Khi 'tứ trụ' Kpop lao đao: Mặt tối quyền lực đang đe dọa tương lai của cả một đế chế

Khi 'tứ trụ' Kpop lao đao: Mặt tối quyền lực đang đe dọa tương lai của cả một đế chế
12 giờ trướcBài gốc
Khi thế giới đang chờ đón màn trở lại bùng nổ của BTS và BLACKPINK - hai biểu tượng toàn cầu của làn sóng Hallyu, ngành công nghiệp Kpop tưởng chừng đang trên đà phục hưng sau giai đoạn trầm lắng vì đại dịch và xáo trộn nội bộ. Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ ấy là những vụ kiện tụng, điều tra tài chính và bê bối ngày càng dày đặc không phải từ nghệ sĩ, mà đến từ chính những người cầm lái.
Ba trong số bốn công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc là HYBE, YG và SM hiện đều có lãnh đạo cấp cao vướng vào vòng lao lý hoặc bê bối pháp lý. Trong khi các nghệ sĩ không ngừng nâng tầm Kpop trên trường quốc tế, thì những "ông trùm" của họ lại đang kéo ngành đi ngược dòng.
Bang Si Hyuk: 'Kiến trúc sư' Kpop và cuộc điều tra lịch sử
Bang Si Hyuk - nhà sáng lập HYBE và được ví như "ông tổ" tái định nghĩa Kpop bằng BTS đang đối mặt với cuộc điều tra có thể làm rung chuyển toàn ngành. Theo đó, ông bị nghi ngờ gian lận trong quá trình chuẩn bị IPO của HYBE, khi còn mang tên Big Hit Entertainment.
Cáo buộc cho rằng Bang Si Hyuk đã đánh lừa các nhà đầu tư ban đầu bằng cách phủ nhận kế hoạch niêm yết, nhưng lại bí mật bán cổ phần cho một quỹ đầu tư có liên kết nội bộ tạo ra lợi nhuận lớn và gây thiệt hại cho những nhà đầu tư không được "đi guốc trong bụng ông lớn". Nếu được xác nhận, đây không chỉ là vụ gian lận tài chính cá nhân, mà là một vụ bê bối cấu trúc đe dọa lòng tin vào cả hệ sinh thái đầu tư vào công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Điều đáng nói là chính BTS đã đưa Big Hit Entertainment từ một công ty bên lề trở thành "kỳ lân" của Kpop, nhưng những gì diễn ra hậu hào quang đang đặt dấu hỏi lớn về đạo đức doanh nghiệp của HYBE.
Yang Hyun Suk: Huyền thoại YG và sự sụp đổ biểu tượng
Yang Hyun Suk từng được xem là "phù thủy tạo sao" của Kpop, người đứng sau thành công của BIG BANG, 2NE1 và BLACKPINK. Nhưng giờ đây, ông đang phải ra hầu tòa vì cáo buộc trốn thuế, cụ thể là nhập lậu hai chiếc đồng hồ xa xỉ từ Thụy Sĩ.
Tuy hành vi trên có vẻ nhỏ so với các scandal lớn, nhưng nó tiếp nối chuỗi bê bối dài của Yang: từ scandal ma túy liên quan đến nghệ sĩ YG, đến cáo buộc đe dọa nhân chứng. Hành vi nhập lậu, cùng lập luận rằng "tài trợ quà tặng là thông lệ ngành" chỉ càng cho thấy vấn đề về chuẩn mực đạo đức trong văn hóa quản lý tại YG. Một ông chủ coi thường pháp luật và biện minh bằng thứ văn hóa "quà cáp", sẽ tạo nên kiểu tổ chức ra sao? Với BLACKPINK tạm đóng băng hoạt động nhóm và tương lai của YG đang mất phương hướng, vụ kiện lần này là một cú đánh nữa vào niềm tin của công chúng vào một tượng đài từng được sùng kính.
SM Entertainment: Nơi nghệ sĩ nổi loạn và lãnh đạo bị kiện ngược
Nếu HYBE và YG là biểu hiện của quyền lực đang rạn nứt, thì SM lại là "chiến trường" nội bộ giữa nghệ sĩ và ban điều hành. Vụ kiện của bộ ba CBX (Chen, Baekhyun, Xiumin) chống lại đồng CEO Tak Young Jun và giám đốc A&R Lee Sung Soo phơi bày một thực tế nhức nhối: những hợp đồng nô lệ, thanh toán không minh bạch và sự áp đặt kiểu cũ vẫn tồn tại trong lòng một công ty vốn được xem là biểu tượng khai sáng Kpop hiện đại.
Dù tưởng như đã hòa giải, căng thẳng lại leo thang khi CBX tuyên bố SM không chia doanh thu solo hợp lý. Việc Baekhyun lập công ty riêng và SM phản pháo bằng kiện cáo dân sự lẫn hình sự cho thấy mối quan hệ giữa công ty và nghệ sĩ ngày càng biến chất từ cộng sinh thành đối đầu. Điều đáng báo động là khi những nghệ sĩ kỳ cựu buộc phải vùng lên để đòi lại công bằng, thì mô hình Kpop vốn lệ thuộc nặng nề vào hệ thống công ty chủ quản đang bị đặt lên bàn mổ.
Khi quyền lực không còn là bảo chứng
Điểm chung giữa các vụ việc nói trên là không ai trong số các ông lớn này bị "hạ bệ" bởi nghệ sĩ hay đối thủ quốc tế, mà bởi chính bản thân họ: tham vọng, sự thiếu minh bạch, và tư duy quyền lực kiểu cũ.
Từng người trong số họ là biểu tượng một thời: Bang Si Hyuk là nhà sáng tạo đột phá, Yang Hyun Suk là người khơi nguồn văn hóa hip hop cho Kpop, còn SM là "cái nôi" của thần tượng thế hệ đầu. Nhưng sự phát triển quá nhanh, cùng với việc không nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp, đang khiến họ trở thành điểm nghẽn cho sự trưởng thành tiếp theo của ngành.
Kpop có thể bước vào thời kỳ vàng son mới với âm nhạc, công nghệ và sức hút toàn cầu. Nhưng nếu không tái thiết từ bên trong với quản trị minh bạch, đạo đức doanh nghiệp và sự công bằng cho nghệ sĩ thì cái gọi là "giấc mơ Hallyu" có thể tan vỡ từ chính những người từng tạo nên nó.
Hoài Thương
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/am-nhac/khung-hoang-kpop-khi-cac-ong-lon-cung-luc-vuong-vong-lao-ly-202507082154443619.html