Xác định rõ trách nhiệm của địa phương
- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP giao mục tiêu tăng trưởng cho các địa phương để bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Ông nghĩ như thế nào về chính sách “khoán tăng trưởng” này?
Giám đốc Economica Việt Nam TS. Lê Duy Bình
- Tăng trưởng kinh tế suy cho cùng phải bắt nguồn từ các địa phương. Do đó, tôi đánh giá cao việc Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Điều này sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm đóng góp của các địa phương, làm rõ hơn các mục tiêu mà từng địa phương phải cố gắng phấn đấu để thực hiện. Đây là cách làm mới, vừa tạo ra động lực cho địa phương phấn đấu, nhưng cũng tạo ra áp lực để các địa phương vượt lên chính mình để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Với những gì nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện trong những năm vừa qua và trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi trong và ngoài nước, mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 là khả thi. Nhưng tính khả thi này không phải là mặc nhiên mà phụ thuộc một số điều kiện.
Đó là nỗ lực mạnh mẽ của các chủ thể của nền kinh tế, bao gồm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong, ngoài nước, kể cả người dân với tư cách là người tiêu dùng, người lao động. Sức chống chọi của nền kinh tế, năng lực nội sinh phải tiếp tục được củng cố bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô ổn định, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội đến từ sự phục hồi thị trường nước ngoài, và sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư cũng như các xu thế phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần tính đến những rủi ro nền kinh tế có thể phải đối diện như khó khăn về thương mại toàn cầu. Nếu chúng ta nắm bắt, theo dõi kịp thời các diễn biến của thị trường toàn cầu, có biện pháp quản lý rủi ro từ sự gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, cộng với nỗ lực của các chủ thể nền kinh tế, phát huy những điểm mạnh, phát huy lợi thế thì sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%.
- Có 17 tỉnh, thành phố được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên, cao nhất là Bắc Giang 13,6%, tiếp đến là Ninh Thuận 13%, Hải Phòng 12,5%. Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được giao tăng trưởng 8 - 8,5%. Theo ông, việc giao mục tiêu tăng trưởng cho các địa phương dựa trên những yếu tố nào?
- Mỗi địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng dựa trên lịch sử tăng trưởng những năm gần đây cũng như tiềm năng tăng trưởng ở nhiều góc độ. Đó là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và so sánh của các địa phương đó về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; là chất lượng điều hành kinh tế và quản trị tại mỗi địa phương; là tính năng động, nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao của chính quyền địa phương và các điều kiện khác.
Những địa phương như Bắc Giang, Ninh Thuận, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác được giao mức cao hơn nhờ sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế, tiềm lực, các dự án đầu tư. Nhiều dự án đầu tư đã được các địa phương này chuẩn bị và xúc tiến triển khai. Cùng với đó là nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo sự đột phá, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Tăng trưởng tốc độ cao đối với các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ khó khăn hơn do quy mô kinh tế của các thành phố này đã khá lớn so với các địa phương khác trong cả nước. GDRP của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 1/3 GDP của cả nước. Khi quy mô lớn, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cần có bước tạo đà dài hơn. Nhưng chúng ta cũng đều kỳ vọng hai đầu tàu tăng trưởng quan trọng này sẽ sớm hoàn thành bước tạo đà để bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao, từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Nếu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt được tốc độ tăng trưởng 8% và cao hơn thì đây cũng là nền tảng quan trọng để đưa tăng trưởng cả nước đạt và vượt 8%.
Địa phương phải phát huy được động lực tăng trưởng của riêng mình
- Ông nói rằng, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể vừa là áp lực, vừa là động lực với các địa phương. Theo ông, các địa phương cần có những giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao?
- Cùng với động lực tăng trưởng chung của cả nước, các địa phương phải nhận biết được động lực tăng trưởng và từ đó có các biện pháp đẩy mạnh các động lực này.
Ảnh minh họa/INT
Ví dụ về đầu tư công, khi thực hiện công trình đầu tư công, cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm của quốc gia như đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển qua/trên địa bàn của mình, cũng như các dự án của địa phương thì phải rốt ráo ngay từ những tuần đầu, tháng đầu của năm để góp phần bảo đảm đầu tư công từ nguồn vốn trung ương hay ngân sách địa phương đều được thực hiện nhanh, hiệu quả.
Bên cạnh đó, điều các địa phương có thể làm ngay và sẽ mang lại hiệu quả sớm tới tăng trưởng GRDP của từng tỉnh là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, chính quyền các địa phương phải tìm cách thu hút nhiều hơn các dự án của khu vực tư nhân vào tỉnh mình bằng các nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang triển khai, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tìm biện pháp gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp hoạt động trở lại; tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng quản trị công, công tác điều hành kinh tế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng trên địa bàn.
Ưu tiên nguồn lực và tập trung mạnh mẽ công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành các công trình trọng điểm, công trình lớn dù là thuộc nguồn vốn đầu tư công hay nguồn vốn đầu tư tư nhân nằm trên địa bàn tỉnh sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng GRDP của tỉnh, thành phố trong năm 2025 và tạo nền tảng cho tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo. Tinh thần quyết liệt để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh sẽ có tính lan tỏa, truyền cảm hứng tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, thành phố, từ đó sẽ nâng cao hình ảnh về môi trường đầu tư và thu hút nhiều hơn nữa đầu tư vào địa bàn tỉnh, thành phố.
Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích ứng dụng, phổ biến và sáng tạo công nghệ. Thúc đẩy chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt các cơ hội từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra sự khác biệt về tăng trưởng GRDP tại các địa phương trong những năm tới.
- Về phía Chính phủ và các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương như thế nào, thưa ông?
- Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về quy định pháp luật, từ đó tạo môi trường, kiến tạo không gian phát triển tốt hơn cho các tỉnh, thành. Ngoài ra, đối với những dự án đầu tư, vấn đề tại địa phương nhưng lại thuộc thẩm quyền hay cần ý kiến của Trung ương, các bộ, ngành cần có ý kiến hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết định và ý kiến sớm để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Khi thẩm quyền quyết định về các vấn đề về địa phương bởi các bộ, ngành có thể được quyết định một cách tốt hơn, hiệu quả hơn ở cấp địa phương, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trên tinh thần các địa phương tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm. Điều đó sẽ đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư, hỗ trợ tốt hơn cho các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Hạnh Nhung thực hiện