Kho báu khoáng sản và thỏa thuận Ukraine - Mỹ mới ký có gì?

Kho báu khoáng sản và thỏa thuận Ukraine - Mỹ mới ký có gì?
6 giờ trướcBài gốc
Hôm 30/4, Mỹ và Ukraine đã ký kết thỏa thuận khoáng sản mang tính bước ngoặt, mở đường cho đầu tư tái thiết, quyền tiếp cận tài nguyên chiến lược và tăng cường quan hệ song phương.
Văn kiện vừa được ký kết thiết lập một quỹ đầu tư chung giữa Mỹ và Ukraine để hỗ trợ quá trình tái thiết các vùng bị cuộc xung đột tàn phá.
Đồng thời, Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận các dự án khai thác tài nguyên chiến lược - đặc biệt là đất hiếm, loại khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghệ cao, xe điện và quốc phòng.
Thỏa thuận được ký kết ngày 30/4 là thành quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa hai bên, với những khúc mắc kéo dài đến sát thời điểm ký kết. Thỏa thuận được xem là bước tiến quan trọng giúp Kyiv hàn gắn mối quan hệ với Nhà Trắng - vốn từng rạn nứt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào đầu năm nay, theo Reuters.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận. Ảnh: Reuters.
Đất hiếm là gì?
Đất hiếm là nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm, giúp biến năng lượng thành chuyển động trong xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và các thiết bị điện tử khác. Hiện chưa có chất thay thế hiệu quả nào.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) coi 50 loại khoáng sản là “khoáng sản chiến lược”, trong đó có đất hiếm, nickel và lithium.
Những khoáng sản này được đánh giá thiết yếu đối với ngành công nghiệp quốc phòng, thiết bị công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh.
Ukraine có tài nguyên khoáng sản gì?
Theo dữ liệu của Ukraine, nước này có trữ lượng 22 trong số 34 loại khoáng sản được Liên minh châu Âu xếp vào danh sách quan trọng. Chúng bao gồm vật liệu công nghiệp và xây dựng, hợp kim ferro, kim loại quý và kim loại màu, cùng một số nguyên tố đất hiếm.
Theo Viện Địa chất Ukraine, nước này sở hữu các nguyên tố đất hiếm như lanthanum và cerium (dùng trong TV và thiết bị chiếu sáng), neodymium (dùng cho tua bin gió và pin xe điện), erbium và yttrium (ứng dụng trong năng lượng hạt nhân và công nghệ laser).
Nghiên cứu do EU tài trợ cũng cho thấy Ukraine có trữ lượng scandium. Tuy nhiên, dữ liệu chi tiết được giữ bí mật.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng nhận định Ukraine là nhà cung cấp tiềm năng quan trọng các khoáng sản như lithium, beryllium, mangan, gallium, zirconium, graphite, apatite, fluorit và nickel.
Ukraine được cho sở hữu trữ lượng lithium hàng đầu châu Âu - khoảng 500.000 tấn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin, gốm sứ và thủy tinh.
Trữ lượng titanium chủ yếu nằm ở các vùng Tây Bắc và Trung Ukraine, trong khi lithium tập trung ở miền Trung, Đông và Đông Nam.
Ukraine cũng có trữ lượng graphite - thành phần chính trong pin xe điện và lò phản ứng hạt nhân, chiếm khoảng 20% tài nguyên toàn cầu. Các mỏ graphite tập trung ở miền Trung và Tây nước này.
Mỏ lộ thiên Southern Iron Ore JV tại Kryvyi Rih, Ukraine. Ảnh: Reuters.
Ukraine còn có trữ lượng than đá đáng kể, tuy nhiên phần lớn hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga tại các vùng chiếm đóng.
Các nhà phân tích kinh tế và ngành khai khoáng cho biết hiện tại Ukraine chưa có mỏ đất hiếm nào đang hoạt động thương mại.
Hiện, Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm và nhiều khoáng sản quan trọng khác lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận vừa ký có ý nghĩa như thế nào?
Ukraine và Mỹ đã ký thỏa thuận tại Washington sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, kéo dài đến tận phút chót.
