Khởi công 2 dự án đường sắt quan trọng vào ngày 19/8

Khởi công 2 dự án đường sắt quan trọng vào ngày 19/8
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tạo ra không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho logistics, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh hàng hóa, đồng thời góp phần hiện đại hóa, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, để ra thông báo kết luận phiên họp. Theo đó, Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đồng ý về mặt chủ trương, các bộ ngành, địa phương căn cứ luật pháp ban hành các quyết định để cấp dưới thực hiện, tránh "quả bóng trách nhiệm", đùn đẩy, né tránh. Đồng thời căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn các bộ ngành, địa phương chủ động, tích cực thực hiện theo đúng tiến độ, hiệu quả liên quan đến các công trình dự án đường sắt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, thành phố Hà Nội và TP.HCM đã có nghị quyết riêng về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM, do đó tập trung thực hiện, có vướng mắc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị "làm đâu chắc đó", "làm đâu được đấy", "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng trên cơ sở khoa học, an toàn, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi.
Theo đó, triển khai nhiều nhiệm vụ nhưng phải có thứ tự ưu tiên. Đề nghị Bộ Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và hoàn thành trước ngày 20/7/2025 về đầu tư công, đầu tư tư và thành lập Hội đồng tư vấn. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính thẩm định, xem xét, đánh giá đúng thẩm quyền.
Các đại biểu dự hội nghị
Thủ tướng đề nghị tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và giao cho địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư từ nay đến hết năm 2026 phải hoàn thành. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
"Giải phóng mặt bằng tất cả các tuyến đường sắt bao gồm: tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng; tuyến đường sắt Bắc-Nam, kết thúc giải phóng mặt bằng vào năm 2026. Đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm ở địa phương cho thấy là phải huy động cả hệ thống chính trị vào: dân vận, tuyên giáo, mặt trận" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng đề nghị khảo sát địa chất, thông báo hướng tuyến và sơ bộ cắm cột mốc để tiến hành triển khai các dự án đường sắt. Trên tinh thần chủ động tích cực và hiệu quả, Thủ tướng thống nhất khởi công đồng loạt Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/8/2025 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ hoàn thiện tiêu chuẩn về chuyển hóa xây dựng để ban hành trước 10/8/2025. Về việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân hay đầu tư nhà nước, đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo đó Bộ Xây dựng là cơ quan thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền. Bộ Ngoại giao thúc đẩy họp Ủy ban liên chính phủ vào tháng 7 năm nay với phía Trung Quốc để nhanh chóng triển khai dự án.
Lại Hoa/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/khoi-cong-2-du-an-duong-sat-quan-trong-vao-ngay-198-post1213452.vov