Kho bạc Nhà nước khu vực XIV: Tạo bước tiến lớn trong quản lý ngân sách sau tái cơ cấu

Kho bạc Nhà nước khu vực XIV: Tạo bước tiến lớn trong quản lý ngân sách sau tái cơ cấu
7 giờ trướcBài gốc
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách
Theo Quyết định số 5768/QĐ-KBNN của Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV được thành lập với cơ cấu tổ chức gồm 10 phòng tham mưu và 19 phòng giao dịch, phục vụ địa bàn hai tỉnh mới. Việc phân bổ này đảm bảo phủ sóng toàn bộ các đơn vị hành chính cấp huyện cũ, với địa chỉ trụ sở được Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XIV xác định dựa trên địa giới hành chính cấp xã mới, tạo thuận lợi cho giao dịch.
Ông Nguyễn Đức Mạo - Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XIV chia sẻ, quản lý địa bàn rộng với hai tỉnh mới đặt ra nhiều thách thức. Ban lãnh đạo và đội ngũ công chức tại trụ sở chính ở Khánh Hòa phải xử lý khối lượng công việc lớn trong bối cảnh tinh giản biên chế.
“Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy không chỉ giảm đầu mối mà còn nâng cao hiệu quả, phục vụ tốt hơn các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần vào sự phát triển của địa phương và đất nước” - ông Mạo khẳng định.
Để vượt qua khó khăn, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV đã thiết lập đường dây nóng và đầu mối hỗ trợ, kịp thời giải quyết các vướng mắc từ nội bộ và các đơn vị sử dụng ngân sách. Quy chế làm việc được xây dựng rõ ràng, phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc “có việc là có người làm”.
Kho bạc Nhà nước khu vực XIV được thành lập với cơ cấu tổ chức gồm 10 phòng tham mưu và 19 phòng giao dịch. Ảnh: Lạc Nguyên
Công tác tập huấn nghiệp vụ và chuyển đổi dữ liệu được thực hiện cẩn trọng, đảm bảo không gián đoạn quản lý ngân sách, ngân quỹ và tổng kế toán nhà nước. Đặc biệt, chuyển đổi số được đẩy mạnh, với hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, kết nối ổn định, hỗ trợ hiệu quả phối hợp liên ngành.
Theo Công văn số 5816/KBNN-CSPC ngày 23/6/2025, Kho bạc Nhà nước phối hợp với Sở Tài chính trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi. Trong trường hợp nghị quyết chưa được ban hành, Kho bạc Nhà nước kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xử lý, đảm bảo hạch toán đúng quy định.
Sự tái cơ cấu này không chỉ giảm đầu mối giao dịch mà còn gắn liền với cải cách hành chính và chuyển đổi số. Các thông tin như chứng thư số, mã địa bàn hành chính, tài khoản ngân hàng được cập nhật nhanh chóng, đảm bảo quy trình thu thuế chính xác và hiệu quả.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV cũng chú trọng xây dựng quy chế làm việc thống nhất, đặc biệt tại các địa phương không đặt trụ sở chính, đồng thời quan tâm đến công tác tư tưởng, lắng nghe nguyện vọng công chức để duy trì tinh thần đoàn kết trong giai đoạn chuyển đổi.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ dự án trọng điểm
Với bộ máy tinh gọn và các giải pháp vận hành hiệu quả, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ các dự án hạ tầng then chốt. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng vốn giải ngân đạt hơn 5.297 tỷ đồng, tương ứng 41,32% kế hoạch 12.851 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ giao, vượt mức bình quân cả nước (32,06%). Trong đó, tỉnh Khánh Hòa (cũ) phân bổ hơn 10.105 tỷ đồng, Ninh Thuận (cũ) gần 2.716 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chưa đạt mục tiêu 50% vào quý II/2025 do một số dự án phải điều chỉnh quy mô hoặc tạm dừng vì tái cơ cấu hành chính, cùng với khó khăn trong giải phóng mặt bằng và xác định giá đất đền bù.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Đức Mạo cho biết, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, yêu cầu chủ đầu tư rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, chứng từ trước khi gửi đến kho bạc. Hệ thống giám sát giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công được triển khai, đảm bảo xử lý hồ sơ nhanh chóng.
“Chúng tôi cam kết không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do, đảm bảo dòng vốn đầu tư công chảy mạnh vào các dự án hạ tầng” - ông Mạo nhấn mạnh.
Đến nay, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1, thành phần 1) đã giải ngân 486,429 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch, hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng. Nhà thầu đang đẩy mạnh thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành 20km đầu tuyến trong năm 2025. Dự án đường nối Tân Sơn (Ninh Thuận) – Tà Năng (Lâm Đồng) đạt 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2025. Các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận cũng nhận được hỗ trợ giải ngân kịp thời, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực.
Kho bạc Nhà nước khu vực XIV chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Ảnh: Lạc Nguyên
Với vai trò “người gác cửa” ngân sách, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV không chỉ đảm bảo kiểm soát chi minh bạch, chính xác mà còn tạo điều kiện tối đa cho các dự án trọng điểm. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo.
Dù đối mặt với khối lượng công việc lớn và thời gian chuyển đổi gấp rút, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV vẫn duy trì chất lượng phục vụ, thúc đẩy giao dịch điện tử và nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách./.
Sự linh hoạt và chủ động của Kho bạc Nhà nước khu vực XIV trong bối cảnh tái cơ cấu hành chính đã khẳng định vị thế của đơn vị trong hệ thống Kho bạc. Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Với sự quyết tâm và đồng bộ trong triển khai, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV đang trở thành một trong những đơn vị tiên phong, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Lạc Nguyên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-bac-nha-nuoc-khu-vuc-xiv-tao-buoc-tien-lon-trong-quan-ly-ngan-sach-sau-tai-co-cau-179973.html