Trồng cây tại Bắc Cực sẽ gây hại nhiều hơn cho Trái đất

Trồng cây tại Bắc Cực sẽ gây hại nhiều hơn cho Trái đất
2 ngày trướcBài gốc
Biến đổi khí hậu làm xanh hóa Greenland
Trên thế giới, việc trồng nhiều cây hơn thường được hiểu là lưu trữ nhiều carbon hơn và giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đó là suy tính đằng sau các đề xuất gần đây về việc trồng nhiều cây hơn ở Alaska, Greenland và Iceland.
Nhưng gần đây, Giáo sư Địa lý Vật lý Marc Macias-Fauria đến từ Đại học Cambridge và Trợ lý giáo sư về Sinh thái Thay đổi Toàn cầu Jeppe Aagaard Kristensen từ Đại học Aarhus đã công bố một bài báo trên tạp chí Nature Geoscience. Trong đó, họ lập luận rằng việc trồng cây không phải là giải pháp khí hậu ở các khu vực vĩ độ cao phía bắc. Trên thực tế, nó gây hại nhiều hơn là có lợi.
Trồng cây cần tính đến 'albedo'
Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tất nhiên là phải giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Tuy nhiên, các thành phần khác của hệ thống Trái đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xem bất kỳ sự can thiệp nào sẽ khiến hành tinh ấm lên nhiều hơn hay ít hơn.
Một thành phần như vậy được gọi là "albedo". Đây là khái niệm đề cập đến lượng bức xạ mặt trời được bề mặt hành tinh của chúng ta phản xạ trở lại không gian. Ở các vĩ độ cao phía bắc, tuyết phủ kín mặt đất trong nhiều tháng mỗi năm. Tuyết có màu trắng, khiến nó phản xạ lại ra không gian vũ trụ khoảng ba phần tư năng lượng mặt trời chiếu vào khi phủ lên lãnh nguyên. Do đó, tuyết có albedo cao.
Cây cối và thảm thực vật cao nhô ra khỏi lớp tuyết phủ và làm tối bề mặt Trái đất, dẫn đến giảm suất phản chiếu của bề mặt xuống mức trung bình dưới 50% so với khi bị tuyết phủ, đồng thời khiến tuyết tan nhiều hơn. Ở cực bắc, “hiệu ứng làm ấm do suất phản chiếu thấp hơn của cây cối” lại lớn hơn “hiệu ứng làm mát nhờ lưu trữ carbon mà cây cối lấy từ khí quyển bằng cách chuyển đổi CO₂ thành sinh khối”. Nghĩa là, khi tính cả suất phản chiếu và carbon mà cây cối có thể lấy ra khỏi khí quyển và lưu trữ, thì việc trồng cây ở cực bắc thực sự sẽ làm ấm khí hậu.
Carbon từ đất thải ra khí quyển
Nhưng vẫn còn nhiều hệ lụy hơn thế nữa. Carbon ở Bắc Cực chủ yếu nằm trong đất. Có nhiều carbon trong đất Bắc Cực hơn tất cả các loại cây trên Trái đất, gồm mọi khu rừng nhiệt đới ở vùng nhiệt đới gộp lại. Việc trồng cây ở Bắc Cực có thể khiến một số lượng carbon đó được giải phóng.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp tốt nhất trên lý thuyết là khi việc trồng cây không gây xáo trộn đất, thì cây trồng vẫn thải carbon do hoạt động từ bộ rễ của chúng. Rễ cung cấp cho các vi khuẩn gần đó điều kiện và năng lượng mà chúng cần để phân hủy các phần carbon vốn tích tụ trong đất hàng thiên niên kỷ.
Kết quả không thể tránh khỏi của một dự án trồng rừng ở Bắc Cực là thải ra một lượng lớn carbon từ đất vào khí quyển. Đó là một lượng đóng góp không thể chấp nhận được vào khí nhà kính trong khí quyển trong giai đoạn mà chúng ta cần giảm thiểu nhất.
Rừng ở cực bắc cũng có xu hướng bị xáo trộn bởi các yếu tố khác. Ví dụ, cháy rừng thiêu rụi một phần lớn rừng phương bắc, thậm chí gần như hoàn toàn sau mỗi vài chục năm hoặc nhiều thế kỷ. Và khi không bị cháy, côn trùng gây hại và thời tiết khắc nghiệt có xu hướng loại bỏ thảm cây theo định kỳ. Tất cả những rủi ro này đều gia tăng khi Bắc Cực ấm lên.
Các khu rừng được quản lý kỹ lưỡng có thể giảm thiểu rủi ro ở một mức độ nào đó, nhưng việc quản lý như vậy không khả thi ở các vùng xa xôi trên quy mô lớn. Do đó, cây mọc ở cực bắc không chỉ góp phần làm nóng lên thêm mà lượng carbon mà chúng lưu trữ cũng dễ bị tổn thương.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ngoài tác động của nó đến khí hậu, việc trồng rừng ở vĩ độ cao có thể gây hại cho đa dạng sinh học ở Bắc Cực và thách thức thói quen mưu sinh truyền thống của người bản địa như chăn tuần lộc và săn tuần lộc.
Chúng ta có thể tự lừa mình nhưng không thể lừa Trái đất
Vậy thì tại sao nhiều người lại hào hứng trồng cây ở Bắc Cực? Người dân địa phương có thể muốn đảm bảo nguồn cung cấp gỗ hoặc để giảm sự phụ thuộc của họ vào hàng nhập khẩu.
Nhưng những sáng kiến này không nên được bán như một giải pháp cho khí hậu. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến tín dụng carbon được giao dịch mà không có nhiều thẩm định, dọn đường cho nhiều ý tưởng được triển khai mặc dù chúng không giúp ích gì nhiều trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ lừa được chính bản thân chứ không lừa được hệ thống Trái đất. Bởi vậy, chúng ta cần phải khẩn trương cải thiện khả năng tính toán các tác động chung của các biện pháp can thiệp lên khí hậu và thoát khỏi cái gọi là "tầm nhìn đường hầm carbon".
Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp khí hậu khả thi dựa trên thiên nhiên ở Bắc Cực và các khu vực xung quanh. Ví dụ, quần thể bền vững của các loài động vật ăn cỏ lớn như tuần lộc hoặc trâu xạ hương thực sự có thể góp phần làm mát khí hậu.
Điều này có thể xảy ra trực tiếp, thông qua việc động vật ăn cỏ duy trì được khung cảnh ở vùng lãnh nguyên. Ngoài ra, thông qua tác động của động vật ăn cỏ kiếm ăn trong tuyết, làm giảm khả năng cách nhiệt của tuyết và giúp giảm nhiệt độ của đất (khiến vi khuẩn thải CO2 không dễ thức giấc). Động vật ăn cỏ lớn cũng làm giảm hậu quả mất mát do khí hậu gây ra đối với sự đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái Bắc Cực và vẫn là nguồn thức ăn cơ bản cho các cộng đồng địa phương.
Chúng ta vẫn chưa hiểu hết mọi thứ về cách những loài động vật lớn này ảnh hưởng đến hệ sinh thái của chúng, nhưng bằng chứng ủng hộ hiệu quả của chúng mạnh mẽ hơn nhiều so với các “sáng kiến” giảm thiểu khí hậu đang vận động được nhiều nguồn tài trợ. Tuy nhiên, cuối cùng, bất kỳ giải pháp dựa trên thiên nhiên nào cũng phải do người dân bản địa đảm trách vì họ là những người sống ở tuyến đầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Anh Tú
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/trong-cay-tai-bac-cuc-se-gay-hai-nhieu-hon-cho-trai-dat-227930.html