Khó cứu ngành hàng xa xỉ

Khó cứu ngành hàng xa xỉ
2 giờ trướcBài gốc
LVMH rơi vào tình thế đáng lo ngại vì suy thoái kinh tế. Ảnh minh họa: LVMH.
Sau khi tập đoàn hàng hóa xa xỉ LVMH công bố kết quả kinh doanh quý III tệ hơn dự kiến, cổ phiếu của công ty đã giảm 7% vào sáng 16/10. Bộ phận thời trang và đồ da chủ lực của LVMH chứng kiến doanh số giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng thuộc tập đoàn, thương hiệu Christian Dior thua xa so với Louis Vuitton. Nguyên nhân đến từ cuộc điều tra gần đây về chuỗi cung ứng của Italy.
Tuy nhiên, lý do chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu là sức mua yếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Quốc gia này từng góp phần tạo ra sự tăng trưởng lớn cho thị trường hàng hiệu trong suốt 2 thập kỷ qua, theo WSJ.
LVMH lao đao tại thị trường Trung Quốc do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Ảnh minh họa: LVMH.
Khó khăn tại thị trường Trung Quốc
Năm 2000, Trung Quốc chỉ tạo ra 1% doanh số ngành hàng xa xỉ toàn cầu, nhưng hiện chiếm đến 1/3 thị trường sau hơn 20 năm, theo ước tính của UBS.
LVMH không cho rằng khách hàng Trung Quốc mất đi sự khao khát đối với hàng xa xỉ châu Âu. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến giá trị bất động sản sụt giảm, người tiêu dùng trung lưu xứ tỷ dân không còn muốn chi hàng nghìn USD cho túi hiệu và đồng hồ cao cấp.
Động thái gần đây của Trung Quốc cũng gia tăng sự lo ngại cho LVMH. Bắc Kinh áp thuế đối với rượu cognac châu Âu để đáp trả các khoản thuế của EU đối với xe điện Trung Quốc.
Theo lãnh đạo tập đoàn LVMH, thương hiệu rượu cognac Hennessey ghi nhận 1/5 doanh số bán hàng từ thị trường Trung Quốc, chắc chắn chịu ảnh hưởng lớn từ quyết định mới này.
Cổ phiếu của các công ty xa xỉ châu Âu có dấu hiệu tăng khi Trung Quốc công bố chính sách thúc đẩy kinh tế vào cuối tháng trước. Tuy nhiên, sự nghi ngờ dần xuất hiện.
Một số ý kiến cho rằng các biện pháp kích cầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng hơn là thương hiệu xa xỉ.
Ngành hàng xa xỉ gặp khó khi khách hàng trung lưu thờ ơ. Ảnh minh họa: Benoit Tessier.
Chông gai của ngành hàng xa xỉ
Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác không có khả năng vực dậy thị trường xa xỉ. Dữ liệu chi tiêu thẻ tín dụng từ Ngân hàng Mỹ cho thấy tiêu dùng xa xỉ quốc gia này giảm 6% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chi tiêu cho hàng hóa cao cấp của châu Âu đạt đỉnh vào đầu năm 2023 và suy yếu kể từ đó. Cùng với khách hàng Trung Quốc, người tiêu dùng ở các khu vực này tạo ra khoảng 70% chi tiêu xa xỉ toàn cầu.
Khách hàng trung lưu bị cản trở bởi lạm phát và lãi suất tăng cao. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của các thương hiệu xa xỉ.
Tuy nhiên, các nhãn hàng cũng bị nhận xét là đẩy giá lên quá mức. Giá thành trung bình của sản phẩm xa xỉ đắt hơn 60% so với năm 2019.
Để thu hút người tiêu dùng quay lại cửa hàng và mở ví, các thương hiệu cần phát triển các dòng sản phẩm mới với mức giá thực tế hơn.
Sự suy thoái khiến các doanh nghiệp xa xỉ khó bảo vệ biên lợi nhuận của mình. Nhãn hàng lớn phải gồng mình gánh các khoản chi phí cố định cao, bao gồm tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, ngân sách quảng cáo lớn, không thể nhanh chóng cắt giảm. Vì vậy, chỉ sự sụt giảm nhỏ trong doanh số cũng có khả năng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.
LVMH vốn được xem là “ông lớn” trong ngành hàng xa xỉ. Vì thế, sự sụt giảm doanh số của tập đoàn này là tín hiệu xấu đối với các thương hiệu khác như Gucci (thuộc sở hữu của Kering) và Burberry.
Linh Vũ
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/kho-cuu-nganh-hang-xa-xi-post1504987.html