Những thành tựu này phần lớn được xây dựng dựa trên mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, tức là khai thác các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mô hình này đã giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, mô hình tăng trưởng nói trên đang bộc lộ những hạn chế. Mặc dù tăng trưởng trong ngắn hạn đã tạo ra những bước đột phá, nhưng về dài hạn, nền kinh tế đang đối diện với những vấn đề nan giải: năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất còn hạn chế, và khả năng tự chủ công nghệ chưa đủ mạnh. Điều này khiến Việt Nam chưa thể thoát ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đồng thời đối mặt với nguy cơ mắc phải “bẫy thu nhập trung bình”.
Trong khi đó, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và bối cảnh toàn cầu càng trở nên phức tạp hơn. Sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua một cuộc tái cấu trúc sâu sắc. Các quốc gia ngày càng nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ, ưu tiên “an ninh kinh tế” và “tự cường chuỗi cung ứng”, khiến sự liên kết trong thương mại quốc tế trở nên căng thẳng hơn.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới cũng đang tạo ra sự phân mảnh trong hệ thống thương mại toàn cầu. Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, những biến động này không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để kiểm chứng và khẳng định khả năng thích ứng của đất nước.
Chính vì vậy, để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta cần chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng chuyển từ tăng trưởng dựa trên số lượng sang tăng trưởng dựa trên chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc phải tập trung vào nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam cải thiện vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới, tạo ra một nền kinh tế tự chủ và bền vững hơn.
Vậy nhưng, cuộc chuyển đổi mô hình này không thể thực hiện được chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính. Để đạt được mục tiêu này, đất nước cần những “người mở lối”, những cá nhân và tổ chức dám đi đầu, dám đối mặt với thử thách và mạo hiểm trong bối cảnh không ít rủi ro và bất định.
Những “người mở lối” này chính là những nhà lãnh đạo dám thử nghiệm các mô hình chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, là những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và các lĩnh vực công nghệ sạch mà Việt Nam chưa có tiền lệ.
Đó cũng là những mô hình khởi nghiệp dám vươn ra thị trường quốc tế khi thể chế hỗ trợ còn chưa hoàn thiện; là các nhà khoa học, chuyên gia không ngừng kết nối nghiên cứu với sản xuất nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Để tinh thần “mở lối” có thể lan tỏa rộng rãi, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững chắc, bao gồm các cơ chế thử nghiệm, khung pháp lý linh hoạt, các quỹ đầu tư mạo hiểm và sự kết nối giữa viện nghiên cứu, trường học và doanh nghiệp. Chỉ khi có một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ, những sáng kiến đổi mới sáng tạo mới có thể phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong toàn xã hội.
Đã đến lúc chúng ta phải thống nhất thật cao ở tất cả các cấp, ngành, địa phương là tăng trưởng không còn là cuộc chạy đua số lượng mà là cuộc đua về năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng. Để tham gia vào cuộc đua này, chúng ta không thể tiếp tục đi theo lối mòn cũ, mà cần có những bước đi đột phá, táo bạo và sáng tạo.
Tinh thần “mở lối”, dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong cần được khơi dậy, nuôi dưỡng và lan tỏa không chỉ trong giới doanh nhân, mà còn trong giới nhà quản lý, nhà khoa học và thế hệ trẻ.
Nếu thế hệ trước đã “mở lối” để mở ra cánh cửa hội nhập, thì thế hệ hôm nay cần tiếp tục “mở lối” để tạo ra mô hình tăng trưởng có chiều sâu, tự chủ và bền vững hơn cho tương lai của đất nước.
TS HUỲNH THANH ĐIỀN