Thỏa thuận thiết lập quỹ đầu tư chung cho công cuộc tái thiết Ukraine, trong bối cảnh ông Trump đang cố gắng thúc đẩy một giải pháp hòa bình
Theo giới quan sát, đây không chỉ là một thỏa thuận kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đối với cả hai nước trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa có hồi kết.
Bức ảnh do Bộ Tài chính Mỹ đăng tải trên mạng xã hội X cho thấy Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đang ký thỏa thuận. Bộ Tài chính Mỹ cho biết thỏa thuận này gửi đi thông điệp rõ ràng về “cam kết của chính quyền Trump đối với một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng".
Bà Svyrydenko viết trên X rằng theo thỏa thuận, Washington có thể đóng góp vào quỹ. Bên cạnh đó, bà tiết lộ Mỹ có thể cung cấp thêm hỗ trợ mới, như hệ thống phòng không. Tuy nhiên, phía Washington hiện chưa xác nhận khả năng này.
Bà Svyrydenko cho biết thêm thỏa thuận mới cho phép Ukraine "quyết định khai thác gì và ở đâu", đồng thời quyền sở hữu tài nguyên dưới lòng đất vẫn thuộc về Ukraine.
Bà cũng nhấn mạnh rằng Ukraine không có nghĩa vụ vay nợ với Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận này - điểm mấu chốt trong quá trình đàm phán kéo dài giữa hai bên.
Văn kiện được bảo đảm tuân thủ hiến pháp Ukraine và không làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu - hai yếu tố bất khả xâm phạm đối với chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận không đưa ra bất kỳ cam kết an ninh cụ thể nào của Mỹ đối với Ukraine - một trong những mục tiêu ban đầu của Kyiv.
Một số mẫu khoáng chất đất hiếm được trưng bày tại Mountain Pass, California (Mỹ) vào năm 2015. Ảnh: Reuters.
Ukraine còn kiểm soát những gì?
Cuộc xung đột đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên khắp Ukraine, và Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ nước này.
Phần lớn mỏ than, từng nuôi sống ngành công nghiệp thép Ukraine trước xung đột, nằm tập trung ở khu vực phía đông và đã rơi vào tay Nga.
Theo ước tính của hai tổ chức tư vấn Ukraine là We Build Ukraine và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, khoảng 40% nguồn tài nguyên kim loại của Ukraine hiện nằm trong vùng do Nga kiểm soát (tính đến nửa đầu năm 2024). Tuy nhiên, họ không công bố chi tiết cụ thể.
Từ thời điểm đó, lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến sâu vào khu vực Donetsk phía đông. Vào tháng 1, Ukraine đã đóng cửa mỏ than cốc duy nhất bên ngoài thành phố Pokrovsk.
Nga đã kiểm soát ít nhất hai mỏ lithium của Ukraine trong thời gian xung đột - một ở Donetsk và một ở vùng Zaporizhzhia phía đông nam. Kyiv vẫn còn kiểm soát các mỏ lithium tại vùng Kyrovohrad, miền Trung Ukraine.
Cơ hội đầu tư nào tại Ukraine?
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine, Oleksiy Sobolev, cho biết vào tháng 1 rằng chính phủ đang làm việc với các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Italy, về các dự án khai thác khoáng sản quan trọng.
Chính phủ ước tính tiềm năng đầu tư của lĩnh vực này lên tới 12-15 tỷ USD từ nay đến năm 2033.
Cơ quan Địa chất Quốc gia Ukraine cho biết chính phủ đang chuẩn bị khoảng 100 khu vực để cấp phép khai thác và phát triển chung, nhưng chưa công bố chi tiết cụ thể.
Mặc dù Ukraine có lực lượng lao động trình độ cao, chi phí tương đối thấp cùng cơ sở hạ tầng phát triển, một số nhà đầu tư vẫn nêu ra rào cản. Những yếu tố này bao gồm quy trình quản lý phức tạp và kém hiệu quả, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu địa chất và có được lô đất.
Chuyên gia cho rằng các dự án như vậy sẽ cần nhiều năm để triển khai và đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn.
Minh An
Nguồn Znews : https://znews.vn/kho-bau-khoang-san-va-thoa-thuan-ukraine-my-moi-ky-co-gi-post1550373.html