(SGTT) - Hiện nay, mọi người đều biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ hút thuốc lá. Yếu tố lệ thuộc về thể chất và tâm lý là những nguyên nhân khiến việc cai thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Đây là nội dung được các chuyên gia y tế chia sẻ trong chương trình giảm thiểu sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử ở người trẻ 18-24 tuổi tại TPHCM với tên gọi “Smoke off move on” do nhóm sinh viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện của Đại học FPT TPHCM tổ chức vào ngày 29-3.
Các bác sĩ chia sẻ tại chương trình giảm thiểu sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử ở người trẻ tại TPHCM vào ngày 29-3. Ảnh: H.G
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.Một số người hút thuốc lá cho rằng họ đều biết tác hại của thói quen này và mong muốn từ bỏ. Tuy nhiên, dù họ đã thử bỏ nhưng tỷ lệ hút trở lại vẫn còn cao. Điều này cho thấy từ bỏ thuốc lá là vấn đề không dễ dàng đối với hầu hết người từng có thói quen này.Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Nam Hà, Trưởng Chi hội truyền thông giáo dục sức khỏe, Hội Y tế công cộng TPHCM, có nhiều yếu tố dẫn đến việc khó cai thuốc lá. Về yếu tố thể chất, Nicotine trong thuốc lá kích thích giải phóng Dopamine, tạo cảm giác thỏa mãn và hưng phấn. Khi não bộ đã quen với việc sử dụng Nicotine thì việc cắt giảm chất này hoặc ngưng hút thuốc đột ngột có thể khiến cho người hút gặp phải một số tình trạng như mệt mỏi, khó chịu, dễ nổi nóng, nhức đầu… Sự thay đổi này xảy ra trong não bộ là kết quả của một quá trình được lặp đi lặp lại nhiều lần, dẫn đến lệ thuộc vào Nicotine.Về yếu tố tâm lý, việc hút thuốc lá đã trở thành một thói quen hàng ngày, giải tỏa căng thẳng, đồng thời là một cách thể hiện phong cách của bản thân. Ngoài ra, khi đã bỏ thuốc được một thời gian dài và không còn khó chịu do bỏ thuốc lá đem lại, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó như có sự tác động từ bạn bè, người xung quanh; mời thuốc như một nhu cầu giao tiếp xã hội; gặp chuyện buồn cần lãng quên; bị căng thẳng cần một đầu óc minh mẫn... thì cảm thấy thèm thuốc và quay lại sử dụng nó.Như vậy, thuốc lá không chỉ tác động lên não của người hút mà còn tác động đến tâm lý, ăn sâu vào tiềm thức bằng việc tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn của việc sử dụng. Những yếu tố tác động của thuốc lá, làm người hút không dễ dàng bỏ được và tiếp tục nghiện thuốc.Để dần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, bác sĩ Hà khuyến cáo cần tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội. Người dân nên chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và hoạt động thể chất đều đặn. Cùng với đó là tham gia các hoạt động cộng đồng, học tập và phát triển bản thân để cải thiện tâm lý; xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh.Ngoài ra, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quốc Khánh, Thư ký Chi hội truyền thông giáo dục sức khỏe, Hội Y tế công cộng TPHCM, cho rằng việc cai thuốc lá, thậm chí là thuốc lá điện tử đòi hỏi sự kết hợp giữa nỗ lực cá nhân và hỗ trợ từ cộng đồng, cũng như hỗ trợ y tế chuyên nghiệp. Người hút có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ y tế như dùng phương pháp châm cứu và các bài thuốc Đông y để hỗ trợ cai nghiện thuốc.Các bác sĩ cho biết điều cốt yếu giúp việc bỏ thuốc lá thành công chính là ý chí quyết tâm và kiên trì của bản thân người hút. Khi có quyết tâm và ý chí kiên định, việc từ bỏ thuốc lá hoàn toàn có thể thực hiện được.
Minh Thảo