Các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thử thách lớn trong năm nay. Ảnh AFP
Hơn một phần năm lượng dầu lọc của quốc gia này được xử lý bởi các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân, phần lớn trong số họ đặt tại tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc. Những nhà máy lọc dầu độc lập này, được gọi là “teapot” (bình trà), nổi tiếng với quy trình hoạt động khéo léo trong điều kiện biên lợi nhuận mỏng. Tuy nhiên, một số có thể đang đứng trước ngưỡng cửa khủng hoảng, khi không một thủ thuật nào có thể giúp họ duy trì lợi nhuận.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và các nhà máy lọc dầu độc lập đóng vai trò then chốt trong một thị trường đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu suốt hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, ba công ty ở Sơn Đông đã tuyên bố phá sản vào cuối năm ngoái và dự báo sẽ có nhiều công ty khác cũng gặp phải số phận tương tự.
“Trong năm nay, tình trạng thừa nguồn cung trong thị trường dầu mỏ Trung Quốc sẽ còn gia tăng”, Mia Geng, một nhà phân tích tại công ty tư vấn ngành FGE cho biết. “Chúng ta có thể sẽ thấy thêm nhiều nhà máy teapot phải đóng cửa, cả tạm thời lẫn vĩnh viễn”.
Các nhà máy lọc dầu "teapot" ở Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn lớn do nền kinh tế nước này đang chậm lại và ưu tiên phát triển xanh. Lý do chủ chốt là sự gia tăng của xe điện, khiến nhu cầu đối với các nhiên liệu mà các nhà máy lọc dầu này sản xuất, như xăng và diesel, ngày càng thu hẹp. Những hạn chế tài chính cũng khiến các chính quyền địa phương không còn sẵn sàng bảo vệ các nhà máy này khỏi trách nhiệm thuế. Bên cạnh đó, các hạn chế chặt chẽ hơn đối với dầu giá rẻ từ các quốc gia bị trừng phạt như Nga và Iran cũng đang làm cạn kiệt nguồn cung của các nhà máy lọc dầu này.
Nỗ lực của Trung Quốc trong việc chuyển hướng tăng trưởng kinh tế khỏi các ngành công nghiệp "khói" đã khiến các nhà máy lọc dầu phải đối mặt với hạn ngạch công suất quốc gia 1 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2025. Một số cơ sở lọc dầu siêu hiệu quả và tích hợp như nhà máy Shandong Yulong Petrochemical Co. (mới đi vào hoạt động vào tháng 9) đã được ưu tiên, điều này đồng nghĩa những nhà máy quy mô nhỏ và ít lợi nhuận sẽ phải chịu thiệt hại khi thực hiện mục tiêu này. Các nhà máy lọc dầu cũ, đặc biệt là những nhà máy "teapot" ở Sơn Đông, đang đứng đầu trong danh sách các cơ sở phải đóng cửa.
Các nhà nghiên cứu tại Sinopec, công ty lọc dầu lớn nhất của Trung Quốc, cho biết việc hợp nhất ngành có thể sẽ buộc phải đóng cửa từ 6 triệu đến 10 triệu tấn công suất toàn quốc trong năm nay, theo một bài thuyết trình tại Bắc Kinh vào tháng trước. Trước đó, công ty Energy Aspects Ltd. có trụ sở tại London đã đưa ra con số này là 15 triệu tấn, và gọi năm 2025 là “thời điểm tự nhiên để gây áp lực lên các nhà máy teapot”.
Thuế và áp lực chính sách
Các chỉ thị của chính phủ về hiệu quả năng lượng bao gồm việc đóng cửa các đơn vị chưng cất dầu thô nhỏ, bước đầu tiên trong quá trình lọc dầu vào năm nay. Khoảng 9 triệu tấn công suất tính riêng tại Sơn Đông đáp ứng ngưỡng này, theo Wang Yanting, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Trung Quốc JLC.
Nhu cầu của Bắc Kinh trong việc mở rộng thuế cũng có ảnh hưởng đến một ngành công nghiệp nổi tiếng với việc né tránh nghĩa vụ thuế. Khoảng 40% lượng xăng và diesel được bán bởi các nhà máy teapot đã không được đánh thuế đúng cách trong năm ngoái, theo nghiên cứu từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất nước này.
Vào tháng 9, chính phủ Sơn Đông đã thông báo về việc yêu cầu các nhà máy teapot hoàn lại một số khoản giảm thuế cho các lô nhập khẩu dầu nhiên liệu, theo những người quen thuộc với vấn đề này. Dầu nhiên liệu là lựa chọn thay thế cho các nhà máy nhỏ không được hưởng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô của chính phủ, và chiếm khoảng 10% nguyên liệu đầu vào được sử dụng bởi các nhà máy teapot, theo Mysteel OilChem.
Chính phủ Sơn Đông không phản hồi các yêu cầu phỏng vấn, vì vậy chưa rõ liệu yêu cầu này có trở thành quy định hay không và có bao nhiêu công ty tuân thủ. Tuy nhiên, sự chú ý vào vấn đề thuế là một dấu hiệu lo ngại, vì tỉnh này, vốn phụ thuộc vào ngành lọc dầu để tạo việc làm và sản lượng kinh tế, thường khá khoan nhượng đối với các nhà máy teapot. Bên cạnh đó, việc kiểm soát thuế chặt chẽ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều công ty, khiến họ rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trên thực tế, ba doanh nghiệp đã phá sản vào năm ngoái, với công suất khoảng 17 triệu tấn, vì tuân thủ thuế và từ chối sử dụng dầu bị trừng phạt, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Các nhà máy teapot phụ thuộc vào dầu thô giá rẻ từ Iran và tiếp nhận khoảng 90% lượng xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng và dòng chảy dầu bắt đầu giảm kể từ khi Mỹ mở rộng các lệnh trừng phạt vào tháng 10 đối với các tàu vận chuyển dầu giữa Iran và Trung Quốc.
Đây là một diễn biến chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chính quyền Trump áp dụng chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Iran. Bắc Kinh có thể "sẵn sàng hy sinh các nhà máy teapot để chống lại Trump bằng cách siết chặt nhập khẩu dầu Iran", theo Energy Aspects.
Các nhà máy teapot hiện đang hoạt động ở mức công suất 55% hoặc thấp hơn, theo Mysteel OilChem, và có thể sẽ giảm sản lượng thêm nữa, hoặc tạm ngừng nhà máy để bảo trì, nhằm đối phó với tình trạng thu hẹp biên lợi nhuận.
Các giám đốc điều hành và thương nhân trong ngành cho biết một số công ty sẽ khó tồn tại nếu không có các ưu đãi thuế và khả năng tiếp cận dầu bị trừng phạt với giá chiết khấu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sắp tới sẽ là thử thách đối với hy vọng về sự phục hồi của thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay, mặc dù các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong khu vực.
Anh Thư
AFP