Khoái Châu: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Khoái Châu: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
6 giờ trướcBài gốc
Nông dân thị trấn Khoái Châu trồng rau, quả trong nhà màng
Hiện toàn huyện có hơn 827 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các xã: Phùng Hưng, Chí Minh, Bình Minh, Đông Kết, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Huệ, Tân Châu và Tứ Dân. Tại đây, người dân triển khai trồng các loại cây có giá trị như: nhãn, chuối, nho, nghệ, rau an toàn… theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện có diện tích cây ăn quả khoảng 3900 ha. Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP không ngừng được mở rộng. Hiện nay, huyện có 1.281,7 ha cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, tăng gần hai lần so với năm 2020. Các sản phẩm chủ lực như chuối tiêu hồng, nhãn, nghệ, cam, bưởi, rau an toàn… không chỉ đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu biểu như hộ anh Phạm Đức Long ở thị trấn Khoái Châu, với 4 mẫu trồng nhãn và gần 3 mẫu trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn nhãn, 6 tấn táo, cho thu nhập 400–500 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi gà Đông Tảo trong chuồng kín ở xã Đông Tảo
Còn tại xã Đông Tảo, anh Giang Mạnh Được phát triển mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo quy mô lớn theo hướng công nghệ cao, sản xuất con giống, gà thịt thương phẩm và kết hợp chế biến sản phẩm như gà ủ muối, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng chuyển biến mạnh theo hướng tập trung, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Huyện đã quy hoạch 35 khu chăn nuôi xa khu dân cư, tổng diện tích trên 287 ha. Hiện có 106 trang trại đạt tiêu chí, trong đó có 103 trang trại chăn nuôi sử dụng hệ thống máng ăn, uống tự động; hơn 70% chuồng trại kín có quạt hút, giàn mát; nhiều trang trại ứng dụng camera giám sát, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng hầm biogas. Chăn nuôi VietGAHP, an toàn sinh học ngày càng được mở rộng, giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Song song với phát triển sản xuất, công nghiệp chế biến nông sản cũng từng bước hình thành và phát triển. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến các sản phẩm đặc sản của địa phương như: chuối sấy, long nhãn, tinh bột nghệ, giò gà Đông Tảo... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và tăng khả năng tiêu thụ cho nông sản địa phương. Một số cơ sở tiêu biểu như: Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, HTX Nghệ Chí Tân, Công ty TNHH Hoàng Gia Lộc...
Cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng được chú trọng. Khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển lúa đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100%, 100% hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa, 90% hộ nuôi lợn có hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, 70% hộ nuôi gia cầm sử dụng đệm lót sinh học...
Hiện toàn huyện có 90 HTX nông nghiệp, nhiều HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả. Điển hình như HTX Nhãn Miền Thiết liên kết với hệ thống siêu thị Go, Fivimart; HTX Nông sản Phú Quý cung ứng chanh, cam cho chuỗi Sói Biển; các hộ nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ với Vinamilk, BaviMilk… Huyện hiện có trên 40 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Cơ sở chế biến giò gà Đông Tảo, xã Đông Tảo
Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 91,26 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, trong đó, nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò quan trọng.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới các địa phương tiếp tục đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, thông minh, thân thiện với môi trường.
Hương Giang
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/khoai-chau-tap-trung-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3182196.html