Khi trại hè không còn là ký ức đẹp, mà là 'vết thương' tuổi thơ

Khi trại hè không còn là ký ức đẹp, mà là 'vết thương' tuổi thơ
9 giờ trướcBài gốc
Trại hè, trong tâm trí nhiều bậc phụ huynh, là khoảng thời gian quý báu để con trẻ rèn luyện kỹ năng sống, trưởng thành trong môi trường độc lập và chan hòa cùng thiên nhiên. Thế nhưng, câu chuyện về “Làng Háo Hức”, một trại hè tổ chức tại Thái Nguyên với mức phí gần 10 triệu đồng/trẻ, lại trở thành tâm điểm của những tranh cãi dữ dội trong dư luận thời gian qua.
Từ những kỳ vọng về một hành trình trải nghiệm đáng nhớ, nhiều phụ huynh không giấu được sự phẫn nộ khi chứng kiến con mình trở về với tâm lý hoang mang, da nổi mẩn, cơ thể suy nhược, thậm chí có em nhịn đi vệ sinh suốt 8 ngày vì… nhà vệ sinh quá bẩn.
Những lời tố cáo về tình trạng cơ sở vật chất tồi tàn, thiếu chuyên môn chăm sóc, sự im lặng ban đầu từ ban tổ chức, rồi những lời giải thích thiếu thuyết phục sau đó, đã thổi bùng lên làn sóng tranh cãi về chất lượng thật sự của các chương trình "trại hè trải nghiệm" đang nở rộ hiện nay.
Phụ huynh 'tố' trại hè Làng Háo Hức: Trẻ bị bắt nạt, vệ sinh bẩn. Ảnh: Chụp màn hình
Câu chuyện "Làng Háo Hức" không chỉ là một vụ việc riêng lẻ, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho thị trường dịch vụ giáo dục trải nghiệm thiếu chuẩn mực, thiếu giám sát. Vậy đâu là giới hạn giữa "dạy trẻ vượt qua thử thách" và "đẩy trẻ vào môi trường phản giáo dục"? Làm sao để các trại hè thực sự trở thành nơi nuôi dưỡng kỹ năng và nhân cách, chứ không phải là vết thương tâm lý kéo dài?
Trở thành một "lỗ hổng" đáng sợ
Trại hè, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, vẫn luôn là một cánh cửa mở ra thế giới tự lập đầu đời cho trẻ em, nơi các em được học kỹ năng sống, trải nghiệm môi trường mới, kết nối bạn bè và hình thành sự trưởng thành từ những điều nhỏ nhặt.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại trại hè "Làng Háo Hức" những ngày qua cho thấy một thực tế: khi những giá trị giáo dục bị lãng quên trong guồng quay của thương mại hóa, trại hè có thể trở thành nỗi ám ảnh thay vì kỷ niệm đẹp với trẻ nhỏ.
Trại hè vốn là một mô hình giáo dục mở, được thiết kế nhằm bổ trợ cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ảnh: Chụp màn hình
TS. Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Liên ngành (Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển bền vững), cho hay trại hè vốn là một mô hình giáo dục mở, được thiết kế nhằm bổ trợ cho trẻ em và thanh thiếu niên các kỹ năng sống trong một môi trường an toàn, có sự hướng dẫn chuyên nghiệp và kiểm soát chặt chẽ.
Khi vận hành đúng, đây sẽ là nơi nuôi dưỡng lòng tự tin, kỹ năng thích nghi và tinh thần cộng đồng ở trẻ. Nhưng ngược lại, khi thiếu chuẩn mực, trại hè lại trở thành một "lỗ hổng" đáng sợ trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.
Giai đoạn từ 6 đến 15 tuổi là thời điểm trẻ đang hoàn thiện nền tảng tâm lý, cảm xúc và nhân cách. Ảnh: Chụp màn hình
Ông cảnh báo rằng, giai đoạn từ 6 đến 15 tuổi là thời điểm trẻ đang hoàn thiện nền tảng tâm lý, cảm xúc và nhân cách. Những trải nghiệm trong thời gian này có tác động sâu sắc và lâu dài đến cách trẻ hình thành niềm tin vào bản thân, thế giới xung quanh và các mối quan hệ xã hội.
Một trại hè thiếu an toàn, nơi trẻ bị bỏ mặc hoặc chịu đựng những trải nghiệm tiêu cực như bị bắt nạt, thiếu chăm sóc, không được bảo vệ, có thể để lại hệ quả nghiêm trọng, từ rối loạn lo âu, mất hứng thú học tập, cho tới giảm lòng tự trọng, thu mình hoặc thậm chí là biểu hiện các hành vi cực đoan.
Tình trạng thương mại hóa trại hè, theo Ts. Quang, đang là một vấn đề nhức nhối.. Ảnh: Chụp màn hình
Tình trạng thương mại hóa trại hè, theo Ts. Quang, đang là một vấn đề nhức nhối. Nhiều đơn vị tổ chức ngoài công lập phát triển các chương trình tràn lan, quảng bá hào nhoáng nhưng thiếu sự kiểm định về nội dung, cơ sở vật chất và nhân sự chuyên môn.
