Hơn 100 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, công đoàn viên, cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên và người lao động thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã cùng nhau xem bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - tái hiện sinh động cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong lòng đất.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn Hoàng Đôn Nhật Tân chia sẻ tại chương trình
Các đại biểu tham dự được giao lưu với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực - nguyên mẫu của nhân vật Tư Đạp trong phim Địa đạo. Ông được mệnh danh là “cỗ máy phá tăng” trên vùng đất thép Củ Chi ngày ấy, vì chế tạo ra mìn gạt để phá hủy 5.000 xe cơ giới địch. Đồng thời, cũng được lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động của bác Hoàng Đôn Nhật Tân, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, từng chiến đấu ở địa đạo xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực kể, khi xe tăng Mỹ ồ ạt càn quét vùng Củ Chi năm 1966, lực lượng du kích địa phương tự mày mò chế tạo phương tiện chiến đấu. Ông được người bạn cho mượn 2 quả mìn cán, mang về nghiên cứu cách sử dụng. Ông gài mìn cán, khi xe tăng đi qua thì có một chiếc trúng mìn bị đứt xích.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lâm Đình Thắng và Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lê Thanh Minh trao quà tri ân đến các nhân vật
Bằng sự sáng tạo của mình, ông nảy ra ý tưởng chế tạo mìn gạt, xe tăng hoặc quân địch đi ngang vướng vào dây gạt, mìn sẽ nổ. Để chế tạo ra loại mìn này, ông tận dụng thuốc nổ từ những quả bom không nổ do địch thả, cưa ra và chế tạo thành mìn. Thành công rồi ông phổ biến rộng khắp chiến trường Củ Chi. Cũng vì thế mà nhiều người gọi ông là “anh hùng mìn gạt” hay “cỗ máy phá tăng”.
Xem phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực chia sẻ: “Cuộc sống ở trong lòng đất ngày ấy vất vả lắm, nhưng vì phải chiến đấu, chúng tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Nếu không có địa đạo bao che, thì lực lượng du kích địa phương không thể bám trụ lại ở đó được. Xem bộ phim này, các bạn sẽ thấy địa đạo bao che, tạo điều kiện cho mình đánh giặc như thế nào”.
Các đại biểu tham dự chương trình chụp hình lưu niệm
Chị Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1998), chia sẻ: “Có những hình ảnh chỉ thoáng hiện trên màn hình, nhưng lại khắc họa rõ nét bao gian truân mà các chiến sĩ đã trải qua trong lòng đất. Thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi công lao của thế hệ cha ông, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực nhất”.
CẨM TUYẾT