Khởi nghiệp từ 'cây nhà lá vườn'

Khởi nghiệp từ 'cây nhà lá vườn'
2 giờ trướcBài gốc
Các sản phẩm như lê-ki-ma sấy dẻo, trà mãng cầu, trà túi lọc tía tô, diếp cá,... được không ít người tiêu dùng ưa thích bởi nguồn gốc từ tự nhiên, lại được các start-up chú trọng quy trình chế biến, bảo quản, giữ được hương vị, dinh dưỡng...
Tận dụng lợi thế
Cách đây hơn 5 năm, chàng trai trẻ Trương Văn Pháp ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, tốt nghiệp ngành y học cổ truyền tại một trường trung cấp ở thành phố Cần Thơ. Về nhà, Pháp ấp ủ kế hoạch dùng những kiến thức đã học được của mình để khởi nghiệp.
Tình cờ, xem được cách làm trà mãng cầu của một người ở Sóc Trăng, Pháp cũng mày mò làm thử. Ban đầu, chỉ làm để sử dụng trong gia đình. Sau đó, thấy mọi người trong nhà đều rất thích loại thức uống này, Pháp quyết định nghiên cứu để sản xuất số lượng lớn, bán ra thị trường. Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, cộng với kiến thức về ngành y của mình, Pháp cho ra đời thương hiệu trà mãng cầu Diệu Phúc.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ tham quan gian hàng sản phẩm của start-up "cây nhà lá vườn".
Hiện, vẫn là doanh nghiệp trẻ, mới đưa sản phẩm hoàn thiện ra thị trường chưa lâu, nhưng trà mãng cầu Diệu Phúc đã được nhiều người ở đồng bằng sông Cửu Long biết đến.
Trương Văn Pháp có một số nhà phân phối để bán sản phẩm ra thị trường, thông qua cả kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống. Anh cũng rất chịu khó đưa sản phẩm của mình đến các hội chợ, sự kiện liên quan đến khởi nghiệp, tiêu dùng để giới thiệu.
Ở miền Tây, cây trái luôn sẵn có. Tận dụng “cây nhà lá vườn” là cách để vừa tiêu thụ cho bà con, lại tạo thêm công ăn việc làm. Sắp tới, khi mở rộng sản xuất, nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm nữa thì sẽ cần thêm nhiều nhân công và sức tiêu thụ sản phẩm địa phương cũng tốt hơn.
Anh Trương Văn Pháp, chủ thương hiệu trà mãng cầu Diệu Phúc
Cách đây vài năm, chị Ðỗ Thị Xuân Diệu (huyện Thới Lai, Cần Thơ) tìm cách tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương để mở hướng kinh doanh.
Được chồng là chuyên gia về công nghệ thực phẩm giúp đỡ, chị Diệu nghiên cứu chế biến lê-ki-ma sấy dẻo, bột lê-ki-ma để bán trên thị trường.
Công ty TNHH quốc tế Dika Happy do chị Diệu làm giám đốc, sở hữu nhà xưởng diện tích 130m2 và nghiên cứu chế biến thêm các sản phẩm mới như trà, bánh... từ lê-ki-ma.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và thời gian bảo quản, công ty của chị Diệu dần hoàn thiện các quy trình sản xuất, sử dụng các công nghệ sấy khác nhau.
Giới thiệu sản phẩm Dika Happy tại một hội chợ.
“Miền Tây Nam Bộ trồng lê-ki-ma rất tốt, cây phát triển đều, không cần chăm bón nhiều và ra quả đều đặn quanh năm. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú này sẽ tạo công ăn việc làm cho người nông dân vùng quê, cải thiện kinh tế nông thôn và nâng cao sức khỏe cộng đồng”, chị Diệu chia sẻ.
Cũng tận dụng “cây nhà lá vườn” để khởi nghiệp, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm đã từ bỏ vị trí quan trọng tại một tập đoàn dược phẩm lớn để cho cho ra đời thương hiệu Hygie & Panancee (H&P). Thương hiệu ra đời từ năm 2019, chuyên sản xuất trà bằng thảo dược thiên nhiên từ lá tía tô, diếp cá…
Mong muốn của chị Thắm là xây dựng giá trị mới bền vững hơn cho nông sản địa phương, thay đổi mô hình trồng trọt từ “bán chợ” sang “làm thuốc”. Các loại rau, thảo dược được ứng dụng công nghệ chiết xuất của ngành dược, loại tạp, bỏ bã, rồi pha chế thành dạng bột hòa tan trong nước, có thể uống liền.
