Ninh Bình 'phiên bản hợp nhất' sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, hướng biển

Ninh Bình 'phiên bản hợp nhất' sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, hướng biển
2 ngày trướcBài gốc
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 24/5/2025, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, hội thảo “Tham vấn về định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo ba tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi, tham vấn quan trọng, là bước chuẩn bị chiến lược để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập.
HỢP NHẤT MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, nhấn mạnh sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy tối đa tiềm năng phát triển.
Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, phát biểu khai mạc hội thảo.
Việc hợp nhất ba tỉnh bù đắp những hạn chế về diện tích và dân số, góp phần tinh gọn bộ máy, tạo ra sự thay đổi tích cực trong quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời, góp phần tăng quy mô kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản.
Đặc biệt, việc mở rộng không gian phát triển kinh tế biển được xem là điểm sáng trong định hướng phát triển vùng.
Ông Trương Quốc Huy khẳng định: “Những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học sẽ góp phần quan trọng định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.”
TIỀM NĂNG CỦA VÙNG HỢP NHẤT
Báo cáo đề dẫn hội thảo do Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn trình bày đã làm rõ những thành tựu nổi bật của ba tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua.
Ba tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và phát triển các động lực mới dựa trên công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn và kinh tế di sản.
Tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế toàn vùng ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% khu vực đồng bằng sông Hồng và 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là minh chứng cho vai trò ngày càng nổi bật của vùng trong cơ cấu kinh tế quốc gia.
Ông Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, phát biểu báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Nông nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ theo mô hình hữu cơ, tuần hoàn; chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị đạt nhiều đột phá; hạ tầng được đầu tư đồng bộ; đời sống nông thôn tiệm cận đô thị. Nhiều mô hình kinh tế mới như thương mại điện tử, kinh tế đêm, du lịch cộng đồng, làng nghề sáng tạo, nông nghiệp bản địa phát triển nhanh.
Các ngành công nghiệp xanh và công nghệ số ghi dấu ấn rõ nét: vật liệu xanh, công nghệ thông tin tại Nam Định; cơ khí - ô tô, tổ chức sự kiện - du lịch tại Ninh Bình; công nghiệp điện tử, giải trí, công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã đủ năng lực làm chủ liên doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thể hiện năng lực phát triển tự chủ.
Lãnh đạo các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình điều hành hội thảo
Về an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại ba tỉnh đều thấp hơn mức trung bình cả nước, cho thấy hiệu quả chính sách giảm nghèo và chăm lo đời sống nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, nâng cao uy tín và vị thế địa phương.
Ông Đặng Khánh Toàn cũng nhấn mạnh tiềm năng vượt trội của tỉnh Ninh Bình mới với diện tích gần 3.943 km², dân số hơn 4,4 triệu người, vị trí chiến lược “cửa ngõ” phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, kết nối ba vùng kinh tế lớn và nằm trên nhiều hành lang kinh tế trọng điểm.
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử với gần 5.000 di tích, trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam) và di sản phi vật thể đại diện nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh.
DU LỊCH DI SẢN VÀ KNH TẾ BIỂN LÀ MŨI NHỌN
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về các thách thức hiện tại cũng như đề xuất các giải pháp phát triển vùng hợp nhất.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và GS.TS Đào Xuân Học nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ngành du lịch và công nghiệp văn hóa, đặc biệt với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể phong phú. Hai chuyên gia đề xuất xây dựng đề án phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quy hoạch địa phương trung và dài hạn, lập bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp các điểm đến du lịch, di sản văn hóa, thiên nhiên và đô thị di sản.
Ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa trong liên kết ngành, vùng và quốc tế sẽ giúp ngành này trở thành mũi nhọn kinh tế tầm quốc gia và quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tham gia thảo luận tại hội thảo.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng ba tỉnh đang có “đà” phát triển nhanh và cần biến áp lực thành động lực. Ông khẳng định cần có cách tiếp cận quy hoạch bài bản, dài hạn, đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, công nghệ cao và khu kinh tế biển.
Việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích hợp công nghệ số và trí tuệ nhân tạo cũng là yếu tố then chốt để xây dựng vùng đất này trở thành trung tâm đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế.
TS. Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển đảo Việt Nam, cùng KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ quan điểm về tiềm năng phát triển kinh tế biển, đặc biệt với đường bờ biển dài của Nam Định và Ninh Bình.
Các chuyên gia này đề xuất phát triển du lịch biển và dịch vụ bền vững, logistics hàng hải hiện đại và xanh, nuôi trồng thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo. Phát triển hành lang kinh tế ven biển theo trục Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình được đánh giá là chiến lược quan trọng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp công nghệ cao theo tư duy hệ sinh thái công nghiệp, tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việc lấy các viện nghiên cứu, trường đại học làm lõi để thúc đẩy hình thành doanh nghiệp, thương mại hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo và phát minh sáng chế được xem là giải pháp then chốt.
Về nông nghiệp, các ý kiến đều thống nhất cần chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, đa giá trị, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn bảo vệ môi trường, cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khu vực nông thôn cần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị di sản nông nghiệp, đồng thời quy hoạch các khu vực nông thôn, làng nghề gắn với phát triển du lịch.
TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, trong phát biểu tổng kết hội thảo, nhấn mạnh ba điểm cốt lõi trong định hướng chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình mới.
Thứ nhất, nhận diện toàn diện các tiềm năng vô hình và hữu hình, lợi thế động và lợi thế tĩnh của ba tỉnh. Đặc biệt, lợi thế động dựa trên tư duy và sự sẵn sàng của tỉnh mới, cùng với sự chuyển đổi tư duy của đội ngũ lãnh đạo sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng, khắc phục những hạn chế của không gian địa lý và tư duy cũ.
Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, phát biểu bế mạc hội thảo
Thứ hai, tái cơ cấu các vùng động lực phát triển và giải quyết mối liên hệ giữa đô thị và nông thôn khi hình thành hành lang phát triển mới. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hợp nhất các quy hoạch của ba tỉnh là công việc cấp bách, cần kế thừa và tiếp nối quy hoạch cũ nhưng phải theo tư duy mới, tạo ra không gian phát triển rộng mở hơn.
Thứ ba, định vị rõ vai trò và vị thế của tỉnh Ninh Bình mới trong vùng Đồng bằng sông Hồng, trong mạng lưới đô thị, đặc biệt với siêu đô thị Hà Nội và Hải Phòng, cũng như trong cấu trúc lãnh thổ quốc gia và tầm quốc tế. Ninh Bình không chỉ là cửa ngõ phía Nam thủ đô mà còn là lối ra của khu vực Bắc Trung Bộ khi tiến vào Đồng bằng sông Hồng và lên biên giới phía Bắc.
Ông Đoàn Minh Huấn cũng nhấn mạnh việc biến các nguồn lực tĩnh như vị trí địa lý, tài nguyên di sản, văn hóa, nhân văn, đất đai thành động lực phát triển thông qua vốn hóa và chuyển hóa, đồng thời gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình mới sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách đô thị đối ngẫu, không phải đô thị vệ tinh hay đối trọng, mà là đô thị bù đắp những thiếu hụt của các siêu đô thị khác. Ninh Bình sẽ phát triển đa dạng các mặt như du lịch, hậu cần sinh thái, công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, giáo dục, khoa học công nghệ đạt tầm quốc tế.
Thiên Anh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ninh-binh-phien-ban-hop-nhat-se-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi-huong-bien.htm