Xã Trí Lực (sau sắp xếp thành xã Trí Phải) từng là vùng đất “khát ngọt” giữa mùa khô, đang từng ngày thay da đổi thịt với mô hình luân canh tôm – lúa.
Làm giàu với tôm và rừng
Ông Trần Văn Quyết, một trong những thành viên tiêu biểu của HTX lúa – tôm Trí Lực, chia sẻ: “Trước đây đất nhiễm mặn sâu, trồng cây gì cũng chết. Nhưng giờ đây, tôi kết hợp nuôi tôm sú, cua, cá trong mùa khô. Đến mùa mưa thì trồng lúa chịu mặn, nuôi tôm càng xanh. Không dùng phân bón hay thuốc hóa học, vừa tiết kiệm, vừa giữ môi trường”.
Mô hình lúa tôm đang giúp nông dân, HTX ở Cà Mau tăng thu nhập.
Với 2ha đất, mô hình của ông Quyết mang lại thu nhập lên đến 150 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ tạo nguồn thu ổn định, mô hình còn giúp cải tạo đất, khống chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với hàng trăm hộ dân khác trong HTX lúa – tôm Trí Lực, ông Quyết đã góp phần biến vùng đất nhiễm mặn thành khu sản xuất đạt chuẩn hữu cơ, được các doanh nghiệp thu mua với giá cao, từ đó tạo đà thoát nghèo, làm giàu.
HTX lúa – tôm Trí Lực hiện đang quản lý hơn 560ha, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế như ASC, Naturland... Sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, gắn mã QR và được bao tiêu toàn bộ, tạo đầu ra bền vững cho nông dân.
Từ xã Trí Lực di chuyển về xã Viên An Đông (sau sắp xếp thành xã Phan Ngọc Hiển) – nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc, nhiều người sẽ bất ngờ khi chứng kiến mô hình “tôm sinh thái dưới tán rừng” – phương thức canh tác độc đáo giúp hàng nghìn hộ dân địa phương bám rừng, giữ biển và sống khỏe.
Gia đình ông Trần Minh Trí là một điển hình. Trên 15ha rừng được giao khoán, ông Trí không chặt phá một cây nào, mà tận dụng tán rừng để nuôi tôm sú, xen canh cua, cá, sò huyết.
“Mỗi năm tôi thu về hơn 500 triệu đồng. Tôm sạch, cua sạch được doanh nghiệp đến tận nhà thu mua để xuất khẩu. Không cần thức ăn công nghiệp, tôm lớn tự nhiên dưới lớp lá rụng của cây đước”, ông Trí tự hào nói.
Đa dạng sinh kế, thích ứng khí hậu
Điểm đáng quý là mô hình “tôm sinh thái dưới tán rừng” vừa tạo ra thu nhập bền vững, vừa bảo vệ được rừng ven biển – vốn là “tấm lá chắn sống” giúp giảm sóng, hạn chế sạt lở. Nhờ mô hình này, gần 40.000 ha rừng tại Cà Mau được bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có hơn 25.000 ha đang áp dụng nuôi tôm sinh thái, tạo sản lượng hơn 10.000 tấn/năm.
Không ít hộ nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Như ông Nguyễn Văn Lành ở xã Tam Giang Tây (sau sắp xếp thành xã Tân Ân) hay ông Trương Văn Bé ở xã Đất Mũi – những “triệu phú sinh thái” nhờ biết khai thác lợi thế rừng một cách bền vững.
Cà Mau – với ba mặt giáp biển – đang đối diện ngày càng rõ rệt với biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, lốc xoáy, sạt lở... khiến nhiều diện tích sản xuất từng bị đe dọa nghiêm trọng. Nhưng thay vì bỏ hoang hay chờ trợ cấp, người dân và chính quyền đã mạnh dạn đổi hướng: chọn mô hình sản xuất bền vững, thích nghi với điều kiện tự nhiên.