Có nơi tuyển hàng trăm trẻ nhưng không đảm bảo tỷ lệ giám sát hợp lý, không có đội ngũ tâm lý hoặc nhân viên y tế túc trực, không rõ ràng về quy trình xử lý khẩn cấp. Trong môi trường như vậy, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể biến thành hệ quả lớn, đặc biệt nếu phụ huynh và cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện.
Một điểm đáng lo ngại khác là việc thiếu hỗ trợ tâm lý cho trẻ trong suốt thời gian tham gia trại hè. Nhiều chương trình cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, sử dụng người quản lý thiếu chuyên môn sư phạm hoặc không hiểu tâm lý trẻ em, dẫn tới tình trạng trẻ bị áp đặt, la mắng, hoặc bỏ mặc khi có dấu hiệu bất thường. Những cảm xúc tiêu cực không được giải tỏa, nếu tích tụ, có thể gây sang chấn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách.
Để chọn một trại hè thực sự an toàn và phù hợp cho con?
Vậy làm thế nào để chọn một trại hè thực sự an toàn và phù hợp cho con? TS. Quang cho rằng, điều đầu tiên là phụ huynh phải tỉnh táo và chủ động. Cần kiểm tra kỹ về tính pháp lý và uy tín của đơn vị tổ chức, xem xét chương trình có phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của trẻ hay không.
Một chương trình trại hè nghiêm túc cần đảm bảo tỷ lệ nhân sự phù hợp, lý tưởng là 1 người quản lý cho mỗi 7 trẻ dưới 12 tuổi, hoặc 1 người trên 10 trẻ với nhóm từ 12 đến 16 tuổi. Cơ sở vật chất phải đạt chuẩn, có quy trình ứng phó khẩn cấp rõ ràng, có đội ngũ y tế và hỗ trợ tâm lý túc trực thường xuyên.
TS. Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Liên ngành (Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển bền vững)
Ông cũng khuyến nghị phụ huynh nên ưu tiên những trại hè gần nhà cho trẻ nhỏ hoặc lần đầu tham gia, để thuận tiện trong giám sát, xử lý tình huống khi cần thiết. Với những trẻ đã lớn hơn, có kinh nghiệm tự lập, có thể cân nhắc các chương trình ở xa để mở rộng không gian trải nghiệm. Tuy nhiên, việc giám sát cũng cần cân bằng, không nên kiểm soát bằng cách liên lạc dồn dập khiến trẻ mất đi cảm giác tự chủ, mà nên giữ kết nối vừa đủ để lắng nghe và hỗ trợ khi cần.
Ông nhấn mạnh rằng: trại hè là một hoạt động ý nghĩa, nhưng chỉ khi được tổ chức bằng tâm thế giáo dục, không phải theo logic thị trường đơn thuần. "Chúng ta cần một cơ chế giám sát hiệu quả hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phụ huynh và truyền thông cũng phải đóng vai trò phản biện, theo dõi và lên tiếng kịp thời. Đừng để những kỳ nghỉ hè đáng nhớ của con trẻ trở thành nỗi sợ hãi kéo dài chỉ vì sự tắc trách, buông lỏng của người lớn", TS. Quang nói.
Một trại hè đúng nghĩa phải là...
Theo ThS. Nguyễn Khánh Chi, chuyên gia giáo dục, Giám đốc đào tạo Trung tâm Glink Academy, một trại hè đúng nghĩa phải là nơi trẻ cảm thấy an toàn, được tôn trọng và phát triển cân bằng cả về thân, tâm và trí.
Tuy nhiên, không ít nơi hiện nay đang đánh đổi chất lượng bằng các chiêu trò quảng bá, thu hút số lượng lớn học sinh, nhưng thiếu đầu tư về chuyên môn, nhân sự và hệ thống bảo vệ an toàn cho trẻ.
Không ít nơi hiện nay đang đánh đổi chất lượng bằng các chiêu trò quảng bá, thu hút số lượng lớn học sinh... Ảnh: Chụp màn hình
"Trại hè vốn là không gian lý tưởng để trẻ rèn luyện kỹ năng sống, phát triển tính tự lập và trưởng thành thông qua trải nghiệm thực tế. Nhưng nếu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, quá thiên về thương mại thì rất dễ nảy sinh rủi ro", bà Chi nói.
Những rủi ro này, theo bà, có thể đến từ việc thiếu đội ngũ giám sát có chuyên môn, thiếu chuyên gia tâm lý, thiếu nhân viên y tế, chương trình hoạt động không phù hợp với độ tuổi, hoặc điều kiện vệ sinh - an toàn thực phẩm không đảm bảo. "Những điều tưởng chừng nhỏ đó, khi cộng dồn, có thể để lại hậu quả lớn cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ".
Với trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15, những trải nghiệm tiêu cực tại môi trường tập thể, như bị bắt nạt, cô lập, hoặc đơn giản là bị lãng quên, đều có thể khắc sâu thành nỗi sợ hãi lâu dài.
