Ngay những ngày đầu tiên, ông Donald Trump đã thông qua một số dự luật gây tiếng vang
Chủ trương thực dụng, khó lường
Chỉ mới 2 tuần trôi qua kể từ lễ nhậm chức, ông Donald Trump đã chứng minh rằng trong 4 năm tới thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều biến động. Trong những ngày đầu tiên, ông đã thông qua một số dự luật gây tiếng vang và đưa ra nhiều tuyên bố gây sốc không kém từ việc loại bỏ những người chuyển giới khỏi quân đội cho đến những tuyên bố về lãnh thổ liên quan đến kênh đào Panama, đảo Greenland và gần đây nhất là áp mức thuế quan khắc nghiệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn và đặc biệt là những gì mà Tổng thống Donald Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, những tuyên bố và hành động này không hề gây sốc hay theo cảm xúc nào mà thể hiện đúng bản chất thực dụng, khó lường của ông.
Có thể thấy, Mỹ không thể bỏ qua lợi ích chiến lược ở Bắc Cực và phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh đáng gờm ở khu vực này. Vậy Tổng thống Donald Trump có tính toán gì trong tình huống này? Ông muốn mua lại hòn đảo Greenland của Đan Mạch, không ngần ngại đưa ra “tối hậu thư” cho quốc gia châu Âu này.
Đảo Greenland rất quan trọng với nền quốc phòng của Mỹ
Greenland vốn rất quan trọng đối với nền quốc phòng của Mỹ vì đây là nơi đặt căn cứ không quân Pituffik của Mỹ. Căn cứ này thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo, phòng thủ tên lửa và giám sát không gian. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ này có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu, trong đó có F - 35. Tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ đi qua hòn đảo này. Kiểm soát được Greenland đồng nghĩa với việc Mỹ có quyền tiếp cận bổ sung tới Bắc Cực, kiểm soát tuyến đường thay thế cho tuyến đường biển phía bắc của Nga từ châu Á tới châu Âu.
Sẵn sàng gây sức ép đồng minh
Tổng thống Donald Trump sẵn sàng áp mức thuế khắc nghiệt với Canada, bất chấp điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước. Có vẻ như trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc Cực, ông Trump nhận thấy được việc có Canada sẽ tốt hơn là sở hữu Greenland.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump cần gây ảnh hưởng tới Canada để giải quyết một vấn đề khác là “nắn gân” những nhà lãnh đạo “khó bảo”. Bằng việc áp mức thuế quan mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo ra bài toán hóc búa đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một nhà lãnh đạo vốn theo chủ nghĩa tự do, tiến bộ và là người chủ trương phản đối ông Trump.
Các tiếp cận với Canada được củng cố bởi 2 động thái gần đây, thể hiện sự cứng rắn, quyết đoán của Tổng thống Donald Trump ngay cả với các đồng minh.
Đầu tiên là Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng “vung đòn roi” đối với Colombia. Quan hệ giữa Mỹ và Colombia đã trở nên căng thẳng xung quanh các chuyến bay trục xuất người di cư từ Mỹ, dẫn đến việc 2 nước áp đặt thuế quan để trả đũa lẫn nhau. Ngày 26/1, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt thuế quan toàn diện lên hàng hóa Colombia và thu hồi thị thực của các quan chức chính phủ nước này, sau khi người đồng cấp Colombia Gustavo Petro cấm các chuyến bay trục xuất người di cư từ Mỹ hạ cánh xuống quốc gia này.
Thứ hai, một trong những cộng sự thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump, nhà tỷ phú công nghệ Elon Musk đã bước sâu vào chính trị châu Âu với những động thái ủng hộ các phong trào cực hữu ở Đức và Anh, tạo ra làn sóng dư luận trái chiều. Những hành động này không chỉ dấy lên tranh cãi về vai trò của ông trong các cuộc bầu cử, mà còn làm rõ sự giao thoa ngày càng lớn giữa công nghệ, quyền lực và chính trị. Rõ ràng, Mỹ có nhiều hình thức để can thiệp vào các tiến trình chính trị nội bộ châu Âu và động thái cho giới tinh hoa tự do châu Âu thấy được khả năng mà chính quyền Trump có thể thực hiện nếu châu Âu đi ngược lại ý muốn và lợi ích của nước Mỹ.
Tập trung cho những vấn đề nổi cộm trong nước
Tổng thống Donald Trump cũng đang tích cực giải quyết các vấn đề nổi cộm trong nước. Như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, ngay từ những ngày đầu nắm quyền, ông Trump đã bắt đầu thực hiện các bước để trục xuất những người di cư bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ, không chỉ người Colombia mà còn cả người Brazil, Mexico và nhiều nước khác. Chính quyền Trump củng cố an ninh biên giới phía nam của Mỹ để ngăn chặn dòng người nhập cư mới.
Giới phân tích chính trị cho rằng, bằng các biện pháp cứng rắn, Tổng thống Donald Trump không chỉ loại bỏ những tên tội phạm tiềm tàng mà còn củng cố sự ủng hộ từ cử tri Đảng Cộng hòa. Những người nhập cư bất hợp pháp được cho là một phần trong kế hoạch lớn của Đảng Dân chủ nhằm giành quyền lực trong nước.
Bằng cách cho phép những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ và hợp pháp hóa một phần trong số đó, Đảng Dân chủ đã thay đổi cán cân bầu cử ở các tiểu bang phía nam (vốn là các bang chiến lược của Đảng Cộng hòa), biến chúng thành các tiểu bang dao động và mang lại nhiều lợi thế cho Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn còn là ẩn số
Chính quyền Kiev đang gặp nhiều bất lợi trên chiến trường vì Mỹ không sẵn sàng tham gia vào cuộc xung đột đẫm máu
Tất nhiên, người Nga quan tâm nhất đến cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Ukraine. Một mặt, Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố “mỉa mai” về người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi nói rằng ông đang giúp nhà lãnh đạo Nga một “việc tốt” khi sẵn sàng thảo luận về việc chấm dứt cuộc xung đột. Đồng thời, ông đe dọa sẽ trừng phạt toàn diện nếu Moscow không chịu thỏa hiệp ngay lúc này.
Mặt khác, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn “phớt lờ” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cũng đang đình chỉ viện trợ cho Ukraine. Điều này sẽ khiến quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn trên chiến trường. Bởi lẽ, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ vẫn là một trong những nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho chính quyền Kiev.
Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump cũng chưa lường hết được những khó khăn sẽ phải đối mặt trong giải quyết cuộc xung đột này. Chính quyền Kiev đang gặp nhiều bất lợi trên chiến trường và Mỹ không sẵn sàng gửi quân đội tới Ukraine, không muốn tham gia vào cuộc xung đột đẫm máu. Mặc dù, những điều này không ngăn cản Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Nga, nhưng sẽ khó có một thỏa thuận nào có thể xảy ra mang lại chiến thắng rõ ràng cho nước Mỹ.
Rõ ràng, dù muốn giải quyết nhanh chóng vấn đề Ukraine song chính quyền Trump sẽ cần thêm thời gian để nắm được các điều kiện và tìm kiếm “điểm cân bằng” để dung hòa lợi ích của các bên tham gia xung đột.
HÙNG ANH