Dự án của dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp.
Hiện, công ty của chị Thắm có 12 loại trà dược liệu hòa tan đang được bán ra thị trường, trong đó có 5 sản phẩm chứng nhận OCOP bốn sao của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
Dự án của chị Thắm đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi như: Giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021; Giải nhì Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp-đổi mới sáng tạo năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức…
Phát triển thương hiệu
Mặc dù đang có những bước đi đầu tiên khá thành công, nhưng nhiều start-up chọn hướng “cây nhà lá vườn” để lập nghiệp vẫn đang gặp những rào cản không nhỏ trong việc phát triển thương hiệu. Theo nhiều chuyên gia, tận dụng lợi thế của vùng miền, địa phương là tốt, nhưng để thành công, việc phát triển thương hiệu là hết sức quan trọng.
Các sản phẩm "cây nhà lá vườn" được nhiều người quan tâm khi trưng bày tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên đô thị Cần Thơ.
Cần xây dựng chi tiết hoạch định về mặt tài chính; xác định nguồn vốn cần sử dụng. Phân bổ, bố trí, chi phí cho nhân sự và lập kế hoạch cho việc hoàn vốn, marketing sản phẩm cần được quan tâm đúng mực. Việc có chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp đồng hành hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang thiếu của nhiều start-up tại đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát huy hiệu quả các mô hình khởi nghiệp bằng “cây nhà lá vườn”, cần chú trọng xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển, cũng như mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân. Tuy nhiên, đây vẫn đang là điểm nghẽn đối với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tại Tây Nam Bộ.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cần Thơ Đặng Xuân Yến
Anh Trương Văn Pháp (chủ thương hiệu trà mãng cầu Diệu Phúc) chia sẻ: "Hiện nay, tôi đang phải đối mặt với nhiều bài toán như nhân sự, kỹ thuật, máy móc… Có người đảm nhận cho mình khâu sản xuất thì tôi sẽ có thêm thời gian cho việc phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, tìm được người am hiểu về lĩnh vực này không hề dễ dàng, bởi yêu cầu phải có trình độ, chuyên môn. Bên cạnh đó, tôi cũng rất muốn các cơ quan chức năng có những giải pháp hỗ trợ start-up như tôi về các quản lý website, cách thức quảng bá thông tin…".
Với các sản phẩm từ lê-ki-ma, chị Đỗ Thị Xuân Diệu cho biết, công ty phải đương đầu rất nhiều khó khăn phía trước. Ðể có thể ổn định sản xuất và xa hơn là tìm hướng xuất khẩu, cần quỹ đất và vùng nguyên liệu bảo đảm.
Sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các nhà khoa học với chúng tôi là rất quan trọng, bởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thể chỉ từ đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Các sản phẩm "cây nhà lá vườn" cần chú trọng hơn về mẫu mã, chất lượng bao bì...
Theo dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm, mục tiêu trong tương lai gần của H&P là có thể bao tiêu đầu ra cho nông sản, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ nhằm phát triển lâu dài, bền vững hơn cho địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn về việc kêu gọi nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất vẫn là trở ngại lớn. Trong khi những sản phẩm mới rất cần thời gian để thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm, cho nên nếu không đủ vốn, doanh nghiệp sẽ đối mặt không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần các sân chơi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mục đích đưa sản phẩm đến các sân chơi là để chuyên gia thẩm định dự án của mình, phát hiện những cái còn thiếu để mình bổ sung cũng như gợi ý phương pháp và mô hình kinh doanh hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên đô thị Cần Thơ, cho biết, hợp tác xã đã hỗ trợ trưng bày và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên,… Nhìn chung, nhiều khách hàng đánh giá cao chất lượng các sản phẩm này.
Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng là một chuyện, để thành công, các start-up cần hướng đến nhiều mục tiêu khác. Thí dụ, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, cần đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, hình thức, chất lượng bao bì, nhãn mác cũng phải được chú trọng, có như thế mới thu hút được nhiều khách hàng.
HOÀNG PHAN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/khoi-nghiep-tu-cay-nha-la-vuon-post838364.html