"Chỉ cần một lần trẻ cảm thấy mình không được ai bảo vệ hay thấu hiểu, là có thể khiến trẻ mất tự tin, thu mình, và ngại kết nối với người khác. Nếu không được phát hiện, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời, tổn thương tâm lý có thể để lại vết hằn trong nhiều năm", bà Chi nhấn mạnh.
Bốn tiêu chí nền tảng mà bất kỳ chương trình trại hè nào cũng cần có: Tâm - tầm - tín - trình. Ảnh: Chụp màn hình
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc với trẻ em và phụ huynh, ThS. Chi đề xuất bốn tiêu chí nền tảng mà bất kỳ chương trình trại hè nào cũng cần có: Tâm - tầm - tín - trình.
Trong đó, tâm: Người tổ chức cần xuất phát từ tình yêu thương và hiểu tâm lý trẻ, không đơn thuần chỉ là kinh nghiệm quản lý. Tầm: Phải bố trí số lượng người phụ trách phù hợp, đảm bảo quan sát và chăm sóc sát sao từng em. Tín: Minh bạch với phụ huynh về mọi vấn đề, từ nơi ăn ở, thực phẩm, phương tiện di chuyển đến phương thức chăm sóc và xử lý tình huống. Trình: Thiết kế chương trình rõ ràng, khoa học, phù hợp từng độ tuổi, tạo hứng thú cho trẻ nhưng không quá tải hay gây sợ hãi.
ThS. Nguyễn Khánh Chi, chuyên gia giáo dục, Giám đốc đào tạo Trung tâm Glink Academy,
Một chương trình tốt, theo bà, không nhất thiết phải kéo dài cả tháng hay tổ chức ở nơi xa xôi. "Với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể bắt đầu bằng những trại ngắn ngày, gần nhà, để con dần thích nghi. Trẻ cần được rèn tính tự lập, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bị bỏ mặc".
Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản như chăm sóc bản thân, giữ khoảng cách an toàn, lên tiếng khi không ổn và dám nói "Không" khi đối mặt với tình huống nguy hiểm. Ảnh: Chụp màn hình
Cũng theo ThS. Chi, vai trò của cha mẹ trong quá trình chuẩn bị là rất quan trọng. Phụ huynh nên trò chuyện và tôn trọng quan điểm của con về việc có tham gia hay không.
Đồng thời, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản như chăm sóc bản thân, giữ khoảng cách an toàn, lên tiếng khi không ổn và dám nói "Không" khi đối mặt với tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ con chuẩn bị đồ dùng cá nhân, tập làm quen với môi trường mới, cũng là bước giúp trẻ thêm tự tin.
"Một trại hè tốt không chỉ là nơi giúp trẻ vui chơi, học kỹ năng, mà còn là không gian nuôi dưỡng tinh thần. Chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận việc những tuổi thơ non nớt bị biến thành phép thử cho sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của người lớn", ThS Nguyễn Khánh Chi nói.
MC Minh Trang lên tiếng xin lỗi sau vụ việc trại hè "Làng Háo Hức"
Sau loạt phản ánh tiêu cực liên quan đến điều kiện sinh hoạt và sự cố tại trại hè "Làng Háo Hức", MC Minh Trang, người sáng lập mô hình này, đã chính thức đăng bài xin lỗi trên mạng xã hội. Cô thừa nhận những trải nghiệm chưa trọn vẹn mà một số trẻ và gia đình gặp phải, đồng thời gửi lời xin lỗi trực tiếp đến các phụ huynh và trại sinh bị ảnh hưởng.
“Tôi xin lỗi vì những căng thẳng, hiểu lầm không đáng có trong quá trình tiếp nhận và xử lý phản hồi”, nữ MC viết, đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để cải thiện chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Vụ việc bùng nổ khi một phụ huynh lên tiếng tố cáo điều kiện vệ sinh tồi tệ tại khu trại như: nhà vệ sinh bẩn khiến con trai phải nhịn suốt 8 ngày, bị bạn khác bắt nạt, nơi ngủ thiếu chăn đệm, bể bơi có bọ gậy, muỗi nhiều, màn bị thủng. Mức phí cho kỳ trại kéo dài 7 ngày lên tới gần 10 triệu đồng.
Lời xin lỗi của MC Minh Trang nhanh chóng thu hút hơn 3.000 lượt thích và hàng nghìn bình luận. Dù có người ghi nhận tinh thần cầu thị, nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng lời giải thích còn “vòng vo” và chưa đi thẳng vào vấn đề.
"Làng Háo Hức" được thành lập từ năm 2019, nhận trẻ từ 5 - 15 tuổi tham gia các kỳ trại thiên nhiên kéo dài từ 3 đến 8 ngày tại Thái Nguyên. MC Minh Trang, gương mặt quen thuộc của VTV, từng gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam với dự án “Hộp Háo Hức”, hiện là người điều hành mô hình này.
Hà Sang
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/khi-trai-he-khong-con-la-ky-uc-dep-ma-la-vet-thuong-tuoi-tho-c8a100301.html