Trong lúc chúng ta đang nỗ lực cải thiện hàng loạt điều kiện để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, với mục tiêu thu hút vốn ngoại, thì 2024 cũng là năm vốn ngoại rút đi nhiều nhất.
Doanh nghiệp bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất là Vinhomes, với tổng giá trị bán ròng cả năm lên tới 19.350 tỷ đồng, cách xa doanh nghiệp thứ hai là Ngân hàng VIB với giá trị bán ròng gần 8.300 tỷ đồng.
Thật ra, nếu nhìn vào con số bán ròng đó để nói thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn, thì cũng chưa toàn diện. Thực tế đồng USD tăng giá cùng xu hướng bảo hộ kinh doanh tại Mỹ được dự báo có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp xứ cờ hoa. Đó là lý do dòng tiền đã được rút về từ các quốc gia khác. Không chỉ riêng Việt Nam, dòng vốn đầu tư khắp châu Á và các thị trường mới nổi cũng bị rút về các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ trong năm đầy biến động vừa qua.
Tuy nhiên, việc bán ròng tăng sốc như vậy là điều đáng để suy nghĩ. Năm 2023, khối ngoại đã bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt khoảng 22.800 tỷ đồng, tức đến 1/4 con số bán ròng của năm 2024.
Các doanh nghiệp Việt năm vừa qua phải đối mặt với nhiều thách thức. Từ sức cầu yếu trên thị trường quốc tế, biến động tỷ giá, lãi suất,… đều là những biến cố khó dự đoán. Tháng 9 vừa qua, Việt Nam cũng bị cơn bão Yagi với sức công phá mạnh, tàn phá.
VnIndex đã tăng trưởng hơn 12% trong năm 2024, thấp hơn một chút so với mức tăng của năm 2023. Mức tăng này thực ra không thấp nếu so sánh với lãi suất tiết kiệm nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư nói chung. Năm 2022, VnIndex giảm tới gần 33%, tức là giảm 1/3 và đã có rất nhiều "chứng sĩ" đến nay, sau hơn 2 năm, vẫn chưa thể "về bờ".
Nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn là đích đến mà Việt Nam phải thực hiện. Một trong những điều kiện tiên quyết để đáp ứng các tiêu chí xếp hạng, là thị trường phải thực sự lành mạnh, đảm bảo công bằng cho toàn bộ người chơi, dù là nhà đầu tư trong nước, hay nước ngoài, dù là cổ đông đại chúng, hay là cổ đông nội bộ.
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước tăng cường xử phạt các vi phạm hành chính. Động thái đáng chú ý nhất là một loạt án phạt liên quan tới chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp, điều mà trước đây động thái của các cơ quan quản lý chưa thực sự rõ ràng.
Trên phương diện các doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán đã bắt đầu xử phạt các doanh nghiệp tự lập báo cáo tài chính với sai lệch lớn. Những động thái này không chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào thị trường Việt Nam, mà còn giúp nhà đầu tư trong nước thêm tự tin khi đặt lệnh mua/bán trên sàn.
Năm 2025 đã đến, với nỗ lực từ các cơ quan chức năng trong việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, hy vọng rằng các "chứng sĩ" sẽ có một năm đầu tư thắng lợi.
Lưu Hường