Khoáng sản có vị thế đặc biệt quan trọng
Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), dự thảo luật hiện phân loại khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý, nhưng tiêu chí phân loại chưa cụ thể, dễ dẫn đến một loại khoáng sản có thể thuộc hai nhóm khác nhau.
Đại biểu Hùng cho rằng, điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý mà còn dễ dẫn đến tình trạng khai thác lộn xộn, thất thoát tài nguyên. Đặc biệt, đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp và xây dựng, có nhiều đặc thù về chất lượng và công dụng, cần quy định cụ thể hơn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Như Ý.
“Ở một số quốc gia trong một số trường hợp chuyển nhượng các dự án là Chính phủ can thiệp mà không cho chuyển nhượng, vì đụng tới phát triển lâu dài và đặc biệt là chủ quyền và an ninh quốc gia. Trong dự thảo hiện nay, hầu hết chúng ta giao cho các bộ” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Tranh luận trước đó về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nói, cá nhân ông chưa yên tâm khi việc phân loại khoáng sản chưa tách bạch được các loại khoảng sản mang tính chất chiến lược quan trọng, khoáng sản có vị thế đặc biệt quan trọng.
Cụ thể, dự án luật đang phân loại khoáng sản theo nhóm I, II, III, IV. Trong nhóm I (nhóm kim loại và năng lượng) có những loại khoáng sản cực kỳ quan trọng, có trữ lượng lớn như đất hiếm, vonfram, uranium, titan…
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, Việt Nam còn có trữ lượng băng cháy lớn ở thềm lục địa chưa được kê vào. “Đây là những loại khoáng sản rất quan trọng khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên số, công nghiệp bán dẫn, hàng không và quân sự” - ông Nghĩa lưu ý.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, những loại khoáng sản này dù thuộc tầm chiến lược nhưng lại đang "đánh đồng" với những loại khoáng sản khác trong nhóm I.
"Đây có thể là lỗ hổng khi các nhà thăm dò, khai thác được chúng ta cấp phép cho họ có quyền chuyển nhượng và họ có quyền khởi kiện nhà nước, nếu như có tranh chấp", ông Nghĩa cho hay.
“Chuyển nhượng vốn trên thế giới, A chuyển cho B, rồi B chuyển cho C, rồi C chuyển cho D và tất cả những ông B, C, D này ở nước ngoài. Cuối cùng chúng ta sẽ rất khó để biết ai thực sự làm chủ công trình thăm dò và khai thác của chúng ta. Như thế có thể ảnh hưởng tới độc lập tự chủ hoặc chủ quyền” - đại biểu Nghĩa băn khoăn.
Từ phân tích trên, ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần quy định một danh mục riêng đối với khoáng sản chiến lược quan trọng và đặc biệt quan trọng và giao thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác cho Thủ tướng, thay vì giao cho bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh như hiện nay.
Thẩm quyền thuộc Thủ tướng thay vì giao cho bộ
Giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, tuy cùng một nhóm như khoáng sản nhóm I (khoáng sản kim loại) nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế mang tính chất chiến lược như: đất hiếm, vonfram, titan…
Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy. Ảnh: Như Ý.
Hay đối với loại khoáng sản nhóm 4 (vật liệu xây dựng, san lấp), theo ông Duy, cần có phương thức quản lý sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản về quy trình, thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Bộ trưởng TN&MT cho rằng, rất khó quy định chi tiết trong luật đến danh mục đối với từng loại khoáng sản. Do vậy, Chính phủ đã đề xuất trong luật quy định giao cho Chính phủ quy định phân loại chi tiết.
Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT nghiên cứu, xây dựng “chính sách riêng, đặc thù và chiến lược” để quản lý đối với các khoáng sản mang tính chất chiến lược.
"Thực tiễn diễn ra còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ", đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 4/11.
Luân Dũng