân sơ tán bằng mọi phương tiện có thể, từ thuyền bè, bồn tắm đến những chiếc phao cứu sinh tự chế; họ cố gắng cứu vớt tài sản, dọn dẹp bùn đất và phơi khô những cuốn sách ướt sũng. Đối với nhiều người, lũ lụt không chỉ để lại những tổn thất vật chất mà còn là những vết thương tinh thần khó phai, thậm chí họ có thể phải mất nhiều năm để trở về cuộc sống bình thường.
Trước những thảm cảnh này, các nhà khoa học khí hậu từ tổ chức World Weather Attribution đã tiến hành nghiên cứu để làm rõ mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy trong 15/16 sự kiện mưa lớn cực đoan trên khắp thế giới được phân tích, các nhà khoa học nhận thấy biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa trở nên nhiều hơn và kéo dài hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự đoán trước đó của các nhà khoa học: khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên, không khí chứa nhiều hơi nước hơn, dẫn đến lượng mưa tăng. Ngoài ra, năm 2024 được dự đoán sẽ là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua và sẽ là năm đầu tiên mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện nhiệt độ của Trái Đất đã cao hơn khoảng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khiến lượng mưa trên toàn cầu tăng khoảng 10%. Với lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2024, những thay đổi này sẽ có tác động lâu dài đối với các kiểu thời tiết trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng không chỉ biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Các yếu tố khác như quy hoạch đô thị, hệ thống thoát nước, và công tác cảnh báo sớm cũng đóng vai trò quan trọng.
Để ứng phó với tình hình này, các chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, như xây dựng hệ thống phòng chống lũ, nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro thiên tai, và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ các cộng đồng trong tương lai.
Linh Tô (TTXVN)