Trên những vùng đất khô mặn ấy, các mô hình sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên đang dần thay thế những phương thức cũ kém hiệu quả.
Tiêu biểu là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh – ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất vượt trội và lợi nhuận lên tới 350 triệu đồng/ha/năm. Ở những khu vực mặn hơn, nông dân chuyển sang nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, tiết kiệm chi phí, ít rủi ro, thu nhập ổn định khoảng 60 triệu đồng/ha.
Canh tác theo hướng an toàn sinh thái giúp nông dân, HTX vượt bão biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả bền vững.
Trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình lúa hữu cơ và lúa an toàn được đẩy mạnh với hơn 800 ha sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe. Lợi nhuận từ 15–25 triệu đồng/ha/vụ tuy không cao đột biến, nhưng bù lại là sự bền vững và đầu ra ổn định.
Đáng chú ý, mô hình luân canh lúa – tôm đang được xem là giải pháp tối ưu ở vùng ngọt – mặn chuyển tiếp. Mỗi năm, người dân có thể thu về trung bình 78 triệu đồng/ha từ cả cây lúa và thủy sản như tôm càng xanh, cua, cá đồng...
Ở vùng rừng ngập mặn ven biển, mô hình tôm sinh thái dưới tán rừng tiếp tục phát huy hiệu quả. Với quy trình nuôi gần như hoàn toàn tự nhiên, người dân thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha từ tôm, cùng với khoảng 50 triệu đồng/ha từ cua xen canh – tất cả đều không cần thức ăn công nghiệp hay thuốc hóa học.
Giảm nghèo bền vững từ gốc rễ
Điểm chung của những mô hình này là tính thân thiện với môi trường, ít rủi ro, phù hợp xu hướng sản xuất xanh và đặc biệt là khả năng liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Nhờ đó, sản phẩm của nông dân Cà Mau ngày càng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, mở ra hướng phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững giữa tâm điểm biến đổi khí hậu.
Ít ai biết rằng, đằng sau sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Cà Mau là sự hỗ trợ thầm lặng nhưng bền bỉ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã tích cực phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ HTX về kỹ thuật sản xuất hữu cơ, quản trị kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử... Từ đó, giúp các HTX hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ kết nối các HTX tại Cà Mau với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm như tôm sinh thái, lúa hữu cơ, cua biển… được đưa vào siêu thị, xuất khẩu đi châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, các HTX được hỗ trợ đăng ký mã vùng trồng, mã QR, xây dựng nhãn hiệu, tham gia chương trình OCOP – giúp nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cũng triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng như trạm bơm, nhà kho, xưởng sơ chế. Một số HTX còn được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý, hệ thống truy xuất nguồn gốc, bước đầu tiếp cận thương mại điện tử.
Với nhiều yếu tố cộng hưởng, từ những cánh đồng bỏ hoang, vuông tôm cằn cỗi, rừng bị đe dọa... Cà Mau đã xây dựng nên hệ sinh thái sinh kế xanh bền vững. HTX trở thành “cầu nối vàng” giữa nông dân với doanh nghiệp, thị trường và khoa học kỹ thuật. Liên minh HTX đóng vai trò kiến tạo – từ chính sách, kỹ thuật đến tài chính, thị trường.
Đó không chỉ là câu chuyện của Trần Văn Quyết, Trần Minh Trí hay hàng ngàn hộ dân vùng rừng – biển Cà Mau. Đó là hành trình xóa đói giảm nghèo mang tính hệ thống – nơi con người không chống lại thiên nhiên, mà sống hài hòa, khai thác hợp lý và phát triển bền vững.
Và Cà Mau – cực Nam Tổ quốc – đang chứng minh rằng, ngay cả trong vùng đất khắc nghiệt nhất, nếu có tư duy đúng, sự chung tay giữa nông dân, HTX và chính quyền, thì không có cái nghèo nào là không thể vượt qua.
Nam Phong