Khó khăn vẫn 'đeo bám' doanh nghiệp thép

Khó khăn vẫn 'đeo bám' doanh nghiệp thép
8 giờ trướcBài gốc
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn hiện nay, ngành thép đang trở thành một trong những lĩnh vực chịu tác động tương đối nặng nề.
Các doanh nghiệp trong ngành không chỉ phải oằn mình trước những áp lực nội tại như chi phí sản xuất tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, mà còn liên tiếp đối mặt với các thách thức từ bên ngoài.
Đặc biệt, những rào cản thuế quan do Hoa Kỳ dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã tạo thêm sức ép lớn, khiến khả năng xuất khẩu bị thu hẹp đáng kể. Cùng lúc đó, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thép cũng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết, khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt lao dốc.
Những khó khăn chồng chất đang đẩy ngành thép vào một giai đoạn thử thách khốc liệt, đòi hỏi bản lĩnh, sự linh hoạt và những bước đi chiến lược nếu muốn vượt qua "con sóng" lần này.
Gam màu xám của ngành thép
Quý đầu năm 2025, bức tranh tài chính của ngành thép Việt Nam hiện lên với nhiều gam màu xám, khi phần lớn doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.
Thép TISCO khởi đầu năm với doanh thu thuần 2.832 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bức tranh tài chính lại không mấy sáng khi công ty bất ngờ báo lỗ sau thuế gần 9,2 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn doanh thu, khiến biên lợi nhuận gộp tụt xuống chỉ còn 3% - mức cực kỳ thấp với doanh nghiệp thép.
Về cơ cấu tài chính, TISCO vẫn chịu gánh nặng nợ lớn, với nợ phải trả gần 8.743 tỷ đồng, cao gấp 5,65 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ vay chiếm hơn nửa, trong khi tiền mặt chỉ vỏn vẹn khoảng 30 tỷ đồng.
Ở một diễn biến tương tự, Gang thép Cao Bằng còn lộ rõ khó khăn hơn. Doanh thu thuần kỳ này chỉ đạt gần 418 tỷ đồng, giảm gần 39%, nhưng giá vốn lại lên tới 440 tỷ đồng – cao hơn cả doanh thu, khiến công ty lỗ gộp hơn 22 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí bán hàng bất ngờ tăng mạnh lên hơn 12 tỷ đồng do phát sinh chi phí vận chuyển phôi thép, khiến khoản lỗ sau thuế phình to lên hơn 50,5 tỷ đồng. Với mức doanh thu sụt giảm và chi phí đầu vào phình to, Gang thép Cao Bằng cho thấy tình trạng thua lỗ kép cả ở hoạt động sản xuất lẫn chi phí vận hành.
Trong bức tranh nhiều mảng tối của ngành thép, Hòa Phát nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi. Ảnh: HPG.
Trong khi đó, Thép VICASA - VNSTEEL tuy có doanh thu thuần tăng nhẹ 10% đạt 310,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 36 triệu đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ. Lý do nằm ở việc giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu, cộng thêm sức ép giá nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ chậm, khiến VICASA buộc phải "thắt lưng buộc bụng" bằng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí nhưng hiệu quả vẫn hạn chế.
Thậm chí, ngay cả những tên tuổi lớn hơn như Hoa Sen và Nam Kim cũng không tránh khỏi xu hướng đi xuống.
Hoa Sen ghi nhận doanh thu hơn 8.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 36%. Sự sụt giảm này được lý giải bởi doanh thu giảm sút trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý lại tăng mạnh từ 50% đến 60%.
Nam Kim thậm chí còn khó khăn hơn, doanh thu chỉ còn 4.108 tỷ đồng, giảm gần 23%, khiến biên lợi nhuận gộp lao dốc tới 53,6%. Lợi nhuận sau thuế cuối kỳ chỉ đạt 65,4 tỷ đồng, bốc hơi hơn một nửa so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp thép đồng loạt gặp khó trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh và các rào cản thương mại quốc tế siết chặt, đúng như nhận định thẳng thắn của Chủ tịch Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ: "Giỏi lắm ngành tôn thép năm nay chỉ đi ngang, còn xu thế chung vẫn là đi xuống".
