Khó khăn bủa vây dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát ở Thành phố Hồ Chí Minh

Khó khăn bủa vây dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát ở Thành phố Hồ Chí Minh
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều khu vực mới thi công xong phần kè bêtông dọc hai bờ kênh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên dài hơn 30km, đi qua địa bàn 7 quận huyện của Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng hoàn thành vào dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thi công, dự án mới đạt hơn 37% khối lượng và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Dự án này sẽ kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2021-2025. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng đô thị) làm chủ đầu tư.
Khởi công vào tháng 2/2023, hiện toàn bộ 10 gói thầu xây lắp của dự án đều đang thi công. Đến cuối tháng 10, dự án đã đạt 37,9% tổng khối lượng. Trong đó, gói thầu XL-08 đạt cao nhất với 46,62%, trong khi gói thầu XL-10 mới đạt 22%.
Ghi nhận tại gói thầu XL-08 (đoạn cầu Chợ Cầu-cầu Trường Đai), toàn bộ kè hai bên kênh đã được xây dựng. Tuy nhiên, tuyến đường ven kênh, nhất là phía quận Gò Vấp khá nhếch nhác, với các ống cống, bùn đất và vật liệu xây dựng để rải rác trên đường. Tình trạng trên cũng xuất hiện ở nhiều gói thầu khác như XL-09 và XL-10 (đoạn cầu Trường Đai-sông Sài Gòn, gồm bờ hữu và bờ tả).
Công trường xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Do là tuyến đường dân sinh trước đây nên các đoạn rào chắn đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh buôn bán và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ phường 14, Gò Vấp) chia sẻ từ khi dự án thi công đến nay, việc kinh doanh của gia đình giảm sút hẳn. Vài tháng nay, ít khi thấy công trường thi công nên không biết bao giờ mới xong. Người dân mong muốn dự án sớm hoàn thành để buôn bán thuận lợi.
Đây là dự án được xem thuận lợi về mặt bằng, khâu giải phóng mặt bằng phần lớn đã được thực hiện trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, ngoài vướng về di dời hạ tầng kỹ thuật, một số khu vực xuất hiện tình trạng tái chiếm phạm vi đã thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư giai đoạn 1. Hiện còn 21 trường hợp tái lấn chiếm, nhiều nhất là quận Bình Tân với 15 trường hợp.
Ban Hạ tầng đô thị đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh phối hợp tuyên truyền, vận động hoặc có kế hoạch tháo dỡ, thu hồi và bàn giao mặt bằng để thi công. Cùng đó, chủ đầu tư đề nghị các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật phối hợp di dời, tái bố trí điện, cấp ngầm và lưới điện.
Trong khi đó, bãi tiếp nhận đổ bùn đất đến nay vẫn chưa được xác định, ảnh hưởng khá nhiều đến thi công tại hiện trường của dự án. Qua tìm hiểu, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bãi đổ tiếp nhận đất, bùn phát sinh từ dự án được xác định tại Tiểu khu 3, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), Công viên Văn hóa Gò Vấp (phường 16, quận Gò Vấp) và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Tuy nhiên, theo Ban Hạ tầng đô thị, khi triển khai thực hiện, người dân, cơ quan chủ quản, sở chuyên ngành chưa đồng thuận nên hiện nay, đất, bùn được tập kết ngay tại công trường làm vướng mặt bằng thi công những hạng mục tiếp theo cũng như không thể tiến hành nghiệm thu giải ngân vốn cho các công việc đào, vận chuyển đất.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Ban Hạ tầng đô thị Trần Như Quốc Bảo cho biết đất, bùn dư trên được xác định không phải chất thải nguy hại nên cần tận dụng để san lấp cho các công trình công cộng do thành phố quản lý để tránh lãng phí nguồn tài nguyên.
Nếu các địa phương không có nhu cầu tận dụng, dự kiến chủ đầu tư sẽ đề xuất chuyển đến các vị trí có nhu cầu khác trên địa bàn quận 12 sau khi phối hợp với các đơn vị thực hiện thủ tục liên quan.
Các nhà thầu thi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Bên cạnh đó, vấn đề vật liệu để thi công cho dự án hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nguồn cung cát san lấp, đá 1x2 khó khăn cộng với đơn giá vật liệu trên thị trường hiện tại khi cấp về công trường đang cao hơn giá dự thầu của các nhà thầu.
"Điều này đang được hiểu là nhà thầu thi công xây dựng bị thua lỗ trong quá trình thi công do giá vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn tới vấn đề mất cân đối về tài chính trong quá trình triển khai thi công và là một nguyên nhân dẫn tới chậm trễ tiến độ thi công ngoài công trường," chủ đầu tư nêu rõ.
Theo Ban Hạ tầng đô thị, hiện nay đang trong mùa mưa, thời gian thi công các hạng mục công trình có sự gián đoạn do mưa lớn và triều cường dâng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình tổ chức thi công của nhà thầu trên công trường./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/kho-khan-bua-vay-du-an-cai-tao-kenh-tham-luong-ben-cat-o-thanh-pho-ho-chi-minh-post989814.vnp