Ảnh minh họa. (Internet)
Tổ chức này cũng dự báo thị trường AI toàn cầu sẽ đạt quy mô khổng lồ 4.800 tỷ USD vào năm 2033, tương đương với quy mô nền kinh tế hiện tại của Đức. Mặc dù UNCTAD thừa nhận AI mang lại những cơ hội to lớn và những thay đổi mang tính cách mạng cho nền kinh tế, báo cáo cũng chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn về việc gia tăng bất bình đẳng.
Điểm đáng chú ý là AI sẽ có tác động mạnh mẽ nhất đến các ngành nghề đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng, khác biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây vốn chủ yếu ảnh hưởng đến lao động chân tay. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia phát triển có thể chịu tác động lớn hơn, mặc dù các nước này cũng có nhiều khả năng tận dụng lợi ích từ AI hơn so với các nước đang phát triển.
UNCTAD lo ngại rằng AI có thể nới rộng khoảng cách giàu nghèo, bởi quá trình tự động hóa thường mang lại lợi nhuận chủ yếu cho chủ sở hữu vốn hơn là người lao động. Hơn nữa, các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp khi AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi.
Trước những thách thức này, Tổng Thư ký UNCTAD, bà Rebeca Grynspan, nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển AI. Bà kêu gọi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để xây dựng một khung pháp lý toàn cầu, đảm bảo rằng AI phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một số ít quốc gia và doanh nghiệp. Báo cáo của UNCTAD cũng chỉ ra sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường công nghệ tiên phong. Năm 2023, các công nghệ như Internet, blockchain, 5G, in 3D và AI đã tạo ra một thị trường trị giá 2.500 tỷ USD.
UNCTAD dự báo con số này sẽ tăng gấp 6 lần trong vòng một thập kỷ, đạt 16.400 tỷ USD vào năm 2033, trong đó AI được kỳ vọng sẽ là công nghệ dẫn đầu với giá trị ước tính 4.800 tỷ USD. Tuy nhiên, UNCTAD cũng lưu ý rằng sự phát triển AI hiện đang tập trung chủ yếu ở một số ít quốc gia. Chỉ khoảng 100 công ty, phần lớn có trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc, chi tới 40% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp trên toàn cầu.
Để tận dụng tối đa tiềm năng của AI cho sự phát triển bền vững, UNCTAD kêu gọi các quốc gia nhanh chóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, nâng cao năng lực và tăng cường quản lý AI. Báo cáo nhấn mạnh rằng AI không chỉ đơn thuần thay thế công việc mà còn có khả năng tạo ra các ngành công nghiệp mới và trao quyền cho người lao động. Để đạt được điều này, các quốc gia cần ưu tiên đầu tư vào các chương trình đào tạo lại kỹ năng, nâng cao tay nghề và hỗ trợ lực lượng lao động thích ứng với những thay đổi do AI mang lại.
Đáng lo ngại là hiện có tới 118 quốc gia, phần lớn thuộc khu vực Nam Bán Cầu, vẫn chưa tham gia vào các cuộc thảo luận quan trọng về quản lý AI. UNCTAD cảnh báo rằng nếu các nước đang phát triển không có tiếng nói trong việc xây dựng các quy định và khung pháp lý cho AI, công nghệ này có nguy cơ chỉ phục vụ lợi ích của một số ít quốc gia phát triển thay vì thúc đẩy tiến bộ trên toàn cầu.
PV