Trong bức tranh nhiều mảng tối ấy, Hòa Phát nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi. Dù chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết tập đoàn đạt doanh thu hơn 37.900 tỷ đồng, tăng 22%, và lợi nhuận sau thuế hơn 3.300 tỷ đồng trong quý I.
Sản lượng thép thô, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của HPG đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 23-29%. Dù mảng tôn mạ giảm nhẹ, sản lượng ống thép và thép dự ứng lực vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Kế hoạch "vượt sóng" của doanh nghiệp thép
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch HĐQT Nam Kim, ông Hồ Minh Quang nhận định: "Năm 2025 sẽ là năm của những cơ hội và thách thức đan xen". Trong bối cảnh thị trường thép thế giới còn nhiều bất ổn, Nam Kim chủ trương tiếp tục triển khai dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ nhằm mở rộng thị trường và chủ động thích ứng với những biến động khó lường.
Theo kế hoạch, Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ sẽ tập trung sản xuất các dòng sản phẩm chất lượng cao, hướng đến những lĩnh vực mới như công nghiệp, ô tô và đồ gia dụng – những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp.
Ban lãnh đạo Nam Kim (NKG) dự báo ngành thép sẽ từng bước hồi phục, nhưng mức tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Vì vậy, để hiện thực hóa kế hoạch đề ra, công ty sẽ đồng bộ triển khai nhiều giải pháp: nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu với trọng tâm nhắm đến châu Âu và Bắc Mỹ – những thị trường tiêu chuẩn cao và biên lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, trước những rào cản thương mại ngày càng siết chặt, đặc biệt là chính sách thuế quan từ Mỹ đang tác động tiêu cực lên dòng chảy thương mại toàn cầu, Nam Kim cũng chủ động điều chỉnh chiến lược. Nhà máy mới sẽ ưu tiên khai thác thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm mà trong nước còn thiếu và dần mở rộng quy mô tiêu thụ nội địa, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nhiều rủi ro.
Thị trường nội địa sẽ là cứu cánh giúp các doanh nghiệp thép vượt qua áp lực từ thuế quan. Ảnh: HPG.
Ở tầm nhìn rộng hơn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cũng nhấn mạnh năm 2025 thế giới sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, từ căng thẳng địa chính trị giữa các siêu cường đến làn sóng bảo hộ mậu dịch gia tăng. Trong bối cảnh đó, Hòa Phát vẫn duy trì định hướng thận trọng: xuất khẩu chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, phân tán ra hơn 40 quốc gia, trong đó Mỹ chỉ chiếm 1% để hạn chế tối đa rủi ro.
Đáng chú ý, nhằm bảo toàn dòng tiền và củng cố nền tảng tài chính, Hòa Phát quyết định không chia cổ tức tiền mặt trong năm nay và giữ vững quỹ dự trữ tài chính ở mức khoảng 25.000 tỷ đồng – tạo lớp đệm phòng thủ vững chắc trước mọi biến động khó lường.
Về chiến lược phát triển, Hòa Phát sẽ tập trung mạnh vào các dòng thép chất lượng cao như thép làm tanh lốp, thép dập nguội, thép dự ứng lực, thép lò xo không hợp kim, thép làm ống dẫn dầu và thép phục vụ ngành chế biến chế tạo. Đây đều là những dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tiềm năng xuất khẩu tốt, phù hợp với xu thế nâng cao hàm lượng kỹ thuật của ngành thép Việt Nam.
Song song với chiến lược thận trọng ở thị trường quốc tế, cả Hòa Phát lẫn Nam Kim đều kỳ vọng vào động lực hồi phục mạnh mẽ từ thị trường nội địa trong các quý tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép trong nước đang được hỗ trợ tích cực từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và dòng vốn đầu tư công. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao sẽ tạo cú hích lớn cho nhu cầu thép xây dựng trong nước.
Tươn tự, các chuyên gia tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo triển vọng ngành thép Việt Nam giai đoạn 2025–2027 khá lạc quan, nhờ sự phục hồi của thị trường nội địa từ nửa cuối năm 2024, sự vận hành của các nhà máy thép mới và kỳ vọng vào chu kỳ giá thép mới khi thị trường bất động sản Trung Quốc dần khởi sắc từ năm 2025.
Thanh Thắng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/kho-khan-van-deo-bam-doanh-nghiep-thep-192250427115153744.htm